Hấp dẫn điểm đến du lịch làng cổ Phước Tích

Hấp dẫn điểm đến du lịch làng cổ Phước Tích
Du khách tham quan Cây thị di sản ở làng cổ Phước Tích với tuổi thọ đã trên 500 năm, là một trong 5 cây cổ thụ ở Thừa Thiên Huế đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Du khách tham quan Cây thị di sản ở làng cổ Phước Tích với tuổi thọ đã trên 500 năm, là một trong 5 cây cổ thụ ở Thừa Thiên Huế đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Nằm cách thành phố Huế khoảng hơn 40 km về phía Bắc, làng cổ Phước Tích hình thành vào năm 1470, tồn tại đến nay đã trên 500 năm. Làng cổ có quần thể di tích kiến trúc nhà rường cổ, di tích văn hóa Champa, văn hóa Việt cổ; nghề gốm Phước Tích truyền thống. Phước Tích vì thế còn được mệnh danh là làng di sản của vùng Trung Trung bộ của Việt Nam. Bên cạnh Phước Tích là làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, chính những thế hệ thợ điêu khắc gỗ ở đây là những người đã góp phần tạo nên quần thể nhà rường ở Phước Tích tồn tại đến bây giờ.

Làng cổ Phước Tích hiện vẫn gìn giữ được những giá trị di sản văn hoá quý giá của một làng quê nổi tiếng với nghề làm gốm. Đặc biệt là quần thể di tích nghệ thuật kiến trúc dân gian độc đáo với 36 ngôi nhà rường cổ còn khá nguyên vẹn gồm 12 ngôi nhà thờ họ, phái, 24 nhà ở của dân. Tất cả những ngôi nhà rường này đều trên 100 năm tuổi và được chạm khắc những họa tiết, hoa văn cực kỳ tinh xảo. Nhà nào cũng có vườn rộng nối liền nhau bởi những hàng rào bằng cây chè tàu bao quanh. Bên cạnh đó là hệ thống các di tích tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu, nhà thờ của các họ tộc; các di tích của nền văn hoá Champa; những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm; những bến nước, sân đình; phế tích của những lò nung gốm; đường làng, ngõ xóm, những lối đi với lớp lớp những mảnh gốm sành ghi dấu thời vàng son của làng nghề sản xuất gốm... Tất cả như tạo nên cảnh quan đặc trưng của một làng quê Việt cổ kính. 
 
Du khách tham quan nghề làm gốm ở làng cổ Phước Tích. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Du khách tham quan nghề làm gốm ở làng cổ Phước Tích. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Thực hiện Đề án "Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng", nhằm bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế, Phước Tích có 25 chủ nhà rường cổ đã xin tham gia đề án. Đến nay, Thừa Thiên - Huế đã đầu tư, hoàn thành trùng tu, bảo tồn và đưa vào khai thác, sử dụng 5 ngôi nhà rường tại làng cổ Phước Tích, với tổng giá trị đầu tư hơn 3,6 tỉ đồng. Đó là các ngôi nhà của các ông, bà: Hồ Thanh Yên, Trương Thị Thú, Lê Ngọc Thị Thí, Lê Trọng Đào và Lê Trọng Kiểm. Các hạng mục tu bổ, phục hồi tại 5 nhà rường này gồm: phục hồi tường bao xây bằng gạch đặc; gia công phục hồi cột gỗ, kèo, xuyên xà, đòn tay, rui, lách, ván mái, diềm…; phục hồi hệ thống cửa ra vào, cửa sổ bị hư hỏng; tu bổ phục hồi hoa văn các kết cấu gỗ như kèo, đòn tay; phục hồi màu sắc cho công trình; xử lý chống mối, mọt cho toàn bộ cấu kiện gỗ…

Ông Đoàn Quyết Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý làng cổ Phước Tích cho biết: Sau khi các nhà rường cổ được bàn giao và đưa vào sử dụng, Ban Quản lý đã phối hợp với chủ các nhà rường xây dựng kế hoạch đón tiếp, cải tạo không gian nhà rường, vệ sinh môi trường để đón tiếp du khách đến trải nghiệm và thưởng lãm tại Làng cổ Phước Tích, đồng thời phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng và homestay. Hiện, làng cổ Phước Tích đã triển khai 9 loại dịch vụ gồm: tham quan nhà vườn, homestay, trải nghiệm, làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng và tham quan du lịch. Đáng chú ý, làng Phước Tích hiện có 7 nhà vườn tham gia dịch vụ nhà vườn cổ, trong đó có 4 nhà tham gia dịch vụ homestay với khoảng 40 chỗ ở.

Bên cạnh đó, Tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ làng cổ Phước Tích đào tạo nghề cho 20 người dân ở đây để duy trì nghề gốm bằng cách sản xuất các sản phẩm, mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống để giới thiệu với du khách. Dự án còn phối hợp tổ chức triển lãm và bán hàng, chú trọng mở rộng thị trường; xây dựng các chương trình du lịch đa dạng lấy nghề gốm làm trọng tâm. Dự án đã mời chuyên gia gốm người Nhật Bản đến tập huấn tại làng Phước Tích, tổ chức các chuyến tham quan học tạp tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) và làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) cho nhóm thợ gốm để duy trì kỹ thuật truyền thống, phát triển sản phẩm mới. Đặc biệt, dự án sẽ giúp khôi phục nghề gốm nhằm cải thiện thu nhập cho cộng đồng, tạo việc làm để níu chân thế hệ trẻ ở lại làng. Việc quảng bá nghề gồm làng Phước Tích trên mạng internet cũng được thực hiện.

Tại đây, các chuyên gia đến từ Nhật Bản hỗ trợ người dân Phước Tích ý tưởng sản xuất các dụng cụ ẩm thực như bát, cốc, chén... ngay tại lò gốm của làng để sử dụng tại chỗ, đồng thời giúp nghề gốm phát triển, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho người dân. Đặc biệt, sản phẩm chiếc đĩa ăn hình lá vả (loại cây đặc sản của Huế), được bày trí trên bàn ăn trong khu vườn sum xuê cây trái, bên những ngọn nến lung linh thắp sáng về đêm tạo không gian ẩm thực độc đáo, thực khách có thể tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành và vẻ đẹp lãng mạn của ngôi làng cổ.

Thời gian qua, làng cổ Phước Tích được khách du lịch biết đến với tuor du lịch "Hương xưa làng cổ" qua các kỳ Festival Huế. Đây là cơ hội quảng bá mảnh đất và con người Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền; đồng thời, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của miền quê cổ xưa, luôn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Với nhận thức, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, huyện đã chọn mô hình phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản văn hóa nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và các làng nghề truyền thống trên địa bàn. Việc tổ chức hoạt động du lịch có sự tham gia của cộng đồng địa phương sẽ mang lại lợi ích chung cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích. Từ đó, người dân có quyền và nghĩa vụ tham gia vào các hoạt động du lịch; những hưởng lợi ích hợp pháp từ nguồn thu du lịch sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo tồn di sản...
Quốc Việt 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm