Tuy nhiên, nhiều cụm thi do các đại học chủ trì ở phía Bắc lại cho rằng, khâu tuyển lựa giáo viên và tổ chức chấm thi mới quyết định tính công bằng trong khâu chấm thi.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Bùi Văn Ga cho biết, năm 2016, cả nước có 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì phân bổ đều ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước (đây là điểm khác biệt so với năm 2015). Thí sinh thi ở cụm thi này sẽ lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Trong buổi tập huấn công tác tuyển sinh, Bộ GD - ĐT đưa ra quy định trường chủ trì cụm thi có trách nhiệm in sao đề thi (có thể liên hệ với các trường có kinh nghiệm để hợp đồng in, sao); coi thi, chấm thi, phúc khảo; in giấy chứng nhận kết quả; xử lý khiếu nại của thí sinh. Các trường ĐH chủ trì phải bảo đảm ít nhất 50% cán bộ coi thi là của trường; 20% cán bộ của trường phối hợp, 30% còn lại là giáo viên từ các trường THPT.
|
Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội thì những lo lắng của các trường phía Nam là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng vẫn có cách để đảm bảo được chất lượng đội ngũ chấm thi. Khi Bộ GD - ĐT chưa có quy định cứng về số giáo viên THPT tham gia chấm thi, ĐH Kinh tế quốc dân đã chủ động lựa chọn đội ngũ này. Như năm 2015, trường có tới 50% số lượng giáo viên THPT tham gia chấm thi. Đội ngũ được tuyển chọn từ những giáo viên của trường THPT top đầu của Hà Nội. Năm nay, ĐH Kinh tế Quốc dân chủ trì cụm thi ở Bắc Giang thì không có giáo viên THPT ở Bắc Giang chấm. Khâu này tuyển lựa giáo viên phải được chuẩn bị từ trước.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, đến thời điểm này trường đã “đặt hàng” được những giáo viên dạy giỏi cấp thành phố để tham gia vào khâu chấm thi của trường. Danh sách này sẽ được Sở GD - ĐT Hà Nội duyệt. Về cơ bản, việc đưa giáo viên THPT vào chấm thi đã được trường thực hiện từ năm 2015. Chủ yếu là giáo viên những môn thi ngữ văn, lịch sử, địa lý mà trường không có. Hơn 4.000 bài thi được các giáo viên THPT chấm với kinh nghiệm tốt và trách nhiệm cao. Năm nay ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì cụm thi số 1 bao gồm các quận, huyện: Quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai, quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Thường Tín và huyện Phú Xuyên.
Một mặt tuyển lựa đội ngũ giáo viên, một mặt các trường cần phải giám sát quá trình chấm thi. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, bên cạnh việc có giáo viên giỏi chấm thi, khâu tổ chức chấm thi rất quan trọng. Thường xuyên giám sát quá trình chấm thi đảm bảo đúng quy trình. Cụ thể, trưởng môn chấm thi phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấm thi của các cán bộ chấm thi trong tổ chấm thi. Trước khi giao bài đã chấm xong 2 vòng độc lập cho 2 cán bộ chấm thi thống nhất điểm, phải đối chiếu điểm bài thi trên phiếu ghi điểm của cán bộ chấm thi lần thứ hai với điểm trên phiếu chấm cá nhân của cán bộ chấm thi lần thứ nhất, phát hiện những trường hợp chênh lệch từ 0,5 điểm trở lên để theo dõi, xác định nguyên nhân và kết quả xử lý thống nhất của 2 cán bộ chấm thi nhằm phòng ngừa các sai sót, vi phạm quy chế thi. Đồng thời, quán triệt cán bộ chấm thi không được sửa chữa điểm trên phiếu chấm, phiếu ghi điểm và trên bài thi trong quá trình thống nhất điểm.
“Bộ phận giám sát chấm bài trắc nghiệm bao gồm cán bộ thanh tra của đơn vị chủ trì cụm thi, đơn vị phối hợp tổ chức thi và công an thực hiện giám sát trực tiếp, liên tục các hoạt động của tổ xử lý bài thi trắc nghiệm. Nếu có vấn đề gì sai sót cần chấn chỉnh ngay lập tức. Đó là kinh nghiệm của trường trong năm trước khi có giáo viên THPT tham gia chấm thi”, ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga, Bộ sẽ ghi nhận ý kiến các trường đưa ra và sẽ giám sát chặt chẽ quá trình này. Cơ chế giám sát đã được Bộ GD - ĐT công bố trong hướng dẫn thi.
Báo Tin Tức