Nghị định số 119/2006/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của lực lượng kiểm lâm quy định cứ 1.000 ha rừng thì có một biên chế kiểm lâm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 630.000 ha nhưng chỉ có 324 công chức kiểm lâm. Trách nhiệm, áp lực quá lớn khiến nhiều cán bộ, nhân viên quản lý rừng dần rời bỏ công việc gắn bó hàng chục năm.
Ông Nguyễn Văn Huân, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết số lượng biên chế này quá ít so với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong tình hình mới. Với những áp lực của môi trường làm việc, thu nhập thấp, nguy hiểm từ nghề... năm 2020-2022, toàn tỉnh Gia Lai đã có 36 công chức kiểm lâm nghỉ việc.
Có thể thấy, lực lượng kiểm lâm cũng như lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang gánh vác nhiệm vụ khá nặng nề, gian khổ, đặc biệt là trách nhiệm trước pháp luật khi để tài nguyên rừng bị xâm hại. Người lao động hoạt động ở môi trường xa xôi, địa hình hiểm trở, làm việc không có giờ giấc và đời sống khó khăn, phải đối phó với các hoạt động đối tượng vi phạm pháp luật. Cùng với đó, hiện tại trên thực tế cấp xã không có nguồn lực, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm là nòng cốt, một công chức phụ trách địa bàn 1 xã, có khi từ 2-3 xã nên khó quán xuyến hết công việc được giao.
Theo đánh giá chung của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều cán bộ công chức kiểm lâm nghỉ việc trong thời gian qua, là do áp lực về công việc và chính sách về lương, chế độ phụ cấp cho công chức, nhân viên bảo vệ rừng.
Ngoài kiểm lâm, còn một lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đó là nhân viên quản lý, bảo vệ rừng thuộc các Ban Quản lý rừng. Tại Gia Lai hiện có 22 Ban Quản lý rừng, với gần 500 cán bộ, viên chức, so với định mức còn thiếu trên 200 người. Hai năm qua, có trên 20 người đã nghỉ việc, hàng chục người khác có nguyện vọng tương tự.
Ông Đinh Văn Khẩn, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur (có 30 năm trong nghề, là một trong số 5 người viết đơn xin nghỉ việc trong năm 2022) cho biết: Theo định mức, để quản lý 10.000 ha rừng tại xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur cần có 17 nhân sự, tuy nhiên, nhiều năm qua, toàn đơn vị chỉ có 12 người. Làm việc bất kể ngày đêm ở địa bàn là điểm nóng về tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp nhưng mức lương của cán bộ, nhân viên ở đây chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/người. Bản thân ông Đinh Văn Khẩn cũng xin nghỉ nhưng chưa được giải quyết. Ông cũng đang phải động viên cấp dưới cố gắng chờ ngành Lâm nghiệp tuyển thêm nhân viên, khi nào có biên chế về mới nghỉ, vì nếu anh em nghỉ thì không có người làm.
Vất vả, nguy hiểm, lương thấp, nhân viên bảo vệ rừng còn thường xuyên phải đối diện với nguy hiểm. Ông Đinh Mạnh Phong, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho hay, hiện nay, trung bình mỗi nhân viên có nhiệm vụ bảo vệ 1 tiểu khu, tương đương 1.000 ha rừng. Rừng núi thường cách xa khu dân cư, địa hình cách trở "lâm tặc" sẵn sàng chống trả tấn công khi bị phát hiện, nhưng lực lượng bảo vệ rừng thường rơi vào thế yếu.
Theo ông Đinh Mạnh Phong, nguyên nhân xin nghỉ việc phần lớn là do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro đe dọa đến tính mạng rất cao. Đặc biệt là sự liều lĩnh, manh động sử dụng hung khí chống trả của các đối tượng "lâm tặc" khi bị phát hiện. Do đó, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê kiến nghị các ban ngành liên quan có cơ chế cấp cho nhân viên quản lý bảo vệ rừng bình xịt, súng đạn cao su để tự vệ trong những trường hợp khẩn cấp. Ông Đinh Mạnh Phong cũng cho rằng, hiện tại quyền hạn của các Ban Quản lý rừng thấp, chỉ có phát hiện rồi báo cáo, không được xử lý nên không có thực quyền, ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của nhân viên.
Trước thực trạng trên, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai xác nhận, hiện tại số lượng công chức kiểm lâm, viên chức quản lý và lực lượng bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn còn thiếu khoảng 100 biên chế. Thiếu hụt nhân lực khiến nhiệm vụ giữ rừng càng thêm khó khăn, xa hơn là nguy cơ “mất rừng” trong bối cảnh tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp diễn biến phức tạp.
Ông Lưu Trung Nghĩa cho biết, ngành Lâm nghiệp tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ chân lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, nhưng chủ yếu mang tính động viên và tình thế như tăng cường thăm hỏi, động viên tinh thần anh em, luân chuyển cán bộ, nhân viên về các đơn vị gần nhà...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho rằng, ngoài việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các đơn vị chủ rừng cần chủ động phối hợp với Công an, Kiểm lâm tăng cường công tác quản lý, chia sẻ gánh nặng với lực lượng bảo vệ rừng. Cùng với đó, ngành Lâm nghiệp cũng đã tham mưu UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh chế độ đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc đối với lực lượng bảo vệ rừng để góp phần giữ diện tích rừng hiện có của địa phương.
Hồng Điệp