Bài 2: Nghệ nhân ưu tú gần 80 năm gắn bó với nghệ thuật truyền thống
Ông Lê Văn Chiểu (Hai Chiểu), ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng là một trong 3 nghệ nhân ưu tú của nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang. Ông đeo đuổi nghệ thuật này từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước, đến nay, mặc dù đã ở tuổi 91, ông vẫn say mê sinh hoạt và tích cực tham gia các hội thi, hội diễn Đờn ca tài tử tại địa phương; góp công vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của nghệ thuật Đờn ca tài tử.
Nhắc đến ông Hai Chiểu, giới mộ điệu Đờn ca tài tử ở Kiên Giang ai cũng biết. Suốt từ năm 1983 đến nay, hầu hết các hội thi, hội diễn Đờn ca tài tử tổ chức ở xã, huyện ông đều tham gia. Ông Nguyễn Văn Tư, một tài tử đờn ở ấp Thạnh Xuân, xã Thạnh Hưng cho biết: “Ông Hai Chiểu đam mê Đờn ca tài tử lắm, không chỉ nhiệt tình với phong trào của địa phương, ở các ấp, các xã lân cận nếu nhờ giúp ông cũng sẵn lòng hỗ trợ nhiệt tình trong việc dàn dựng kịch bản, tham gia đờn, ca…”. Gần đây nhất, trong Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang năm 2019, ở tuổi 90, ông Hai Chiểu tham gia và được nhận giải Đặc biệt cho người cao tuổi nhất hội thi.
Từ thị trấn Giồng Riềng, hỏi thăm nhà “thầy đờn” Hai Chiểu, chúng tôi được người dân đưa đến tận nhà ông ở ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng. Suốt mấy chục năm qua, căn nhà chính là nơi ông truyền dạy tận tình, miễn phí cho bà con, những người có niềm đam mê với Đờn ca tài tử.
Ông Hai Chiểu kể: “Ngay từ nhỏ tôi đã ham thích Đờn ca tài tử, niềm đam mê có từ trong máu khi ba tôi cũng rất mê đờn ca, có thể tham gia sinh hoạt cùng bà con địa phương suốt cả ngày đêm. Khoảng năm 1943, tôi bắt đầu được một người chú họ ở Cần Thơ về truyền dạy cách chơi đàn kìm (đàn nguyệt)”.
Phải mất gần hai năm kiên trì học tập và rèn luyện, ông Hai Chiểu mới sử dụng thành thạo đàn kìm. Theo ông, chơi đàn kìm khó hơn guitare nhiều vì đàn kìm chỉ có hai dây, khoảng phím rộng nên phải biết cách nhấn nhá sao cho khớp với nhiều chữ. “Muốn học đàn kìm phải dày công, nhẫn nại luyện “ngón đờn”, để tiếng đờn phát ra nhịp nhàng theo từng chữ; ngón tay nhấn phím đờn cũng uyển chuyển sao cho nhấn phải tới chữ, nghe mới hay được…”, nghệ nhân ưu tú Hai Chiểu chia sẻ.
Từ năm 16 tuổi, ông Hai Chiểu đã cùng bạn bè tham gia biểu diễn Đờn ca tài tử ở đám tiệc, các dịp lễ Tết phục vụ bà con trong thôn xóm. Trong những đêm trăng thanh gió mát nơi miệt vườn sông nước Kiên Giang, tiếng đàn kìm Hai Chiểu thường ngân lên mùi mẫn và luôn được bà con mến chuộng, say mê. Ông kể: “Tôi chơi đờn kìm trong các cuộc biểu diễn, nhiều lần dù cuộc vui đã hết, nhưng bà con đều nán lại, yêu cầu tôi phải ca một vài câu thì mới cho về, không ca thì không được về!”. Những lúc đó dù đã mệt nhưng ông Hai Chiểu luôn sẵn lòng ca hết mình để mang lại niềm vui tinh thần cho bà con.
Hai cuộc kháng chiến trường kỳ diễn ra, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, địa bàn huyện Giồng Riềng bị địch đánh phá ác liệt nên phong trào Đờn ca tài tử ở đây tạm lắng xuống một thời gian. Sau ngày giải phóng miền Nam, cùng với bà con, ông Hai Chiểu lại tiếp tục được sống lại với niềm đam mê tiếng đờn điệu ca của nghệ thuật Đờn ca tài tử. Phong trào Đờn ca tài tử bắt đầu gây dựng lại ở Giồng Riềng nói riêng và trên khắp địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Ông Nguyễn Văn Hạng, một tài tử ca ở ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng cho biết: “Ông Hai Chiểu là người rất yêu, rất miệt mài với nghệ thuật Đờn ca tài tử. Ông sẵn sàng lội sông, không quản mưa gió, bơi xuồng hàng chục cây số vì một buổi sinh hoạt Đờn ca tài tử. Ở đâu có biểu diễn Đờn ca tài tử mời ông đến tham gia ông đều sẵn lòng. Con cháu, anh em không biết nhịp, ca chưa chuẩn, ông luôn tận tình chỉ dạy”.
Từ năm 1983, ngay trong lần đầu tiên huyện Giồng Riềng tổ chức lại Hội thi Đờn ca tài tử, ông Hai Chiểu đã giành được giải Nhất biểu diễn đờn kìm. Trong Hội diễn văn nghệ quần chúng năm 1985, ông tiếp tục được UBND tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen về thành tích sử dụng đàn kìm xuất sắc. Từ đó đến nay, ông liên tục giành các giải thưởng lớn, nhỏ trong các hội thi, hội diễn do xã, huyện tổ chức.
Ngoài tham dự các cuộc thi, ông Hai Chiểu còn đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phong trào Đờn ca tài tử ở địa phương; ông sáng tác rất nhiều chập ngắn Cải lương, Đờn ca tài tử, vọng cổ…; truyền dạy cho 15 người sử dụng đàn kìm và đàn guitar (phím lõm), cùng hơn 100 người hát Đờn ca tài tử. Năm 2004, ông được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng; và năm 2019 ông vinh dự được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú về những cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Ông Hai Chiểu chia sẻ, thế hệ trẻ thích Đờn ca tài tử cần phải bỏ công chuyên luyện, thật tâm cố gắng và kiên trì mới thành thạo được loại hình nghệ thuật dân gian này. Ông mong muốn, chính quyền địa phương duy trì được sân chơi Đờn ca tài tử, vận động mọi người tham gia thường xuyên. Từ đó làm cơ sở phát hiện những người có năng khiếu đờn, hoặc ca để tiếp tục rèn luyện, bồi dưỡng, phát triển.
Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang, ông Hai Chiểu là người hoạt động phong trào Đờn ca tài tử xuyên suốt của tỉnh Kiên Giang. Ông dành gần như cả đời để đeo đuổi Đờn ca tài tử bằng tâm huyết, tình yêu nghệ thuật của mình. Dù tuổi đã cao, ông vẫn truyền dạy nhiệt tình cho thế hệ trẻ, góp phần giúp huyện Giồng Riềng luôn là đầu tàu trong phong trào Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang.
Hồng Đạt