Gia Lai cơ bản đã khống chế dịch viêm da nổi cục trên đàn gia súc

Ngành thú y tỉnh Gia Lai phun khử khuẩn để ngăn chặn dịch bệnh viêm da nổi cục lây lan diện rộng. Ảnh: TTXVN
Ngành thú y tỉnh Gia Lai phun khử khuẩn để ngăn chặn dịch bệnh viêm da nổi cục lây lan diện rộng. Ảnh: TTXVN

Ông Dương Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, bằng nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, tỉnh Gia Lai đã cơ bản khống chế dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.

Gia Lai cơ bản đã khống chế dịch viêm da nổi cục trên đàn gia súc ảnh 1Ngành thú y tỉnh Gia Lai hướng dẫn các hộ dân tăng cường chăm sóc đàn gia súc bệnh để ngăn chặn dịch bệnh viêm da nổi cục lây lan diện rộng. Ảnh: TTXVN

Tính đến ngày 7/9, Gia Lai có trên 20.000 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục; trong đó, có 2.000 con chết đã được tiêu hủy; gần 16.000 con đã được chữa khỏi; hơn 2.000 con đang còn bệnh. Tất cả số bò đang nhiễm bệnh đang được ngành thú y địa phương tích cực điều trị. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phun khử khuẩn chuồng trại, tiêu diệt mầm bệnh trên đàn gia súc.

Hiện tỉnh Gia Lai đã có 48 xã của 11 huyện, thị xã, thành phố không còn gia súc mắc bệnh; trong đó, có 5 xã là ADơk, Trang, la Băng, Glar, Nam Yang của huyện Đăk Đoa đã thẩm định đủ điều kiện công bố hết dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.

Gia Lai cơ bản đã khống chế dịch viêm da nổi cục trên đàn gia súc ảnh 2Ngành thú y tỉnh Gia Lai phun khử khuẩn để ngăn chặn dịch bệnh viêm da nổi cục lây lan diện rộng. Ảnh: TTXVN

Theo ông Thanh, trước đó, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện lần đầu tiên tại xã Đăk Djăng, huyện Mang Yang từ ngày 27/5/2021. Tính đến ngày 22/8, toàn tỉnh có 19.673con/11.724 hộ thuộc 938 thôn, làng của 159 xã phường, thị trấn/14 huyện, thành phố có bò mắc bệnh viêm da nổi cục.

Nhận thấy bệnh viêm da nổi cục có nguy cơ phát tán rộng, nguy hại đến tổng đàn gia súc trên địa bàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các địa phương chủ động giám sát, kịp thời phát hiện gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh để triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Theo đó, chú trọng tuyên truyền, cảnh báo tình hình dịch bệnh, hướng dẫn cách ly, chăm sóc gia súc bệnh, chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật, tiêu độc khử trùng, phun thuốc diệt côn trùng truyền bệnh, tiêu diệt vật chủ trung gian. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho trâu, bò bằng cách huy động, sử dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và xã hội hóa.

Hiện người chăn nuôi tỉnh Gia Lai đã chủ động tiêm phòng được hơn 220.000 liều vaccine viêm da nổi cục trên tổng đàn gia súc toàn tỉnh; trong đó, UBND tỉnh cấp 40.000 liều, ngân sách các địa phương cấp 50.000 liều, còn lại là từ nguồn xã hội hóa của người dân, doanh nghiệp chủ động mua vaccine tiêm cho đàn gia súc.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Gia Lai đã cơ bản khống chế được dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò của địa phương.

Gia Lai cơ bản đã khống chế dịch viêm da nổi cục trên đàn gia súc ảnh 3Rắc vôi khử khuẩn đối với những trâu bò chết do bị mắc viêm da nổi cục. Ảnh: TTXVN

Để khống chế triệt để bệnh viêm da nổi cục hiện đang còn mầm bệnh trên đàn gia súc cục bộ tại một số địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm dịch vụ nông nghiệp tại các địa phương có tỷ lệ bò chết cao so với tổng đàn kiểm tra phác đồ điều trị; hướng dẫn các hộ dân tăng cường chăm sóc, hộ lý gia súc bệnh; tăng cường quản lý người hành nghề thú y tự do.

Đối với các địa phương có tỷ lệ bò mắc bệnh cao so với tổng đàn, Chi cục Thú y tỉnh cũng đề nghị trung tâm dịch vụ nông nghiệp đẩy mạnh tiêm phòng, khử trùng tiêu độc thường xuyên và phun thuốc diệt véc tơ truyền bệnh, tuyên truyền xã hội hóa tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò để nhanh chóng kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh phát sinh, lây lan ra diện rộng.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm