Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, thành phố có 12/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn nông thôn mới; 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao.
6 huyện còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới đang khẩn trương thực hiện các bước để trình các cấp công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 và 2022. Với 14 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đã có 4 xã của các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức được Đoàn thẩm định thành phố thẩm định, đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định của thành phố xem xét, công nhận; 7 xã của huyện Ba Vì đã hoàn thiện hồ sơ, Đoàn thẩm định thành phố đang tiến hành đánh giá vào các ngày 15 và 16/10/2021.
Còn 3 xã (Đồng Tâm, An Tiến và An Phú) của huyện Mỹ Đức chưa đạt chuẩn nông thôn mới và các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận trước ngày 15/11/2021.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong quý III-2021, dịch bệnh COVID-19 đã tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có kết quả thực hiện Chương trình số 04.
Cụ thể, việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí trong nông thôn mới gặp nhiều khó khăn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian qua tập trung chủ yếu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.
Cuối tháng 9 vừa qua, Tổ công tác T.Ư đã tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Chương Mỹ và góp ý trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn cho huyện. Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ và các sở, ban, ngành hoàn thiện hồ sơ trình thành phố Hà Nội đề nghị xét, công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới .
Trong bối cảnh khó khăn do COVID-19, Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, linh hoạt để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả cùng với tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu hằng ngày của người dân, khôi phục, phát triển sản xuất. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố đã tổ chức được 5 khóa học miễn phí về xúc tiến thương mại nông nghiệp và bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) với số lượng gần 500 học viên tham dự; tổ chức diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn; khai trương mô hình thí điểm "Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến" của thành phố Hà Nội.
Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, phấn đấu về đích đúng kế hoạch. Thực hiện mục tiêu kép: Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; chuẩn bị cung ứng lương thực, thực phẩm cho thị trường cuối năm, đặc biệt là thị trường Tết; thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2021, thu nhập của nông dân đạt 60 triệu đồng/người/năm.
Nam Giang