Gìn giữ văn hóa từ món ăn truyền thống

Gìn giữ văn hóa từ món ăn truyền thống
Đậm đà khau nhục
 
Theo ông Phan Văn Tiến, người dân tộc Tày ở thôn 4, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin (Đắk Lăk) khau nhục là món ăn đặc sắc mà chỉ người Tày, Nùng mới có. Đây cũng được xem là món ăn cầu kỳ nhất trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Tày. Người Tày hay nói đùa với nhau rằng: do cách làm món ăn quá kỳ công, quá khổ nên người ta mới đặt tên là “khau nhục”, đọc chệch của “khổ nhục”. Ngoài heo quay, vịt quay, món khau nhục thường được người Tày dùng đãi khách mỗi dịp lễ, tết, cưới hỏi hay có khách quý đến thăm…
Bà Ngọc Thị Hương bên món khau nhục vừa hoàn thành.
Bà Ngọc Thị Hương bên món khau nhục vừa hoàn thành.

Bà Ngọc Thị Hương, chủ quán ăn Hương Ngọc ở xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) là một trong số những người Tày thường xuyên chế biến món ăn của dân tộc mình. Bà Hương cho biết, để chế biến ra món khau nhục phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nguyên liệu chính để chế biến món khau nhục là thịt heo ba chỉ (có 3 tầng thịt rõ ràng). Miếng thịt tươi mang luộc chín khoảng 70% rồi dùng que nhọn châm lỗ nhỏ vào lớp da. Châm càng nhiều miếng thịt khi ăn lại càng đậm đà hương vị. Châm xong thì đổ ngập dầu chiên cho thật vàng, sau đó thái ra từng miếng rồi ướp gia vị. Công đoạn tiếp theo là lấy khoai lang xắt miếng bằng miếng thịt rồi đem chiên.

Chuẩn bị xong thịt và khoai mới bắt tay vào làm nhân. Nhân của món khau nhục được làm từ thịt, nấm hương, nấm mèo băm nhỏ rồi ướp gia vị, bột quả móc mật và lá móc mật (hay còn gọi là mắc mật). Sau khi gia vị đã thấm đều thì đem thịt và khoai lang đã chiên xếp xen kẽ nhau, da miếng thịt hướng xuống đáy tô, đổ nhân lên trên rồi hấp cách thủy khoảng 1 tiếng rưỡi.

Món khau nhục có mùi thơm đặc trưng, vị béo ngọt nhưng không ngấy. Món ăn này có thể thưởng thức cùng cơm nóng, bún hoặc bánh mì.

Thơm dẻo bánh gai

Hiện nay dù bánh gai trở thành phổ biến, nhiều người có thể chế biến nhưng để làm thật ngon và bài bản thì chỉ có người Tày. Giới thiệu về món bánh gai của dân tộc mình, chị Chu Thị Hoàng ở thôn 7, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar (Đắk Lăk) cho biết, người Tày có nhiều món bánh thơm ngon được làm trong những dịp lễ, tết như bánh gai, bánh tro, bánh dày, bánh khảo… tuy nhiên chỉ riêng món bánh gai là được làm cầu kỳ và có mùi vị thơm ngon hơn cả. Để làm được món bánh gai có khi phải mất mấy ngày trời vì nhiều công đoạn, nào là xay gạo, giã gạo, lên rừng hái lá rồi về luộc lá, giã lá, làm nhân…

Khâu đầu tiên trong quá trình làm bánh là chọn và ngâm gạo. Gạo nếp dùng làm bánh phải là loại dẻo, thơm. Sau khi ngâm qua đêm cho mềm gạo thì mang đi xay thành bột nước. Bột này được cho vào một tấm khăn lớn vắt hết nước rồi mang nhào, giã cho thật mịn. Lá gai sau khi hái trên rừng về đem rửa sạch rồi luộc cùng vôi ăn trầu khoảng 2-3 tiếng cho mềm nhừ mới mang giã nhuyễn rồi xào khô, sau đó nhào chung với bột, đường rồi tiếp tục giã trong nhiều giờ đồng hồ cho các nguyên liệu hòa quyện vào với nhau thật đều và mịn.

Nhân bánh được làm từ đậu xanh bóc vỏ hấp chín, sau đó nấu đường trên bếp cho tan chảy rồi xào đậu xanh với cùi dừa xay nhuyễn để nhân bánh có vị bùi. Sau khi hoàn thành xong khâu nhào bột và làm nhân, người Tày đem gói thành từng cái nhỏ bằng lá chuối rồi hấp cách thủy. Bánh gai muốn để được lâu, sau khi chín phải để nguội rồi lau khô nước bám ngoài lớp lá. Bánh gai do người Tày làm có vị bùi, thơm, dẻo nhờ cách làm cầu kỳ này.
Theo baodaklak.vn

Có thể bạn quan tâm