HAGL và chuyện 'tái ông thất Mã'

HAGL và chuyện 'tái ông thất Mã'
Những thất bại liên tiếp tại V-League khiến hình ảnh của các cầu thủ trẻ HAGL bị ảnh hưởng nhiều. Ảnh: Phạm Tuân
Những thất bại liên tiếp tại V-League khiến hình ảnh của các cầu thủ trẻ HAGL bị ảnh hưởng nhiều. Ảnh: Phạm Tuân

Thế nhưng, con đường mà bầu Đức và thuộc cấp của ông chọn lại là cung đường ngắn nhất quay trở lại giải hạng Nhất. Vấn đề không phải là may hay không may, khi họ đã “sai số” ngay từ vạch xuất phát. Nếu “Gỗ” rớt hạng, các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia được và mất gì?

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn...

Không phải tự nhiên mà bầu Đức bỏ ra đến vài triệu USD, để đầu tư mở Học viện bóng đá cùng các đối tác Arsenal và JMG toàn cầu. Việc bảng quảng cáo HAGL chạy trên SVĐ của Arsenal cũng khiến người Việt Nam nở mày nở mặt. Nhưng, để cân-đo-đong-đếm các vấn đề ở thì hiện tại, chúng ta cần nhắc lại các yếu tố lịch sử.

Trước và sau khi bầu Đức động thổ Học viện bóng đá đầu tiên của Việt Nam (năm 2007), ông chủ HAGL vẫn không ngừng “mua vào”. Bắt đầu từ việc chiêu mộ cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á, Kiatisuk, chỉ để chơi giải hạng Nhất (2001-2002), kéo theo đó là cả dàn sao Việt-Thái lẫn lộn, sau thêm cả Lee Nguyễn... Người ta tính rằng, trong chỉ 6-7 năm bắt tay vào đầu tư cho bóng đá ở thời kỳ đầu, bầu Đức lời to.

Cái lời ở đây, theo khẳng định của chính ông chủ HAGL group, là về mặt quảng bá, khuếch trương các thương hiệu của tập đoàn. “Doanh thu của HAGL group có thể nói là gấp năm, gấp 10 so với khi tôi chưa đầu tư vào bóng đá. Hỏi các anh thế có lợi không? Tôi không quan tâm các nhà báo viết xấu hay tốt về đội bóng nhưng cứ cái tên HAGL xuất hiện trên mặt báo thường xuyên là được”, một phút cao hứng của ông bầu phố núi, nhưng thật.

Nhưng, với một đội bóng giàu tham vọng như HAGL mà suốt một thập niên không danh hiệu thì quả thật là rất khó chấp nhận. Việc chuyển đổi mô hình, cũng như tiêu chí làm bóng đá là cần thiết và trong thâm tâm, hẳn bầu Đức kỳ vọng rất lớn vào các lứa cầu thủ mà Học viện của ông sẽ xuất xưởng. “Chỉ cần bán được một hai cầu thủ, chúng tôi đã có lời rồi. Số còn lại đủ sức giúp HAGL chinh phục V-League”, ông Đức lại từng nói.

Đó là thời điểm ban đầu, khi ông chủ HAGL “số hoá” rất cụ thể, rằng với uy tín và sự tiếp sức của Arsenal cũng như JMG toàn cầu, một cầu thủ được bán đi sau một khoá đào tạo (7 năm) sẽ có giá cả triệu USD. Thế há chẳng phải lãi to so với vốn đầu tư ban đầu (theo dạng góp vốn, cổ phần, với tỷ lệ ăn chia được quy định rất cụ thể giữa các đối tác)?! Chỉ có điều, đòi hỏi của thị trường ngày một khắt khe, không thể đo sau 7 năm.

Khi cả thiên hạ còn khá u mê trong việc đi tắt đón lõng thị trường cầu thủ thì ông Đức đã nghĩ ra và đã bắt tay vào làm, đó là sự cấp tiến, đáng nể. Chỉ một chi tiết mà có lẽ ông Đức không để tâm, đó là yếu tố lịch sử, di truyền, với thực thể nền bóng đá bản địa. Việc nâng cấp cơ địa và tư duy bóng đá vùng trũng trong ngày một ngày hai là điều không thể. Nó hoàn toàn khác với các hạng mục kinh doanh mà HAGL theo đuổi.

Theo nhận định của giới chuyên môn, HAGL đã trình làng một lứa cầu thủ tốt nhưng sai lầm ở việc chọn thời điểm sử dụng và tạo môi trường để họ phát triển. Bóng đá không nói hay được, càng không thể vội được.

Hoạ từ phúc mà ra…

Sau khi gây tiếng vang ở rất nhiều các giải bóng đá trẻ cấp khu vực và quốc tế (giao hữu), những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… nhanh chóng trở thành thần tượng trong bối cảnh niềm tin dành cho nền bóng đá suy giảm nghiêm trọng, sau bao cuộc bể dâu. Với lối chơi ban bật đẹp mắt, sản phẩm của Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG thậm chí còn được xem là kiểu mẫu, cần nhân rộng, phát huy.

Những ngoại binh như Moussa không phải là chỗ dựa cho lứa cầu thủ trẻ, thậm chí còn gây 'họa'.
Những ngoại binh như Moussa không phải là chỗ dựa cho lứa cầu thủ trẻ, thậm chí còn gây 'họa'.

Hiệu ứng về mặt khán giả cũng như truyền thông mà “những đứa trẻ của bầu Đức” mang lại là điều không phải bàn cãi. Các trận đấu của họ, ở mọi cấp độ, luôn thừa khả năng lèn kín các SVĐ, với bóng đá Việt Nam, điều này quả xưa nay hiếm. Sau những Văn Quyến và đồng đội gây tiếng vang ở VCK U16 châu Á cách đây hơn một thập niên, đến bây giờ, mới lại có một đội tuyển trẻ quốc gia tạo được thiện cảm lớn đến thế.

Nhưng, nếu cần cả một quá trình để nghiền ngẫm, đánh giá và đưa ra các kết luận dù chỉ mang tính tham khảo, có thể thấy bầu Đức không có lựa chọn khác trong việc đưa Công Phượng và đồng đội lên chơi V-League. Thứ nhất, sản phẩm mà Học viện HAGL Arsenal JMG đào tạo ra, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường Âu châu, cũng như Đông Bắc Á, theo dự tính ban đầu, nên buộc phải “tận thu” ở giải quốc nội.

Tuy nhiên, tại các giải đấu quốc nội, HAGL vốn dĩ không có tuyến 2 đá hạng Nhất, đấu trường được cho là lý tưởng với các cầu thủ trẻ; ông Đức cũng không thể “om” những đứa trẻ của mình tại Hàm Rồng, chỉ để chơi một đôi giải trẻ trong năm như U19 hay U21 quốc gia, bởi HAGL không những không có nhu cầu, mà dùng sản phẩm được cho là ưu tú cho giải trẻ trong nước còn bị cho là phí phạm, không đáng.

Tiến thoái lưỡng nan, việc đôn đồng loạt hơn 15 cầu thủ trẻ lên đội 1 thay thế các đàn anh là một canh bạc thực sự bởi thế giới túc cầu vốn chưa từng có tiền lệ. Bóng đá, sóng sau đè sóng trước là chuyện bình thường cho nhu cầu phát triển nhưng tính kế thừa phải được thực hiện có lớp lang, chứ không thể ồ ạt, thay máu hàng loạt. Rõ ràng, “những đứa trẻ của bầu Đức” chưa sẵn sàng cho sân chơi lớn, nặng tính ăn thua.

Việc HAGL nếu phải trôi về giải hạng Nhất, ít nhiều khiến cho người hâm mộ và cả nhà tổ chức đôi chút hụt hẫng. Nguy hiểm hơn, thiên hạ sẽ đâm hồ nghi mô hình đào tạo tưởng như đạt chuẩn của Học viện HAGL Arsenal JMG, để rồi bỏ của chạy lấy người, trong bối cảnh mà nền bóng đá cần thu hút nhiều hơn những Mạnh Thường Quân, các nhà đầu tư trong việc phát triển bóng đá trẻ, tạo nền móng vững chắc.

Tuy nhiên, nếu HAGL xuống hạng, đó lại là điều cần thiết để hy vọng, bầu Đức và nền bóng đá không mất một thế hệ cầu thủ giàu tiềm năng. Ngắn thì một đôi năm nữa những thần tượng sẽ trở lại, dài có thể cho Học viện của bầu Đức thêm thời gian. Đấy cũng là trong hoạ có phúc, trong phúc có hoạ của Tái Ông xưa mà thôi.
thethaovanhoa

Có thể bạn quan tâm