Nhiệm vụ giữ “lá phổi xanh” trên vùng biên huyện Bù Đốp (Bình Phước) đang được lực lượng, chính quyền địa phương bảo vệ rừng phòng hộ Bù Đốp thực hiện rất tốt. Trong đó, cộng đồng dân cư tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, góp phần giữ rừng phòng hộ thêm xanh mãi.
Đôi chân không mỏi bảo vệ rừng
Những ngày cuối năm, khi không khí lạnh ùa về khiến khu rừng phòng hộ trở nên mát mẻ so với những ngày thường. Anh Nguyễn Thành Vinh, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp cùng cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng tăng cường công tác đi kiểm tra tại các đường băng, hồ chứa nước chữa cháy. Theo anh Nguyễn Thành Vinh, rừng phòng hộ Bù Đốp được bảo vệ tốt đến nay là nhờ thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, đa dạng bằng nhiều hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng.
Đặc biệt, mô hình bồn nước, hồ chứa nước trong lòng khu rừng đã mang lại hiệu khi xuất hiện đám cháy. Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp Nguyễn Thành Vinh cho biết: Đơn vị xác định rõ tầm quan trọng của của rừng phòng hộ đối với phát triển kinh tế-xã hội địa phương và bảo vệ môi trường rừng. Những năm qua, đơn vị đã thực hiện rất tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng bán ngập cùng các đơn vị ở địa phương, nhờ sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của nhân dân địa phương nên rừng không bị xâm hại.
Một điểm ở giữa rừng sâu, nơi được đánh giá có nguy cơ cao về tình trạng xâm hại rừng được xây dựng chòi tháp canh bằng thép kiên cố cao hơn 20m. Cách đó không xa là hồ nước nổi được xây bằng bê tông rộng chừng 20m2. Đây là một trong những công trình được tỉnh đầu tư để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng cho đơn vị một cách hiệu quả nhất.
Hiện, Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp quản lý diện tích đất lâm nghiệp khoảng 8.500 ha rừng, trong đó khoảng 6.500ha là rừng tự nhiên. Để quản lý rừng, Ban quản lý đã thành lập chốt để phân công các tổ để thực hiện công tác bảo vệ rừng. Diện tích rừng phòng hộ trải dài, phần lớn tiếp giáp với biên giới phía Nam Campuchia nên khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Ngoài ra, diện tích rừng phòng hộ tiếp giáp với lòng hồ Thủy điện Cần Đơn.
“Những ngày cuối năm, cũng như nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới được xem là thời điểm nhạy cảm nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, chúng tôi phải đảm bảo duy trì hoặc tăng cường lực lượng trong những ngày Tết, lễ để không xảy ra cháy rừng, vi phạm lâm luật”, anh Vinh chia sẻ.
Cách chòi tháp canh không xa, những cộng đồng giữ rừng hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số đang phát dọn, cố định lại biển cảnh báo nguy cơ cháy rừng và bảng ghi dòng chữ: “đốt rừng như thể đốt nhà, cháy rừng như thể cháy da thịt mình”, “không phận sự, cấm vào rừng phòng hộ”, “cấm dùng lửa lấy mật ong đốt trong rừng”…. Điều đặc biệt ở rừng phòng hộ Bù Đốp có 40 hồ chứa nước sẵn sàng để chữa cháy khi có cháy cùng nhiều phương án theo phương châm “4 tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.
Giữa bát ngát rừng xanh, nhịp tuần tra của những nhân viên, cộng đồng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng vẫn đều đặn, len lỏi qua từng cách rừng. Mỗi nơi đi qua, các nhân viên đều kiểm tra từng khóm rừng. Với họ, mỗi ngày đi qua thấy còn nguyên vẹn từng khóm rừng…, đã mang lại niềm vui cho những đôi chân không mỏi để giữ rừng. Ông Điểu Ngớt, ở xã Phước Thiện tham gia nhận khoán bảo vệ rừng từ năm 2021 đã mang lại nguồn thu nhập thêm cho gia đình. Không chỉ có thêm thu nhập từ việc nhận khoán, bảo vệ rừng, ông Điểu Ngớt còn phấn khởi vì những cách rừng xanh bạt ngàn đã trở lại, không chặt phá để canh tác rẫy như trước kia.
Ông Điểu Ngớt chia sẻ: Sau khi nhận khoán và bảo vệ rừng phòng hộ, ông cũng như bà con nơi đây rất vui. Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống nên bà con cùng chung tay giữ gìn rừng phòng hộ không bị xâm hại. Dù đi tuần tra với quảng đường hàng chục kilômet, nhưng người dan vẫn rất vui vì rừng vẫn mãi xanh.
Đối với ông Điểu Gôn, cũng là thành viên cộng đồng giữ rừng thuộc ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện không giấu niềm vui mỗi khi đi tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ Bù Đốp luôn được xanh tươi. Ông Điểu Gôn chia sẻ: Đối với những người giữ rừng khoán, chuyện ăn ngủ tại chỗ, trèo đồi, lội suối, băng suối… rất thường xuyên. Bà con đã nhận giữ rừng là có trách nhiệm cao, không để mất rừng. Các thành viên trong cộng đồng lập kế hoạch phân công luân phiên nhau đi tuần tra từng cánh rừng được giao”.
Nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư bảo vệ rừng
Hiện nay, rừng phòng hộ Bù Đốp có 4 cộng đồng dân cư tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Mỗi cộng đồng có 30 thành viên, mỗi thành viên nhận khoáng 30 ha rừng. Ông Điểu Ngớt cho biết: “Nhiều năm trước, người dân vẫn chưa có ý thức cao trong bảo vệ rừng. Bà con thường vào rừng săn bắt, lấy măng, dược liệu, đốt rừng làm rẫy, lấy ong… nên ảnh hưởng đến rừng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng vi phạm xâm hại rừng đã giảm hẳn. Chúng tôi đã đưa ra phương các án thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát người ra, vào rừng, mật phục những điểm nóng hay xảy ra phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng… Ngoài ra, chúng tôi còn tìm hiểu các phong tục tập quán của người dân địa phương rồi tuyên truyền, vận động bà con tham gia bảo vệ rừng”.
Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp Nguyễn Văn Thành cho biết: Từ khi có cộng đồng nhận khoán đã nâng cao ý thức bà con nhân dân sống gần lâm phần và cộng đồng cùng nhau bảo vệ rừng. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích rừng đơn vị quản lý đều an toàn, giữ vững, không bị xâm hại.
“Thời gian qua, vẫn có số ít đối tượng xâm hại rừng là những hộ dân không có nghề nghiệp ổn định, ở gần rừng, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng. Trên cơ sở đó, đơn vị đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền vận động, phổ biến chính sách pháp luật về rừng cho người dân. Phía đơn vị cũng triển khai công tác ký cam kết đối với những hộ dân sống gần rừng không vi phạm, xâm hại đến rừng”, ông Nguyễn Văn Thành cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thành, sau khi cộng cộng dân cư ký cam kết giao khoán, đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở thực hiện nghiêm công tác bảo vệ rừng. Thời gian qua, các cộng đồng này không những bảo vệ tốt rừng còn kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng. Đến thời điểm này, các cộng đồng này đã thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Hằng năm, đơn vị, địa phương chi trả phí dịch vụ bảo vệ rừng kịp thời, đúng quy định giúp cộng đồng ổn định cuộc sống.
Dù diện tích rừng trải dài, nhưng Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp đều có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình với công việc, luôn “bám rừng, bám đất, bám dân”. Nhờ thế, công tác “bảo vệ rừng tận gốc” nhằm bảo vệ cây đứng, bảo vệ môi trường, đảm bảo độ che phủ của rừng phòng hộ hiện có, không để xảy ra mọi hành vi xâm hại rừng. Với phương châm phòng ngừa là chính, chủ động, ngăn chặn, xử lý kịp thời xâm hại rừng, cháy rừng. Nhờ vậy, trong những năm qua diện tích rừng phòng hộ Bù Đốp trên địa bàn cơ bản ổn định, không xảy ra vụ việc vi phạm về khai thác lâm sản làm ảnh hưởng đến rừng.
Những ngày cuối năm, Tết đến cân kề là thời điểm đội ngũ cán bộ giữ rừng, cũng như cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng càng nâng cao cảnh giác bảo vệ rừng, góp phần gìn giữ “lá phổi xanh” trên vùng biên giới Bù Đốp.
K GỬIH