Gia Lai chú trọng phát triển đảng viên dân tộc thiểu số

Gia Lai chú trọng phát triển đảng viên dân tộc thiểu số

Huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, là huyện vùng biên có tỉ lệ người dân tộc thiểu số khá cao. Trong nhiều năm qua, công tác phát triển đảng viên dân tộc thiểu số ở địa phương này luôn được chú trọng; qua đó đã củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cũng như góp phần đảm bảo ổn định an ninh trật tự xã hội.

Chi bộ làng Sung Kép (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) là chi bộ đi đầu trong công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số. Trong tổng số 41 đảng viên hiện có 37 người dân tộc thiểu số. Trung bình mỗi năm, Chi bộ kết nạp một đảng viên mới, có năm kết nạp được 2 đảng viên.

Gia Lai chú trọng phát triển đảng viên dân tộc thiểu số ảnh 1Công tác phát triển đảng viên là người DTTS luôn được các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng bộ huyện Đức Cơ chú trọng. Ảnh; baogialai.com.vn

Bà Rơ Mah H’Lih- Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Kla, phụ trách Chi bộ làng Sung Kép cho biết: "Công tác phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên là người dân tộc thiểu số luôn được Đảng ủy xã Ia Kla chú trọng. Chúng tôi thường xuyên quán triệt cấp ủy các Chi bộ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng ưu tú, vận động, tuyên truyền để bà con hiểu và phấn đấu vào Đảng. Hiện tại, Chi bộ đang phát triển đảng cho chị Ksor H’Núc, là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của làng".

Với đặc thù có đông đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số, nằm ở vùng biên giới nên trong các buổi sinh hoạt Chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, những vấn đề "nóng" trong làng được mang ra trao đổi để mọi người cùng tìm cách giải quyết thỏa đáng, như: vấn đề môi trường, các vụ tranh chấp, an ninh trật tự… Ngoài ra, đảng viên là đồng bào dân tộc nên sâu sát thực tế, gần gũi, hiểu rõ tâm tư của bà con trong vùng.

Bà H’Lih cho hay, công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc tìm "nguồn". Các Chi bộ thường lựa chọn thanh niên mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trưởng các hội, đoàn thể trong làng, tiếp đến là những cá nhân có năng lực, có khả năng phụ trách công việc và có nguyện vọng chính đáng vào Đảng. Nhờ có sự chọn lọc ấy mà mỗi năm các Chi bộ thuộc Đảng bộ xã đều hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới, trong đó có nhiều đảng viên là người dân tộc thiểu số. Chị Ksor H’lip là nhân viên y tế thôn bản, vừa được kết nạp Đảng năm 2020, bày tỏ: "Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi cảm thấy vui và vinh dự lắm. Là đảng viên thì khi mình đi vận động, nói chuyện với người dân để kêu gọi họ tham gia các đợt tiêm chủng hay tuyên truyền bảo vệ sức khỏe cũng dễ dàng, được tin tưởng hơn".

Đảng bộ huyện Đức Cơ hiện có 40 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc. 100% thôn, làng, tổ dân phố có chi bộ, trong đó có 67/73 chi bộ có cấp ủy, chiếm 91,7%. Toàn Đảng bộ hiện có hơn 2.880 đảng viên, trong đó có 859 đảng viên là dân tộc thiểu số (chiếm 29,8%). Chỉ tính riêng trong 5 năm (2015-2020), toàn huyện đã có hơn 250 quần chúng ưu tú là người dân tộc thiểu số được kết nạp Đảng. Ngoài xã Ia Kla, nhiều địa phương khác của huyện vùng biên Đức Cơ cũng làm khá tốt công tác phát triển đảng viên là dân tộc thiểu số. Có thể kể đến như Đảng bộ xã Ia Dơk (kết nạp 51 đảng viên), Ia Kriêng (kết nạp 27 đảng viên), Ia Lang (kết nạp 18 đảng viên), Ia Dom (kết nạp 20 đảng viên)…

Trao đổi với phóng viên, ông Diệp Bảo Trung, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đức Cơ cho hay: trong những năm qua, các tổ chức cơ sở Đảng trong huyện đã chú trọng công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số, không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn những đảng viên này đều là trưởng các hội, đoàn thể, tham gia công tác trong Ban Nhân dân thôn, làng nên đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở thêm vững chắc. Đặc biệt, nhờ có đội ngũ này tham gia vận động, tuyên truyền mà tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn, đặc biệt là khu vực giáp ranh biên giới luôn giữ vững ổn định.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm