Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình 38-CTr/TU, ngày 29/3/2017 của Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn vừa được tổ chức, ngành Lâm nghiệp địa phương đã nhìn nhận, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Diện tích rừng của Gia Lai liên tục bị xâm hại; tình trạng lấn chiếm đất rừng vẫn còn phổ biến, rừng bị suy giảm nghiêm trọng cả về chất lượng lẫn diện tích. Nguyên nhân được cơ quan chức năng nhận định phần lớn là do người dân xâm canh, phá rừng làm rẫy.
Theo bản đồ quy hoạch, lô 4, khoảnh 4, tiểu khu 989, lâm phần UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông quản lý là diện tích rừng nghèo. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế của phóng viên có khoảng 3 ha rừng tại đây đã được quây rào xung quanh, phía trong là cây điều cùng một số loại cây ngắn ngày đã phát triển xanh tốt, xen vào đó là những gốc cây rừng bị đốt cháy đen.
Anh Sa Văn Điều, nhân viên bảo vệ rừng của UBND xã Ia Mơr cho biết, tình trạng rừng bị xâm hại cũng xảy ra tương tự tại các tiểu khu 990, 991, 993. Mặc dù chủ rừng đã tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ, nhưng do diện tích rừng được giao quá lớn nên không kiểm soát được hết. Trong khi đó, ý thức bảo vệ rừng của người dân còn hạn chế nên thường trốn lực lượng bảo vệ để xâm canh đất rừng làm rẫy. Nhiều diện tích, cán bộ mới tuần tra vẫn bình thường, nhưng chỉ vài ngày quay lại người dân đã trồng xong các loại cây. Điều này khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ rừng nghèo, nhiều diện tích rừng phòng hộ ở Gia Lai cũng bị xâm phạm nghiêm trọng. Tại huyện Chư Sê trong năm 2021, trong số 2.100 ha rừng phòng hộ do UBND xã H’bông quản lý đã có trên 34 ha tại các tiểu khu 1064 và 1064 bị "lâm tặc" cày ủi, san phẳng và trồng bạch đàn. Vụ việc đã được công an huyện Chư Sê khởi tố vụ án, truy tìm các đối tượng liên quan.
Ông Thái Thượng Hải, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chư Sê cho rằng, do diện tích rừng thuộc xã H'bông quản lý có địa hình chia cắt, không thể di chuyển thẳng vào rừng. Lực lượng tuần tra phải đi vòng qua huyện Phú Thiện, huyện Ia Pa nên rất mất thời gian, công sức. Cùng với đó, do nhân lực hạn chế khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm canh, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các xã vùng sâu, vùng biên giới, tỉnh Gia Lai đã tổ chức ký kết và thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ rừng với các tỉnh giáp ranh (Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Định, Kon Tum). Nhờ vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực này thời gian qua đạt được những kết quả tích cực. Ngoài ra, địa phương đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm để nêu gương trong cộng đồng. Cụ thể, từ năm 2018-2022, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện gần 3.000 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Từ đầu năm 2022 đến nay, các địa phương đã phát hiện gần 300 vụ, trong đó xử lý hình sự 29 vụ.
Ông Trương Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, số vụ vi phạm có chiều hướng giảm qua từng năm. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn liên tục tiếp diễn. Lực lượng chức năng nhận định, công tác ngăn ngừa triệt để tình trạng này gặp nhiều khó khăn do ý thức bảo vệ rừng của người dân còn hạn chế. Ngoài ra, tập quán di canh di cư cũng là một phần nguyên nhân gây ra nạn phá rừng phục vụ sản xuất.
Theo ông Trương Văn Nam, giải pháp lâu dài là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để bảo vệ rừng. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy của nhân dân trong công tác bảo vệ rừng; đồng thời gắn trách nhiệm của cộng đồng dân cư với rừng...
Hồng Điệp