Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ít người ở vùng biên viễn

Những ngày lễ, tết dân tộc Cống, trẻ em và người lớn đều diện trang phục truyền thống sặc sỡ để đi hội. Ảnh: Trần Văn Hoàng-TTXVN
Những ngày lễ, tết dân tộc Cống, trẻ em và người lớn đều diện trang phục truyền thống sặc sỡ để đi hội. Ảnh: Trần Văn Hoàng-TTXVN

Nằm ở vùng biên viễn, Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, với hơn 84% đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo nên một kho tàng văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc. Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc, đặc biệt các dân tộc ít người.

Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ít người ở vùng biên viễn ảnh 1Phụ nữ dân tộc Cống trong trang phục truyền thống của dân tộc để đi chơi hội. Ảnh: Trần Văn Hoàng-TTXVN

Độc đáo văn hóa các dân tộc

Toàn tỉnh Lai Châu có 4 dân tộc có số dân dưới 10.000 người gồm: Cống, Mảng, SiLaLự. Mỗi dân tộc đều có những giá trị bản sắc văn hóa độc đáo riêng được thể hiện qua trang phục, không gian kiến trúc nhà ở, chữ viết, âm nhạc, ẩm thực, các nghề truyền thống (dệt, đan lát, rèn) và văn hóa văn nghệ.

Dân tộc Lự ở Lai Châu có gần 7.000 nhân khẩu sinh sống tập trung ở huyện Tam Đường, Sìn Hồ. Đến nay, đồng bào Lự còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp như: các lễ hội, kiến trúc nhà sàn truyền thống, nghề dệt thủ công, trang phục, tiếng nói, nghệ thuật trình diễn dân gian...

Gần 70 tuổi nhưng nhiều năm nay nghệ nhân Lò Thị Son (dân tộc Lự, ở bản Nà Khum, xã Bản Hon, huyện Tam Đường)  vẫn miệt mài với các lớp học truyền dạy văn hóa. Nghệ nhân Lò Thị Son chia sẻ: Giữ gìn điệu múa, câu hò của cha ông để lại, bà đã truyền dạy lại cho thế hệ trẻ vào những buổi học ở nhà văn hóa. Nhìn thấy các cháu học sinh chăm chỉ học, bà thấy vui lắm!

Cùng với các lớp truyền dạy văn hóa, người Lự còn quan tâm đến bảo tồn trang phục truyền thống được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ với những họa tiết hoa văn tinh xảo, độc đáo. Phụ nữ Lự thường mặc áo màu chàm, xẻ ngực, vạt trái đè lên vạt phải và được buộc thắt bởi những dây tua sặc sỡ.

Chị Lò Thị Đi, cán bộ văn hóa xã Bản Hon, huyện Tam Đường cho biết: Hàng ngày, phụ nữ Lự thường mặc váy áo chàm thêu móc đơn giản để thuận tiện cho công việc. Vào dịp lễ, tết, hoặc khi gia đình có khách quý, người phụ nữ mặc váy hai lớp với hoa văn trang trí ba tầng trông rất bắt mắt.

Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ít người ở vùng biên viễn ảnh 2Cộng đồng người Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (Lai Châu) chú trọng truyền dạy văn hoá cho lớp trẻ. Ảnh: Trần Văn Hoàng-TTXVN

Đối với dân tộc Cống (dân tộc ít người) ở Lai Châu, trải qua bao thăng trầm của thời gian, nền văn hóa bản địa lâu đời với nhiều phong tục, tập quán độc đáo vẫn được lưu giữ. Bộ trang phục dân tộc Cống được làm từ vải sợi thiên nhiên (bông, lanh) rồi nhuộm chàm. Thân áo được viền họa tiết dọc theo cổ áo, viền cánh tay. Eo lưng thắt dây màu xanh và chiếc váy trang trí những hoa văn có ý nghĩa tượng trưng cho cuộc sống của con người gắn kết với thiên nhiên.

Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ít người ở vùng biên viễn ảnh 3Ngày lễ, tết truyền thống dân tộc, bà con dân tộc Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (Lai Châu) tổ chức gõ chiêng, múa xoè vui nhộn. Ảnh: Trần Văn Hoàng-TTXVN

Ý nghĩa nhất trong bộ trang phục là chiếc khăn piêu thổ cẩm được thêu tay cầu kỳ. Khăn piêu của dân tộc Cống không vắt gập như của dân tộc Thái mà được quấn tròn xung quanh đầu sao cho đoạn họa tiết tỉ mẩn, công phu nhất lộ ra phía trước mặt và thả ở tà sau gáy thiếu nữ Cống, làm nên nét đẹp riêng biệt chỉ có ở dân tộc này.

Bà Lò Thị Phương, bản Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè cho hay: Dân tộc Cống có nhiều nét văn hóa đặc sắc nhưng độc đáo nhất là trang phục và văn nghệ dân gian. Nhằm gìn giữ bản sắc dân tộc, bản thành lập đội văn nghệ có 10 người tham gia. Vào buổi tối, các chị tập trung ở nhà văn hóa để tập luyện và truyền dạy lại cho các cháu để thế hệ sau luôn nhớ đến cội nguồn dân tộc.

Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ít người ở vùng biên viễn ảnh 4Những ngày lễ, tết dân tộc Cống, trẻ em và người lớn đều diện trang phục truyền thống sặc sỡ để đi hội. Ảnh: Trần Văn Hoàng-TTXVN
Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ít người ở vùng biên viễn ảnh 5Những trang trí bằng bạc được trang trí đẹp mắt trên trang phục của phụ nữ dân tộc Cống. Ảnh: Trần Văn Hoàng-TTXVN

Chú trọng bảo tồn

Thực tế cho thấy, những dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Lai Châu luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

Cùng với sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Đến nay, Lai Châu có 5 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật múa Xòe, Trò chơi kéo co của dân tộc Thái, Lễ Tủ Cải của đồng bào dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của người Mông và Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự. Tỉnh tổ chức hàng chục lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể để các dân tộc phục dựng, bảo tồn 16 lễ hội tiêu biểu và duy trì thường niên 40 lễ hội hàng năm. Điển hình như: Lễ cúng Thánh thạch của người Hà Nhì; Lễ mừng cơm mới của người Si La; Lễ hội Hạn Khuống, Nàng Han của đồng bào Thái, lễ hội Xên Mường…

Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ít người ở vùng biên viễn ảnh 6Những sản phẩm thổ cẩm mang đậm nét văn hóa đặc sắc của người Lự, được coi là thước đo tiêu chuẩn đánh giá sự khéo léo của người phụ nữ nơi đây. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Đặc biệt, từ ngày 3 - 5/11, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Lai Châu tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tại Lai Châu nhằm thực hiện chính sách đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Thị Tấc, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, sự kiện với sự tham gia của 14 dân tộc và 13 tỉnh, thành trong cả nước là hoạt động có ý nghĩa quan trọng khơi dậy niềm tự hào về văn hóa của dân tộc trong đồng bào. Đồng thời, Ngày hội giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số ở Lai Châu tới bạn bè gần, xa.

Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Thị Tấc nhấn mạnh, để bảo tồn các di sản văn hóa đặc trưng và tiêu biểu của các dân tộc này, cần đưa chức năng, nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa về đúng môi trường và đối tượng, đó là các thôn, bản và nhân dân bởi văn hóa sinh ra ở đâu thì chỉ sống và phát triển ở môi trường đó. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ về vật chất, định hướng và quản lý để các di sản văn hóa đồng hành, phát huy cùng du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Lò Thị Vương, nguyên Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho hay, Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người được tổ chức nhằm tôn vinh, phát huy giá trị bản sắc các dân tộc rất ít người, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Đây là dịp giới thiệu, quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, văn hóa truyền thống các dân tộc trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Tuy nhiên, việc tổ chức Ngày hội Văn hóa này cần được triển khai liên tục, thường xuyên hơn nữa. Các hoạt động tại Ngày hội sẽ giúp các dân tộc ít người gặp gỡ, chia sẻ, tìm hiểu văn hóa của nhau, từ đó giúp họ có ý thức, niềm tự hào dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống.

Việt Hoàng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm