Hàng nghìn người dân Sơn La bị ảnh hưởng vì cầu treo tuột cáp

Hàng nghìn người dân Sơn La bị ảnh hưởng vì cầu treo tuột cáp
Cây cầu treo Hải Sơn ở xã Chiềng Khoong bị tuột cáp. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Cây cầu treo Hải Sơn ở xã Chiềng Khoong bị tuột cáp. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Kể từ khi cây cầu treo ở bản Hải Sơn bị tuột cáp treo, cho dù không có thông tin thiệt hại về người nhưng người dân hai bên đầu cầu vẫn không khỏi giật mình. Bởi, đây là lần thứ hai cây cầu gặp sự cố. Cầu treo Hải Sơn được khởi công và hoàn thành năm 1997, do huyện Sông Mã đầu tư xây dựng. Đây là cây cầu nối liền nhiều bản ở phía bên kia bờ dòng sông Mã với Quốc lộ 4G. Đến tháng 12/2017, cầu được tu sửa và bảo dưỡng nhưng chỉ 8 tháng sau, cây cầu lại gặp sự cố. Ngày 11/8/2018, một chiếc xe container khi vượt xe con trên Quốc lộ 4G theo hướng đi từ huyện Sông Mã ra thành phố Sơn La đã để thùng xe chạm vào dây cáp treo và dẫn đến việc một bên dây cáp treo của cầu đã bị tuột. Ông Phạm Ngọc Thạch, bản Hoàng Mã, xã Chiềng Khoong cho biết, trước khi xảy ra sự việc này, thỉnh thoảng cũng xảy ra tình trạng có xe tải chở sắn vướng vào dây cáp. Vào năm 1997, cây cầu cũng đã gặp sự cố, khiến 5 người thương vong.
Cầu treo tại bản Hải Sơn ở xã Chiềng Khoong bị tuột dây cáp. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Cầu treo tại bản Hải Sơn ở xã Chiềng Khoong bị tuột dây cáp.
Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Hiện nay, người dân xã Chiềng Khoong đang vào vụ thu hoạch nhãn, với sản lượng hàng nghìn tấn, việc cầu treo bị gặp sự cố khiến nhiều hộ dân trồng nhãn lo lắng. Ông Đặng Văn Thửa, Trưởng bản Hải Sơn 1 bày tỏ, cây cầu gặp sự cố đã cắt đứt tuyến đường huyết mạch đến bản. Đặc biệt, thời điểm này, nhân dân đang vào vụ thu hoạch nhãn, vì vậy đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển cũng như giá cả. Nếu cây cầu chưa hư hỏng sẽ tạo thuận lợi cho nhân dân trong quá trình vận chuyển và giá sẽ ổn định hơn. Hiện nay, do cây cầu bị tuột cáp nên tư thương ép giá, vì họ phải tính đến đoạn đường vận chuyển xa hơn. Cây cầu bị tuột cáp đã gây nhiều khó khăn trong việc đi lại cho người dân vùng lân cận. Mong muốn của bà con là làm sao có cây cầu chắc chắn để dân đi lại thuận tiện, yên tâm.
Cáp treo ở một đầu cầu Hải Sơn. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Cáp treo ở một đầu cầu Hải Sơn. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN


Không những thế, khi năm học mới sắp bắt đầu, việc cây cầu bị hư hỏng đã ảnh hưởng đến việc đến trường của học sinh và thầy cô giáo. Ông Phạm Văn Sơn, Trưởng bản Hoàng Mã, xã Chiềng Khoong cho biết, phía bên kia cầu có hai trường học của cấp mầm non và tiểu học. Hàng ngày, các cháu học sinh phải từ bờ bên này đi qua cầu để đến trường. Mỗi ngày, ngoài các cháu học sinh còn có hàng nghìn lượt người ở những bản lân cận qua lại. Hiện nay, cây cầu bị hư hỏng buộc người dân phải đi đường vòng với khoảng cách xa hơn.

Sau khi sự cố tuột dây cáp treo cầu Hải Sơn, lực lượng chức năng của huyện Sông Mã đã có mặt tại hiện trường lập biên bản sự việc, điều tra xác định nguyên nhân gây ra sự cố và tìm hướng xử lý. Bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết, huyện đã cử các đơn vị xuống trực tiếp hiện trường kiểm tra để tìm hướng khắc phục. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang kiểm tra thực hiện các nội dung có liên quan đến sự cố của cây cầu. Huyện cũng đã cho dựng các biển cấm hai đầu để bà con không đi lại nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản. Phương án đi lại của người dân hai bên cầu hiện nay huyện và xã đã có hướng dẫn. Theo đó, bà con sẽ đi theo hướng cầu bản Cang, xã Chiềng Khoong hoặc đi theo hướng về xã Huổi Một để ra Quốc lộ 4G. Còn việc xử lý khắc phục sự cố, UBND huyện đã có báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải về việc kiểm tra, xác định và tìm hướng xử lý thiệt hại. Phương án khắc phục cụ thể sẽ được đưa ra sau khi các đơn vị này hoàn thành việc kiểm tra, xác minh.

            Hữu Quyết
TTXVN

Có thể bạn quan tâm