Xuất phát từ mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện, đồng thời tạo ra sản phẩm quảng bá, thúc đẩy du lịch địa phương, Huyện đoàn Xín Mần (Hà Giang) phối hợp cùng các đơn vị, đoàn viên, thanh niên ở các thôn, bản triển khai Dự án búp bê với trang phục dân tộc.
Thực hiện từ tháng 3/2023, đến nay, nhiều bộ trang phục dân tộc dành cho búp bê đã ra đời với những kiểu dáng, mẫu mã khác nhau. Anh Hạng Thanh Tùng, Phó Bí thư Huyện đoàn Xín Mần cho biết, huyện Đoàn đã triển khai đội hình làm 4 bộ trang phục của 4 dân tộc (Nùng, Phù Lá, Dao, Mông) ở 4 xã; mỗi đội hình có 15 đoàn viên tham gia.
Đơn cử như bộ trang phục “Em gái Nùng”, mỗi búp bê sẽ được thể hiện với màu sắc, họa tiết, kiểu dáng đẹp mắt, kết hợp cùng các phụ kiện như bông tai, vòng cổ, khăn… để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh, đầy đủ như một bộ trang phục truyền thống mà đồng bào Nùng U ở Xín Mần thường sử dụng hàng ngày.
Bên cạnh đó, bộ trang phục “Em gái Nùng” còn được Huyện Đoàn và các đoàn viên thanh niên triển khai thành nhiều hình mẫu khác nhau, thể hiện vòng đời của một bé gái. Với mẫu “Giấc mơ trên lưng mẹ” thể hiện hình ảnh người mẹ dân tộc Nùng địu con nhỏ trên lưng; “Tuổi thơ xanh vời vợi” là hình ảnh em bé dân tộc Nùng khoảng 5 - 6 tuổi dạo chơi; “Tuổi trăng tròn” tạo hình thiếu nữ Nùng xinh đẹp với khăn quấn đầu và phụ kiện vòng cổ, vòng tay bằng bạc; hay tác phẩm “Chung đôi” thể hiện đôi nam nữ dân tộc Nùng tới tuổi trưởng thành, kết hôn…
Huyện đoàn Xín Mần đã triển khai dự án đến các cơ sở Đoàn, xây dựng các mô hình búp bê trang phục dân tộc như trang phục dân tộc Nùng, Phù Lá, Dao, Mông… Để bảo đảm tính chính xác về thiết kế và thi công trang phục dân tộc, Huyện đoàn thực hiện theo địa bàn dân tộc, ví dụ với bộ trang phục dân tộc Nùng, đưa về nơi các bạn dân tộc Nùng sinh sống để làm, qua đó hiểu về nét đẹp của dân tộc mình.
Chị Lù Thị Còn (xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần), người đồng bào dân tộc Nùng và là đoàn viên tích cực trong hội nhóm tham gia làm các bộ trang phục búp bê của dân tộc. Chị Còn chia sẻ, hàng ngày, chị vẫn tự may trang phục truyền thống của dân tộc, nhưng khi làm trang phục cho búp bê tương đối khó bởi các chi tiết rất nhỏ, phải thực sự tỉ mỉ, kiên nhẫn mới hoàn thiện được một sản phẩm.
Chị Lù Thị Tính (xã Nấm Dẩn) cho biết, bộ trang phục truyền thống của dân tộc, bao đời nay bà con vẫn sử dụng hàng ngày, từ đời ông bà, cha mẹ đã mặc và dạy cách làm. Đời mình cũng phải học, phải làm để sau này truyền lại cho con cháu.
Việc triển khai dự án làm búp bê với trang phục truyền thống dân tộc của Huyện đoàn Xín Mần không chỉ giúp đoàn viên, thanh niên thêm hiểu, yêu những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình mà còn tạo việc làm những lúc nông nhàn cho các bạn.
Theo anh Hạng Thanh Tùng, thời gian tới, Huyện đoàn dự kiến thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp số thanh niên, trong đó sẽ phát triển các sản phẩm về búp bê nhằm gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Đồng thời, các sản phẩm được giới thiệu tới khách du lịch như một món quà lưu niệm, qua đó du khách sẽ biết đến nét đẹp truyền thống của địa phương, giúp quảng bá các sản phẩm du lịch hiệu quả hơn.
Hiện nay, Huyện Đoàn Xín Mần đã thực hiện Sổ tay điện tử thông tin về các bộ trang phục dân tộc búp bê, được số hóa QR, in trên hộp quà. Chỉ cần quét mã QR sẽ hiện ra thông tin sản phẩm, giới thiệu về văn hóa, danh lam thắng cảnh… của địa phương.
Việc triển khai Dự án búp bê với trang phục dân tộc truyền thống không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mà còn thúc đẩy phát triển du lịch. Sản phẩm hoàn thiện khi được đưa ra thị trường hứa hẹn sẽ đem lại thêm thu nhập cho các đoàn viên, thanh niên.
Nam Thái