Hát xẩm – Hành trình đến di sản (Bài 1)

Hát xẩm – Hành trình đến di sản (Bài 1)
Hát xẩm là một loại hình âm nhạc đặc sắc với lối diễn xướng dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, là món ăn tinh thần của những người lao động. Tuy nhiên, những thay đổi trong lịch sử đã khiến hát xẩm dần vắng bóng trong đời sống. Tiếc cho một loại hình nghệ thuật dân gian có nguy cơ thất truyền, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tự bỏ tiền túi để phục dựng và đưa loại hình âm nhạc độc đáo này trở lại với công chúng. Mong muốn nghệ thuật hát xẩm được chính thức ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được ngành văn hóa quan tâm, đầu tư phát triển là mơ ước của các nghệ sỹ xẩm và những người yêu xẩm trong nhiều năm qua, nhưng đến nay, hành trình này vẫn còn gian nan. 

Bài 1: Nghệ thuật của cội nguồn dân gian
 
Cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng xẩm là lối hát của người khiếm thị, ăn xin. Trên thực tế, hát xẩm là thể loại âm nhạc dân gian với lối diễn xướng độc đáo, gắn bó với con người Việt Nam, đặc biệt là với cuộc sống dân dã, thị thành và kẻ chợ.

Tối 3/12, tại thành phố Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tổ chức khai mạc liên hoan hát Xẩm khu vực phía Bắc - Ninh Bình 2019. Một tiết mục xuất sắc tại đêm khai mạc. Ảnh: Đức Phương - TTXVN
Tối 3/12, tại thành phố Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tổ chức khai mạc liên hoan hát Xẩm khu vực phía Bắc - Ninh Bình 2019. Một tiết mục xuất sắc tại đêm khai mạc. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Diễn xướng dân gian độc đáo

Theo nhạc sỹ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20, hát xẩm thường được gọi với những cái tên khác nhau như hát rong, hát dạo… Cho đến nay, nhiều người vẫn hiểu xẩm là lối hát của người khiếm thị, ăn xin nhưng đúng ra là người khiếm thị đã dùng nghệ thuật hát xẩm làm phương tiện kiếm sống. Trên thực tế, hát xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ, sân khấu của họ chính là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình... hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo. Có thể nói, hát xẩm là món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Trước đây hát xẩm gắn với hoạt động của nhân dân ta trong những vụ nông nhàn. Thường thì sau vụ mùa bội thu, những gánh hát xẩm thường được mời về hát tại tư gia của những gia đình giàu có quyền quý.

Hát xẩm là loại hình âm nhạc vô cùng đặc sắc bởi ở đó là cả một thế giới nội tâm, chứa đựng tâm tư, tình cảm của con người đối với quê hương, đất nước, ca ngợi công cha nghĩa mẹ, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình anh em, bạn bè... Các bài hát xẩm thường đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống. Đặc biệt, các nghệ nhân hát xẩm thường chọn thơ văn có tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm để thể hiện trong các làn điệu xẩm. Thời phong kiến, hát xẩm là tiếng nói phản kháng lên án những bất công cường quyền, áp bức, bênh vực thân phận bất hạnh nghèo khổ bị chà đạp. Các nghệ nhân hát xẩm còn thường xuyên cập nhật những vấn đề mang tính thời sự, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời…

Bên cạnh giá trị nghệ thuật, hát xẩm còn là loại hình âm nhạc dân gian mang đậm tính nhân văn, thẩm mỹ và giáo dục về đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp trong xã hội. Với lối kể sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn, hát xẩm là một loại hình âm nhạc có một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta. Không chỉ phục vụ cho đám đông ngoài xã hội, người nghệ sỹ xẩm còn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu như trong những dịp hội hè, cưới xin, ma chay, giỗ kỵ. Thậm chí, nhiều khi chỉ đơn giản là “nhờ bác xẩm đánh tiếng giùm” với cô nàng thôn nữ đang đứng bên đàng...

Có một điều đặc biệt là, dù nội dung là nói về tình yêu hay đề tài mang tính đấu tranh, dân vận... các bài xẩm đều được các nghệ nhân "kể" bằng âm nhạc một cách hóm hỉnh, dễ nghe, dễ nhớ. Là sản phẩm của người lao động nên tính chất âm nhạc, lời ca trong xẩm hết sức mộc mạc chân thành, song nó cũng chứa đựng những nội dung tư tưởng sâu sắc. Lời ca trong hát xẩm không chỉ phong phú về thể loại như ca dao, tục ngữ, thơ của các tác giả nổi tiếng, mà còn rất đa dạng về mặt nội dung. Những ca từ của xẩm hàm chứa những triết lý, những lời răn dạy đạo lý ở đời.

Thăng trầm hát xẩm

Nhạc sỹ Thao Giang cho biết, tham khảo từ các nguồn tài liệu nghiên cứu cho thấy, nghệ thuật hát xẩm xuất hiện từ sớm, có thể được hình thành khoảng thế kỷ thứ 14. Những nghệ nhân trong “làng xẩm” vẫn truyền tai nhau truyền thuyết về ông tổ nghề xẩm. Tương truyền, vua Trần có 2 hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Do tranh giành quyền lực, hoàng tử Trần Quốc Đĩnh bị Trần Quốc Toán hãm hại, chọc mù mắt và bỏ giữa rừng sâu. Trong một lần ngủ mơ, Trần Quốc Đĩnh mơ thấy bụt dạy ông cách làm đàn từ vỏ quả khô và dây rừng. Tỉnh dậy, Trần Quốc Đĩnh mầy mò làm theo hướng dẫn và thật kỳ lạ, cây đàn vang lên những âm thanh tuyệt vời. Những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm đến và đưa ông về.

Thời điểm lưu lạc ở dân gian, Trần Quốc Đĩnh đã dạy đàn cho người nghèo, người khiếm thị, giúp họ có được niềm vui và cách kiếm sống. Tiếng đồn về tài năng âm nhạc của ông lan đến tận hoàng cung. Nhà vua cho vời ông vào cung hát và cha con nhận ra nhau. Tuy đã trở lại cuộc sống cung đình, nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục dạy mọi người đàn hát kiếm sống. Sau này, hoàng tử Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ của nghề hát xẩm. Hàng năm, để ghi nhớ công ơn của ông, những người hành nghề hát xẩm đã lấy ngày 22/2 và 22/8 âm lịch là ngày giỗ tổ nghề hát xẩm.

Trong các loại nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam, có lẽ chỉ duy nhất hát xẩm được gọi với tư cách là một nghề để kiếm sống. Trong quá trình phổ biến lối hát xẩm, có người mù hoặc nghèo khổ nhưng rất có năng khiếu về âm nhạc đã vận dụng hát xẩm làm phương tiện kiếm sống, điều này vô hình chung đã đưa hát xẩm trở thành "đặc sản" của những người ăn xin, trở thành một nghề để kiếm sống của những người nghèo nơi thành thị và được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là thời gian thịnh đạt nhất của hát xẩm. Lượng người hát xẩm đông nhất là thời kỳ Pháp thuộc và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tới giữa thế kỷ 20, nghề hát xẩm vẫn còn với các tên tuổi nghệ nhân tài ba, như: Nguyễn Văn Nguyên - tức cụ Trùm Nguyên, Vũ Đức Sắc (Hà Nội); Thân Đức Chinh (Bắc Giang); Nguyễn Phong Sắc (Hải Dương), cụ Trùm Khoản (Sơn Tây), cụ Chánh Trương Mậu (Ninh Bình); cụ Đào Thị Mận (Hưng Yên); cụ Trần Thị Nhớn (Nam Định); Trần Thị Thìn, Nguyễn Văn Khôi (Hà Đông)... và nhiều nghệ nhân khuyết danh khác.

Từ thập niên 60 trở lại đây, do nhiều nguyên nhân khác, đặc biệt là do quan niệm sai lầm nên nhiều người hát xẩm, các phường xẩm dần tan rã và không hoạt động nữa. Các nghệ nhân xẩm tài danh bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo các giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ đã từng lưu giữ và thực hành. Đời sống xã hội của nghệ sỹ xẩm không còn, nghệ thuật hát xẩm đã bị lãng quên, tưởng như đã thất truyền.
Phương Lan

Có thể bạn quan tâm