Một ngày đầu thu, chúng tôi có mặt ở Trạm Y tế xã Nấm Lư, huyện Mường Khương (Lào Cai). Anh Tả Sín Củi, dân tộc Nùng, đang tất tả bế con từ thôn Lủng Phạc đến Trạm Y tế xã khám bệnh. Con trai anh đã gần 2 tuổi, nhưng cân nặng chỉ gần 8 kg và cao 71 cm; SDD mức độ 1. Nhìn con ho và quấy khóc, nét mặt anh Củi rất lo lắng. Anh chia sẻ: “Từ khi cai sữa, vợ tôi tập cho cháu ăn cơm, nhưng cháu lười ăn, lại hay bị ốm. Nhà neo người, nên khi đi làm nương tôi phải cõng cháu theo. Còn vợ tôi phải chăm sóc cháu thứ hai mới sinh được 3 tháng tuổi. Nhà nghèo, thỉnh thoảng tôi ra suối bắt được ít tôm, cá, thì gia đình có chút thức ăn tươi”.
Kiểm tra sức khỏe cho trẻ em vùng cao.
|
Những đứa trẻ bị SDD giống như con anh Củi có thể gặp ở bất cứ thôn, bản nào ở xã Nấm Lư. Y sĩ Hoàng Ngọc Ánh, Trưởng Trạm Y tế xã Nấm Lư chia sẻ: Tính trung bình cứ 2 trẻ dưới 5 tuổi, thì có 1 trẻ bị SDD thể thấp còi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao (gần 47,6%), nhiều gia đình cuộc sống khó khăn, bữa ăn hằng ngày rất đạm bạc, nên trẻ em bị thiếu chất ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, khi trẻ sinh ra lại không được ăn uống đầy đủ chất, nên hay ốm, suy nhược cơ thể dẫn tới còi cọc, chậm lớn. Thêm vào đó, những ông bố, bà mẹ trẻ ở vùng cao lại thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc con, nên càng làm cho trẻ bị SDD nặng hơn. “Trẻ em dưới 5 tuổi đang trong giai đoạn quan trọng về phát triển cơ thể và trí tuệ, nếu bị SDD nặng sẽ để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về sau”, Y sĩ Ánh chia sẻ.
Tình trạng trẻ em bị SDD không chỉ diễn ra ở tỉnh Lào Cai, mà còn ở nhiều tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo số liệu Viện Dinh dưỡng Quốc gia thuộc Bộ Y tế mới công bố, 24,6% trẻ Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân tính theo chỉ số giữa cân nặng với tuổi giảm 0,4% vào năm 2015 so với năm 2014, suy dinh dưỡng thể thấp còi tính theo chỉ số giữa chiều cao và tuổi giảm là 0,3%. Tỷ lệ này có sự khác biệt giữa các vùng miền, cao nhất là khu vực Tây Nguyên, tiếp đến là vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Trẻ em vùng cao cần được quan tâm hơn nữa.
|
Theo ông Bùi Văn Lịch, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc): Các chính sách y tế, giáo dục dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có, nhưng chưa đủ lực để giải quyết các vấn đề về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em ở vùng cao đang gặp không ít khó khăn, thách thức, đó là: Thiếu cán bộ y tế chuyên khoa sản - nhi tuyến huyện; thiếu trang - thiết bị, dụng cụ cho chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so trung bình của cả nước. Vẫn còn những tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và vệ sinh môi trường, như tỷ lệ sinh đẻ tại nhà cao, không nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; chưa cho trẻ ăn bổ sung đúng cách; cho trẻ ăn cơm nhá, cơm hạt từ 3 - 4 tháng tuổi…
Theo các chuyên gia của Tổ chức UNICEF, về lâu dài cần giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người dân; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc trẻ em; đẩy mạnh công tác truyền thông và thực hành dinh dưỡng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây không chỉ là “bài toán” cần lời giải của ngành y tế, mà là vấn đề chung của cả cộng đồng. |