Ngày 16/7, tại xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và Sở Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông vận động phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em năm 2024. Đây là hoạt động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Hoạt động được tổ chức với mong muốn trang bị thêm thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trong thời gian thai kỳ, sinh con và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Chuỗi sự kiện cũng tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại địa phương, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em.
Chuỗi hoạt động truyền thông là sự kết hợp đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số và đặc thù địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Có thể kể đến việc tuyên truyền qua tiểu phẩm, tham gia trò chơi, tư vấn trực tiếp của đội ngũ y, bác sĩ về vấn chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ; truyền thông lưu động đến các xã, thôn có tỷ lệ sinh con tại nhà cao ở huyện Đồng Văn...
Bà Hà Thị Oanh, Phó trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Tại sự kiện truyền thông này, Ban Tổ chức mong muốn mỗi phụ nữ tham dự sẽ có thêm thông tin, kiến thức bổ ích, thay đổi nhận thức, thói quen chưa phù hợp, thực hành làm mẹ an toàn. Qua đó, sẽ là những tuyên truyền viên tích cực đưa thông tin đến phụ nữ tại địa phương mình.
Tại tỉnh Hà Giang thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị. Trong đó, tỷ lệ tử vong mẹ là người dân tộc thiểu số cao; hiện tượng sinh tại nhà của phụ nữ dân tộc thiểu số còn phổ biến. Bên cạnh đó, còn một số tập quán, thói quen còn lạc hậu như: Tảo hôn; tự sinh con không cần trợ giúp của nhân viên y tế; cắt rốn trẻ sơ sinh bằng vật dụng chưa được khử trùng, thiếu kiến thức chăm sóc bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh... ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và dẫn đến tử vong mẹ, trẻ sơ sinh.
Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang cùng các đơn vị, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen thực hiện các biện pháp sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Các bên liên quan thường xuyên rà soát, nắm tình hình phụ nữ mang thai tại địa bàn để kịp thời vận động đến khám thai, sinh con tại cơ sở y tế, thực hiện sinh đẻ an toàn; triển khai chi trả các gói chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn kịp thời, đúng đối tượng...
Tại sự kiện, các bác sĩ đã cung cấp thông tin kiến thức, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho hơn 250 hội viên phụ nữ các xã đặc biệt khó khăn ở huyện Đồng Văn (Hà Giang), giúp họ nâng cao hiểu biết, vận dụng linh hoạt để có thêm thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ, sinh con và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đặt biệt là trẻ sơ sinh…
Đức Thọ