Giữ hồn dân tộc trên những đường kim, mũi chỉ

Giữ hồn dân tộc trên những đường kim, mũi chỉ

Những ngón tay nhỏ nhắn điều khiển cây kim cùng sợi chỉ uốn lượn, quấn quyện trên mặt vải thổ cẩm. Nét hoa văn hiện dần, nở rực, từng chút, từng chút hình thành nên Cột cờ Lũng Pô với lá cờ đỏ sao vàng đầy kiêu hãnh, di sản ruộng bậc thang Thể Pả lớp lớp phủ sắc vàng óng ả, bản làng người Hà Nhì nơi rẻo cao bồng bềnh mây trắng Y Tý... Đây là những hình ảnh trên tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao”, sản phẩm đặc biệt của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng Xác lập kỷ lục Việt Nam cho tấm tranh thêu thổ cẩm lớn nhất do các nữ sinh Trung học phổ thông thực hiện.

Giữ hồn dân tộc trên những đường kim, mũi chỉ ảnh 1Tấm tranh thổ cẩm được thêu trong thời gian 2 năm. Ảnh: congluan.vn

Không chỉ là một sản phẩm giáo dục, tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” đồng thời là một sản phẩm văn hóa có tính kỷ lục về nhiều phương diện: kỷ lục về kích thước 18m2 (3m x 6m); kỷ lục về đối tượng thực hiện (gồm 105 người, với 2 giáo viên hướng dẫn và 103 nữ sinh); kỷ lục về thời gian thực hiện thêu (2 năm với 23.800 buổi thêu, mỗi buổi từ thêu dài 180 phút); kỷ lục về số kim sử dụng trong tấm thêu (900 cái)...

Tác phẩm đã và đang góp phần lan tỏa nghệ thuật thêu tay truyền thống, bảo tồn văn hóa dân tộc, giáo dục lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ vùng cao Lào Cai.

Từ nhỏ, các cô gái người Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì... ở Lào Cai đã được dạy se lanh, dệt vải, thêu hoa… Cô gái người Mông Vàng Thùy Dung sinh ra ở Trung Lèng Hồ - một xã vùng cao của huyện Bát Xát, là học sinh lớp 12A của Trường. Dung cho biết, phụ nữ quê em thường thêu bất kì khi nào rảnh rỗi, vào buổi trưa, buổi tối, ngày mưa, rét không đi làm. Các cô gái thường được bà, mẹ dạy những cách thêu cơ bàn, rồi dần dần tự học qua bạn bè. Khi nhập học tại Trường, Dung cho biết mình may mắn được tiếp tục với sở thích thêu thùa khi tham gia Câu lạc bộ thêu tay của trường. Đến nay, đây là câu lạc bộ bộ thêu tay học sinh duy nhất tại tỉnh Lào Cai.

Câu lạc bộ thêu tay của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bát Xát được thành lập từ năm học 2017-2018. Trong 5 năm, Câu lạc bộ đã thực hiện được rất nhiều các sản phẩm góp phần giữ gìn và tạo bản sắc riêng cho nhà trường. Từ biển lớp, các bộ thư pháp song ngữ, khẩu hiệu trong lớp học... đều được thành viên câu lạc bộ thêu tay hoàn toàn trên nền vải thổ cẩm. Đặc biệt, câu lạc bộ có một số sản phẩm đã đạt giải cao tại các cuộc thi sáng tạo trong ngành giáo dục; trở thành sân chơi bổ ích, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo nên bản sắc riêng của nhà trường.

Giữ hồn dân tộc trên những đường kim, mũi chỉ ảnh 2Tấm tranh thổ cẩm khổng lồ "Trường học vùng cao" của PTDTNT THCS&THPT huyện Bát Xát (Lào Cai) được công nhận Kỷ lục Việt Nam. Ảnh: congluan.vn

Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” ra đời khi Ban Giám hiệu nhà trường đang hướng tới mục tiêu tổ chức các hoạt động giáo dục theo nguyên tắc "kỉ luật tích cực, giáo dục truyền cảm hứng và có tác động đến tư tưởng, nhận thức của học sinh". Ngày 7/10/2021, mũi thêu đầu tiên được thực hiện bởi các em học sinh trong lớp 11 thuộc câu lạc bộ thêu của trường. Đúng ngày 7/10/2023, sau 2 năm kiên trì, tấm thêu đã được hoàn thành bởi các lứa học sinh thuộc câu lạc bộ thêu này.

Với kích thước 18m2, toàn bộ tấm thêu được thêu bằng chỉ cốt-tông và chỉ tơ tằm. Theo cô giáo Nguyễn Thị Quyên, người phụ trách nội dung, kỹ thuật và giám sát đội thêu, tác phẩm sử dụng kết hợp các kỹ thuật thêu truyền thống của dân tộc Kinh và kỹ thuật thêu thổ cẩm của dân tộc Mông, Dao như: thêu đâm xô, thêu bạt, thêu nối đầu, thêu lớn vặn, thêu sa hạt đột, thêu dấu nhân, dấu cộng, dấu trừ, móc xích .. tạo nên một bức tranh thêu vô cùng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Các hình ảnh trong tranh vừa có sự mềm mại, uyển chuyển, chau chuốt của nghệ thuật thêu tay dân tộc Kinh, vừa có nét cứng cáp, chắc khỏe, mộc mạc giản dị của nghệ thuật thêu thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh hoa văn hóa nghệ thuật thêu đã được chắt lọc, kế thừa và phát triển trên chính tấm tranh thêu “Trường học vùng cao” để lưu giữ hồn dân tộc qua từng đường kim, mũi chi.

Thầy Lê Huy Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tác phẩm tranh thêu đã tái hiện hình ảnh ngôi trường qua 50 năm xây dựng và phát triển, tại nhiều địa điểm với các mốc thời gian, gợi nhớ rất nhiều kỷ niệm, ký ức. Mỗi ngôi trường đều gắn với những sự kiện, những câu chuyện buồn vui, những khó khăn, vất vả, gian nan của thầy và trò; sự đoàn kết, nhất trí một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong công cuộc giáo dục học sinh dân tộc thiểu số vùng cao; sự giúp đỡ, bao bọc, chở che, yêu thương và đồng hành chia sẻ của nhân dân, chính quyền địa phương nơi nhà trường cư trú. Đặc biệt, tác phẩm gói gọn gần như toàn bộ cảnh quan thiên nhiên, con người của huyện vùng cao Bát Xát. Ở trong tấm thêu, người xem có thể thấy được vẻ đẹp thiêng liêng của Cột cờ Lũng Pô ở xã A Mú Sung – "nơi con Sông Hồng chảy vào đất Việt”; vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng của suối Mường Hum và các ngôi nhà trình tường xinh đẹp của người dân tộc Hà Nhì; vẻ đẹp trù phú, ấm no của những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Thề Pả và rừng già Y Tý; vẻ đẹp hùng vĩ của núi Lảo Thẩn, nơi mà trời, mây giao hòa, vừa thực vừa hư. Vì vậy, tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” được ví như một tấm áp phích lớn sống động, chân thực tôn vinh cội nguồn bản sắc, lịch sử vẻ đẹp của quê hương Bát Xát.

"Thông qua tấm thêu, thầy và trò nhà trường muốn lan tỏa nghệ thuật thêu tay truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đến thế hệ trẻ trong nước và bạn bè quốc tế; giúp các thế hệ trẻ Việt Nam thêm yêu quý, tự hào về nghề truyền thống của cha ông để lại; đồng thời góp phần tuyên truyền giáo dục tư tưởng, ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc", thầy Lê Huy Phú, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm