Nhà máy thủy điện An Khê. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Năm 2007, sau khi bàn giao hơn 500 ha đất sản xuất cho công trình thủy điện sông Ba Hạ, người dân xã Krông Năng, huyện Krông Pa (Gia Lai) chỉ được đền bù tiền chứ không được bố trí lại đất sản xuất vì địa phương không còn quỹ đất. Trong khi đó, những diện tích đất còn lại của địa phương chủ yếu là đất triền dốc, bạc màu khó có thể canh tác để phát triển kinh tế. Phó Chủ tịch xã Krông Năng Nông Đức Công cho biết, người dân trên địa bàn xã chủ yếu sống bằng nghề nông nên sau khi công trình thủy điện sông Ba Hạ thu hồi đất, nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất, đời sống gặp khó khăn. Sống gắn bó với nông nghiệp nhưng lại thiếu đất là nguyên nhân dẫn tới Krông Năng thuộc diện xã nghèo nhất huyện và tỉnh, với tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%. Không có đất sản xuất nên một bộ phận người dân phải đi làm thuê, một số lên rừng, phát nương làm rẫy.
Theo Chủ tịch huyện Krông Pa Tô Văn Chánh, toàn huyện có 5 xã bị ảnh hưởng bởi thủy điện sông Ba Hạ với diện tích thu hồi khoảng 1.800 ha. Trước khi nhường đất cho công trình này, bình quân mỗi hộ dân trong vùng có gần 4 ha đất sản xuất nên đời sống tương đối ổn định. Hiện nay, do thiếu đất, đồng thời hệ số sử dụng đất thấp do thiếu các công trình thủy lợi nên đời sống người dân gặp khó khăn. Huyện đã nhiều lần đề nghị tăng cường đầu tư các công trình dân sinh để cải thiện đời sống người dân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài ra, một số công trình thủy điện còn tác động làm biến đổi dòng chảy gây tác hại đến môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tính mạng của người dân vùng hạ du. Điển hình như thủy điện An Khê – Kanat chặn dòng tích nước và chuyển dòng chảy về sông Côn (tỉnh Bình Định) khiến vùng hạ lưu sông Ba bị cạn kiệt nặng; đặc biệt, vào mùa khô làm đảo lộn nghiêm trọng đời sống sinh hoạt của hàng chục ngàn hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ sông. Người dân không thể đánh bắt tôm, cá trên sông để mưu sinh như trước đây và nhu cầu dùng nước sạch sinh hoạt của người dân cũng bị hạn chế vì nguồn nước ô nhiễm nặng. Bên cạnh đó, mực nước quá thấp không đủ để đẩy trôi các chất cặn bã, khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Thủy điện An Khê – Kanat còn gây ra hệ lụy dai dẳng trong việc tái định canh cho người dân vùng ngập lòng hồ khiến bà con vẫn loay hoay tìm kế mưu sinh. Gia đình ông Đinh Grươm (dân tộc Ba Na) là một trong hơn 90 hộ dân ở làng Groi, thị trấn Kbang, huyện Kbang đã nhường hơn 3 ha đất rẫy sản xuất của gia đình để xây dựng công trình thủy điện An Khê – Ka Nak. Tuy nhiên, hiện nay ông Grươm nhận được chỉ là gần 8 sào đất bạc màu, sỏi đá khó canh tác, lại còn bị người dân ở vùng khác đến xâm canh. Ông Grươm cho biết: “Nương rẫy không có, cuộc sống của bà con mình hiện giờ khó khăn lắm, mong Nhà nước sớm quan tâm để người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống”.
Chủ tịch huyện Kbang Võ Văn Phán cho hay, địa phương đã nắm được tình hình và chỉ đạo các ngành tiến hành kiểm tra, rà soát để làm rõ nguyên nhân, từ đó có các giải pháp khắc phục. Thời gian tới, địa phương sẽ đánh giá lại quỹ đất đã cấp có phù hợp không và rà soát quỹ đất sau quy hoạch ba loại rừng để tiếp tục xem xét giải quyết đất tái định canh cho người dân.
Trước tình trạng trên, để người dân vượt khó cùng với sự phát triển bền vững của thủy điện, các ngành chức năng cần có biện pháp tháo gỡ trong việc tái định cư cũng như phục hồi sinh kế.
Nguyễn Hoài Nam