Biểu diễn hát then – đàn tính tại Liên hoan hát Then - đàn Tính toàn quốc (12-14/5). Ảnh: Thành Đạt - TTXVN |
Theo thời gian, không giống như các loại hình nghệ thuật dân tộc khác, nghi lễ Then của người Tày ở Lào Cai không hề bị mai một mà vẫn được duy trì và tồn tại với các nghi lễ, như Then giải hạn, Then gọi vía, Then cầu an... ở Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Sa Pa và thành phố Lào Cai. Sở dĩ nghi lễ Then tồn tại đến ngày nay, bởi sự tin tưởng của người Tày vào những giá trị to lớn mà nghi lễ Then mang lại.
Thầy Then Hoàng Sín Phìn, xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn cho biết, trong cuộc đời mỗi người Tày Lào Cai ít nhất trải qua nghi lễ Then một lần. Nguyên nhân để tổ chức nghi lễ Then có nhiều, nhưng chủ yếu là con người bị ốm yếu, uống thuốc mà không khỏi; trẻ con ốm đau hoặc quấy khóc. Then thường tổ chức vào dịp đầu năm, đầu xuân để cầu lộc, cầu tài và sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Là tổng hòa các loại hình diễn xướng nghệ thuật như hát, nhạc, nhảy múa, trang phục với hai hình thức chính là “thoát hồn” và “nhập hồn”, Then hướng tới mục đích chữa bệnh, giải hạn, trừ hiểm họa, cầu tự, ban phúc lộc.
Cấp cao nhất của Then gọi là Lễ Cấp sắc, người Tày ở Lào Cai gọi là Lễ Pang Luông. Để một người hành nghề Then được chứng nhận đủ khả năng tiến hành nghi lễ cúng bái, cầu an trong đời sống tâm linh của cộng đồng thì nghi thức cấp sắc lần đầu là một trong những nghi lễ chính của đại lễ mở hào quang cho người làm Then. Một trong số các thầy Then có điều kiện về vật chất, đứng ra đăng cai, gia chủ mời tất cả thầy Then trong thôn hoặc trong xã về gia đình thực hành nghi lễ. Sau nghi lễ Pang Luông, các thầy Then chỉ việc chuyên tâm vào công việc của mình với trách nhiệm là cầu nối truyền tải tâm tư, ước vọng giữa thần linh và người thường.
Trong thời gian diễn ra Lễ Pang Luông, người thực hiện và người đến dự đều không va chạm, lời qua tiếng lại, trộm cắp, đánh nhau. Vì vậy, ý thức tự giác, sự tôn trọng nhau trong đồng bào người Tày rất lớn, có tính nhân văn cao. Thông qua nghi lễ Then, những người làm Then luôn tự tin, có sức mạnh và ý chí phấn đấu trong cuộc sống, tích cực tạo phúc cho mọi người. Chính vì vậy, nghi lễ Then luôn là niềm tự hào của dân tộc Tày ở Lào Cai và đương nhiên các câu hát Then ra đời trong môi trường diễn xướng như vậy nên có nội dung, hồn cốt gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán và tín ngưỡng từ lâu đời của người Tày Lào Cai.
Tuy vậy, mỗi vùng đất Then lại có những vẻ đẹp khác nhau. Theo số liệu thống kê, ghi chép, sưu tầm của các nghệ nhân như Hoàng Thị Cứ, Ma Thanh Sợi (huyện Bảo Yên, Lào Cai) thì hiện nay, địa phương này có vài trăm làn điệu hát Then từ cổ truyền đến hiện đại. Những làn điệu hát Then nơi đây không lẫn với bất cứ làn điệu hát Then ở những vùng Tày khác, mà đó là những sáng tạo của chính cư dân bản Tày nơi đây với những bài thơ, bài hát nói về các phong tục tập quán, đạo lý con người, phong tục cưới xin, những điệu hát giao duyên, hát đối nam nữ, hát mừng trong các lễ hội… Những câu thơ đố như: “Món gì ăn cả con không có ruột (con nhộng), món gì đun nước lã lại đậm (nước muối), điều gì đánh thức giấc ngủ thiên hạ (tiếng gà gáy)…” đều được người dân ở đây trân trọng và truyền giữ cẩn thận. "Đó thực sự là một kho báu quý giá và là ước nguyện “gìn giữ linh hồn” mà người Tày mong muốn", ông Ma Thanh Sợi cho hay.
Không chỉ dùng cho các nghi lễ, đây cũng là loại hình dân ca được nam nữ thanh niên Tày sử dụng trong các cuộc vui giao duyên. Các câu hát Then có cấu tứ chặt chẽ, hệ thống mạch lạc từ lúc mở đầu đến kết thúc, đáp ứng được ước nguyện tỏ tình, giao duyên của các nam thanh, nữ tú. Ai đã có dịp được đắm mình trong cuộc hát Then giao duyên của trai gái Tày Văn Bàn, Lào Cai sẽ khó mà quên được lời lượn hát tinh tế, ví von sâu xa giàu hình ảnh, cảm xúc cùng giai điệu mượt mà, da diết say đắm lòng người.
Đi thăm mỗi bản làng các dân tộc Tày ở tỉnh Lào Cai đều có thể nghe những làn điệu hát Then truyền thống. Hoà trong vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc, điệu mùa xòe nhịp nhàng và âm hưởng réo rắt của đàn Tính, những câu hát Then của đồng bào như dìu dặt, hoà quện trong tiếng gió, tiếng xào xạc của lá rừng... Những làn điệu Then tô điểm lên bức tranh làng bản vẻ yên bình, nét đẹp văn hoá độc đáo và bản sắc của đồng bào dân tộc Lào Cai.
Hương Thu
TTXVN