Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong năm 2023, tỉnh Gia Lai tiếp tục được phân bổ hơn 1.000 tỷ đồng thực hiện chương trình. Đây là nguồn lực lớn góp phần thay đổi bộ mặt, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh.
Bà con dân tộc huyện Krông Pa (Gia Lai) xem tờ rơi của chương trình y tế, chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Năm 2023, Gia Lai đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình, phấn đấu giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 50% số hộ thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất được giải quyết; 99,43% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 98,95% thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 86,6% trường, lớp được xây dựng kiên cố; 99,99% hộ dân được sử dụng điện; 92% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% số dân được xem truyền hình và 90% được nghe phát thanh.
Địa phương đặt mục tiêu có 97,7% trẻ 5 tuổi được đến trường; 96,1% trẻ được học Tiểu học; 90,3% em được học Trung học Cơ sở và 47,5% em được học Trung học Phổ thông; 78,2% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Tỉnh phấn đấu 77% người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế vào cuối năm 2023; 84,8% phụ nữ có thai được khám định kỳ và sinh con tại các cơ sở y tế hoặc được sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 17%...
Gia Lai phấn đấu có 47,2% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người đồng bào dân tộc thiểu số; 81,8% người lao động có việc làm mới; đào tạo, quy hoạch, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc…
Để thực hiện hiệu quả Chương trình, tỉnh đã xây dựng phương án thực hiện với nhiều dự án lớn. Cụ thể, Dự án 1 sẽ tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án 2 thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án 3 chú trọng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án 4 sẽ triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Dự án 5 tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6 bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; Dự án 7 và 8 tập trung nâng cao chất lượng y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện các chế độ, chính sách đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án 9 ưu tiên phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc gặp nhiều khó khăn và khó khăn đặc thù…
Gia Lai là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía bắc Tây Nguyên có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23% dân số toàn tỉnh. Đây là năm thứ 2 địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua một năm triển khai, Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1 - 1,5%/năm; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4 - 5%/năm.
Phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ổn định và từng bước được cải thiện; kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; công tác giáo dục, y tế ở vùng dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ; giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển.
Quang Thái