Trao đổi kinh nghiệm canh tác lúa theo kỹ thuật AWD ở Bạc Liêu. Ảnh: Ngọc Dung |
Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trồng lúa, cùng với sự tài trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên Bang Đức (BMZ), Bộ Ngoại giao và Thương mại Astraylia (DFAT) triển khai Chương trình Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu (ICMP).
Dự án được triển khai tại tỉnh Bạc Liêu từ vụ đông xuân 2011-2012 với kỹ thuật tưới ngập – khô xen kẽ (AWD) trên cánh đồng lúa lớn. Sau thời gian thực hiện, mỗi vụ người nông dân thu lợi cao hơn 5 triệu đồng/ha so với phương pháp canh tác truyền thống. Kỹ thuật này dễ áp dụng và không đòi hỏi thay đổi quy trình canh tác cũng như chi phí đầu tư thêm.
Theo Viện nghiên cứu Lúa quốc tế (IRI), để sản xuất 1 kg lúa cần 3.000-5.000 lít nước. Ước tính 1 ha lúa với năng suất khoảng 7 tấn thì cần khoảng 30.000 m3 nước ngọt. Trong khi đó, nguồn nước ở hạ lưu sông Mê Kông ngày càng khan hiếm không đủ để cung cấp cho ruộng lúa trong suốt quá trình canh tác. Chính vì vậy, áp dụng kỹ thuật AWD có thể giảm từ 15% đến 30% lượng nước tưới mà không ảnh hưởng đến năng suất lúa. So với phương pháp canh tác truyền thống, mô hình AWD không chỉ tiết kiệm nước mà còn giảm được 2-3 lần phun thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho cộng đồng. Đồng thời, sản lượng lúa tăng, giảm tổn thất sau thu hoạch, chi phí đầu vào giảm, mang đến hiệu quả kinh tế tăng từ 4-6 triệu đồng/vụ/ha.
Bà Hồng Kim Thư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu cho biết, với 41 mô hình áp dụng kỹ thuật AWD tại huyện Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai, Vĩnh Lợi, Hòa Bình của tỉnh Bạc Liêu, gần 1.500 người được tập huấn kỹ thuật đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho nhiều hộ nông dân.
Theo ông Christian Henckers, Giám đốc Chương trình ICMP ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam ngày càng có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của cả nước. Các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là giúp người nông dân ổn định cuộc sống, giảm thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu./.