Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong năm 2023, tỉnh Gia Lai tiếp tục được phân bổ hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực lớn góp phần thay đổi bộ mặt, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở địa phương.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình, tỉnh đã thực hiện nhiều dự án lớn như giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; thực hiện quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; chú trọng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch...
Gia Lai là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23% dân số toàn tỉnh. Đây là năm thứ 2 địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua một năm triển khai, Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1 - 1,5%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4 - 5%/năm.
Về xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, có thể thấy rõ hiệu quả của Đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng căn cứ đã giúp đồng bào Bahnar thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên thoát nghèo. UBND huyện Phú Thiện đã huy động kinh phí khoảng 30 tỷ đồng và huy động hơn 28.000 ngày công của các đơn vị lực lượng vũ trang cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, nhân dân để thực hiện dự án này. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng căn cứ cách mạng gồm 2 hợp phần là sắp xếp lại dân cư (2017-2020) và tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân nhưng vẫn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của làng đồng bào dân tộc thiểu số (2021-2023). Nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân, huyện Phú Thiện đã cơ bản hoàn thành xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 4 làng căn cứ cách mạng là Plei Pông, King Pêng, Plei Trớ và Plei Hek.
Chị Rmah Yoh, làng Plei Hek, xã Chư A Thai chia sẻ, trước đây mọi người ở trên núi Cheng Leng khổ lắm, ốm đau bệnh tật hay con cái đi học đều khó khăn, vất vả. Nay được Nhà nước hỗ trợ di dời về nơi ở mới, có trạm y tế, có trường học cho con đi học, lại được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, cấp 600m2 đất ở để ổn định cuộc sống nên bà con yên tâm lao động, sản xuất.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 sắp xếp lại dân cư (năm 2017-2020), từ năm 2021, huyện Phú Thiện đã tập trung nhiều giải pháp giúp đồng bào tại 4 làng phát triển kinh tế gia đình. Với mục tiêu phát triển kinh tế vườn, tận dụng các khoảng trống của từng hộ gia đình để làm chuồng trại, làm vườn rau xanh và trồng cây ăn trái, huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp phổ biến, tư vấn, hướng dẫn các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, giúp bà con dân tộc thiểu số tại đây dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Qua đó đã hỗ trợ 225 hộ làm chuồng trại, 282 hộ làm vườn rau xanh cải thiện bữa ăn hàng ngày và trồng hơn 2.570 cây ăn trái trong vườn nhà. Chính quyền địa phương cũng triển khai 4 mô hình phát triển kinh tế (mía, mì, điều, lúa) tại 4 làng với quy mô khoảng 100 ha, 115 hộ tham gia. Người dân đã hình thành thói quen áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất, từng bước tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Hồng Điệp