Hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị đang có hàng nghìn hộ chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch do thiếu các công trình cấp nước.
Tại huyện miền núi Đakrông hiện có 44 trong tổng số 74 công trình cấp nước tập trung đang hoạt động nhưng công suất chỉ đạt 20 - 70% so với công suất thiết kế. Về mùa khô, các khe suối cạn kiệt nước nên nguồn nước cung cấp cho các công trình cấp nước hầu như không có.
Tại huyện miền núi Hướng Hóa, người dân ở các xã dọc theo Quốc lộ 9 gồm: Tân Hợp, Tân Long, Tân Thành được sử dụng nước sạch từ các xí nghiệp cấp nước. Còn lại người dân ở 16 xã của huyện này hầu như chưa có nước sạch để dùng. Về mùa khô, các khe suối, giếng đào, giếng khoan cạn kiệt nước nên người dân thiếu nước để dùng trong sinh hoạt và sản xuất.
Ở 31 xã của hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa đã đầu tư xây dựng 124 công trình cấp nước tập trung để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên phần lớn công trình cấp nước ở hai huyện này có quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ xử lý đơn giản, chủ yếu là tự chảy, không qua xử lý; đặc biệt là bị xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng sau đợt lũ lụt lịch sử vào tháng 10/2020. Hai huyện này có khoảng 108.000 người sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh là trên 80%, sử dụng nước sạch mới chỉ hơn 31%. Trong khi đó, theo tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh phải đạt 98%, hộ sử dụng nước sạch đạt 60%.
Để đạt được tiêu chí này, tỉnh cần đầu tư xây dựng 1.000 giếng khoan, giếng đào để cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 5.000 hộ; trong đó huyện Hướng Hóa 600 giếng, 400 giếng còn lại ở huyện Đakrông. Tỉnh cũng cần nâng cấp, sửa chữa 85 công trình cấp nước tập trung; trong đó huyện Hướng Hóa 29 công trình, Đakrông 56 công trình để cấp nước sạch cho 19.000 hộ.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe, để giải quyết vấn đề nước sạch cho người dân ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, tỉnh cần lồng ghép các chương trình, dự án có cùng mục tiêu về nước sạch; có gói tín dụng ưu đãi cho người dân vay để đầu tư xây dựng công trình nước sạch; huy động nguồn lực từ những người hưởng lợi và sự tham gia của cộng đồng; ưu tiên bố trí vốn thực hiện quản lý và vận hành sau đầu tư công trình cấp nước; ứng dụng công nghệ phù hợp với điều kiện vùng miền núi trong việc thu, trữ và xử lý nước; tăng cường quản lý và vận hành công trình cấp nước.
Nguyên Lý