Cười ra nước mắt
Cộng đồng mạng thời gian gần đây lan truyền một video clip “có một không hai”, với câu chuyện đi kèm mới là “trần đời chưa gặp”: Con gái mới lấy chồng gọi điện về nhờ mẹ dạy cách làm món trứng xào cà chua vì chồng muốn ăn. Người mẹ hướng dẫn: “Món này đơn giản lắm, con cứ lấy 3 quả trứng, 2 quả cà chua xào với nhau là được”. Con gái vừa làm vừa quay clip để khoe mẹ. Mẹ xem xong bảo: “Con cứ từ từ xào, mẹ đi nằm đã, huyết áp mẹ lên rồi”.
Xem video clip thì biết ngay vì sao bà mẹ “tăng xông”: Cô con gái cho 3 quả trứng và 2 quả cà chua, không đập, không thái vào chảo và liên tục xào!
Đây chắc chắn chỉ là một câu chuyện cười trên mạng; nhưng điều đáng nói, nó phản ánh một thực trạng không hề “ngoa ngôn” hiện nay là việc đông đảo những thiếu nữ trẻ, cả còn ở nhà với cha mẹ, cả đã xuất giá… không biết cách chế biến món ăn, dù là món đơn giản nhất; nói gì đến chuyện giữ lửa bữa cơm gia đình - vốn là một nét văn hóa Việt truyền thống tốt đẹp.
Một bữa cơm gia đình khu vực Nam Bộ, được trình bày đẹp mắt tại hội thi “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.
|
Một bà mẹ chia sẻ: “Gái nhà mình lười nấu ăn. Quyết định cho nàng đi học 1 khóa nấu ăn. Một hôm về khoe sẽ tự làm món mì xào hải sản tôm, mực đãi mẹ. Mẹ nằm xem ti vi chợt nghe thấy tiếng chặt xương chan chát trong bếp, mà cứ chặt mãi mà chẳng xong... Cứ ngờ ngợ là xào hải sản chỉ tôm và mực mà sao lại có tiếng chặt gà, chặt xương nhỉ? Chột dạ, chạy vào xem sao thì... ối giời ơi "bà trẻ nhà tôi" đang hì hục, mắm môi, mắm lợi, chân xuống thế tấn để... chặt nấm hương, mà nấm hương khô vừa lấy trong tủ lạnh ra bật bắn tung tóe khắp cả bếp. Bảo sao làm thế này hả giời, "bà trẻ" bảo, có mà nấm của mẹ bị sao í, con chặt mãi chẳng được.
Hỏi, thì ra, hôm thực hành món mì hải sản, "bà trẻ" đi muộn, thầy hướng dẫn đã dạy qua mất khâu chuẩn bị nấm hương là nhất thiết phải ngâm nước”.
Còn một bà mẹ chồng khác thì cười ra nước mắt với câu chuyện Tết vừa qua: Tết đến, bà mua mứt dừa non loại xịn cả trăm ngàn đồng/kg cho con dâu. Con dâu đem mứt dừa đi rửa rồi phơi khô, rồi than với mẹ chồng: “Mẹ mua mứt dừa dởm vậy, để mấy ngày nổi mốc trắng hết trơn. May mà con rửa với phơi mới giữ lại ăn được”.
Toàn chuyện thật cả, dù nghe cứ như chuyện của làng nói khoác. Nhưng thời nay là thế. Vậy nên, rất nhiều ông chồng than thở về việc vợ không biết giữ lửa mâm cơm gia đình; rất nhiều gia đình “lạnh giá” hoặc tan vỡ chỉ vì nguyên nhân vợ chỉ thích… ăn hàng, bếp nồi chảo bát đũa mua về chỉ làm cảnh mà thôi.
Gắn kết bằng bữa cơm
Một trong những truyền thống đẹp của gia đình Việt Nam là cùng ăn cơm chung. Mọi người ngồi quây quần quanh mâm cơm, từ ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt cùng ăn cơm với nhau. Trong mỗi gia đình, bữa cơm là lúc cả nhà có mặt ngồi quây quần quanh mâm cơm, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện, mẹ hỏi con, cháu hỏi bà ríu rít; không khí ấm cúng của bữa cơm gia đình góp phần không nhỏ vào việc củng cố sự bền vững của tế bào xã hội. Bữa cơm gia đình quan trọng không ở chỗ nhiều món ăn ngon mà là ở không khí đầm ấm, tuy có khi chỉ là bát canh rau muống luộc, chút dưa tương, không thịt, không cá, những đầy đủ mọi thành viên trong gia đình…
“Một bữa cơm không phải chỉ ở số lượng bao nhiêu món ăn được bày ra, nhiều hay ít ở mỗi thứ mà cái quan trọng là ở chỗ hội ngộ của các thành viên trong gia đình, ôn lại chuyện ngày xưa, hay một sự kiện đáng nhớ, qua đó nối kết các thành viên trong gia đình với nhau, với chuyện của hôm nay, nhất là chuyển tải cho nhau các thông tin trong gia đình, chia sẽ niềm vui nỗi buồn cho nhau … Bữa cơm đó được gọi là ngon chính là ở giá trị bầu khí của tinh thần đoàn tụ”, một nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ.
Ngày nay, các gia đình Việt Nam đã dần đi vào “đô thị hóa”, họ đang phải đối diện với cuộc sống của một “nền kinh tế thị trường”, con người gắn liền với những công việc quá bề bộn, làm cho bữa cơm gia đình không thể đông đủ. Thế hệ trẻ ngày nay trong một số gia đình không còn biết đến bữa cơm gia đình là như thế nào nữa, cơm nước được nấu sẵn, ai đói thì cứ việc tự lấy mà ăn, ai có công việc phải đi sớm thì ăn trước, ai không có việc gì thì cứ từ từ ăn sau… tình trạng này làm cho các thông tin trong gia đình không được chuyển tải cho nhau, sự gắn kết trong gia đình giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo, mọi sự chia sẻ hầu như không còn. Và theo các nhà xã hội học, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm đổ vỡ hạnh phúc nhiều gia đình.
“Chúng ta cần củng cố, bảo vệ và phát huy nhận thức đúng đắn về những giá trị và tầm quan trọng của bữa cơm gia đình Việt Nam. Đó là nơi làm cho mọi thành viên trong gia đình gắn kết với nhau và hiểu nhau nhiều hơn. Bữa cơm chung chính là một trong những mô hình sum họp thiết yếu và là mô hình giáo dục nhân cách đạo đức thiết thực của một gia đình bền vững và hạnh phúc”, nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định.