Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm lồng đèn của Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Không gian Lễ hội Hoa làng nghề 2019
Ngày 27/4, trong khuôn khổ các hoạt động Festival nghề truyền thống Huế, đã diễn ra Không gian Lễ hội Hoa làng nghề 2019 tại các trục đường Phạm Hồng Thái, Nguyễn Đình Chiểu và trên tuyến đường đi bộ trước Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ Huế.
Theo Ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế, Không gian Lễ hội Hoa làng nghề 2019 là sự sáng tạo của đơn vị tổ chức; biến không gian các tuyến phố này như một "thư viện nghệ thuật" để công chúng và du khách đến đây càng hiểu thêm ý nghĩa cuộc sống. Trong ngày khai mạc có sự tham dự của đông đảo người dân Huế và du khách, cùng sự tham gia của các doanh nghiệp và các nghệ sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc… Đặc biệt, các nghệ nhân Hàn Quốc vừa đem đến sản phẩm nghề để giới thiệu với công chúng Huế, giao lưu giao lưu nghệ thuật.
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm Hoa sen giấy của Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm dệt zèng của Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm lụa từ tơ cây sen của nghệ nhân đến từ Hà Nội. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Lần đầu tiên xuất hiện tại Festival nghề truyền thống Huế 2019, Không gian Lễ hội Hoa làng nghề mang lại nhiều nét thú vị, trở thành điểm nhấn ấn tượng, độc đáo, hấp dẫn tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019. Ông Võ Văn Quân, Tổng Giám đốc XQ chia sẻ, với những tình cảm dành cho mảnh đất thiên nhiên, văn hóa, và con người Huế, Doanh nghiệp tranh thêu XQ đã dành gần 1 tháng để thực hiện Không gian Lễ hội Hoa làng nghề 2019 tại Festival nghề truyền thống Huế. Có rất nhiều trang thiết bị, vật liệu được mang từ nhiều nơi về Huế để thực hiện, trong đó chủ yếu là từ Đà Lạt, đặc biệt là hàng nghìn chậu hoa nhiều sắc màu được mang về Huế. Những chậu hoa này đều được chăm sóc, bảo quản rất công phu, chu đáo trong điều kiện thời tiết ở Huế mùa này rất nóng.
Không gian Lễ hội Hoa làng nghề tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 vừa mang tính nghệ thuật và nhân văn, càng tôn thêm vẻ đẹp cho không gian trình diễn nghề tại các tuyến phố này. Đây thực sự là không gian dành cho những người yêu thích nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật đường phố. Trong không gian này, các nghệ sĩ còn thực hiện tác phẩm sắp đặt có tên "Ngõ cụt" với chất liệu chủ đạo từ là những tác phẩm làm từ lốp cao su phế thải - của tác giả Nguyễn Văn Phúng (Nha Trang, Khánh Hòa). Một góc khác có tên "Phụ nữ trong nội thất", trưng bày những bức tranh thêu của XQ, sản phẩm từ lụa tơ tằm thiên nhiên Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Trong không gian này còn có chương trình "Ẩm thực của bà" nhằm đề cao tài nội trợ của người phụ nữ, tôn vinh những người mẹ, người chị, người vợ tinh tế... Những không gian nghệ thuật đã góp phần nuôi dưỡng sự khao khát về sự trở lại của bản tâm con người, bảo vệ gia đình và không thể khác, các làng nghề muốn hồi sinh cũng cần có những cơ sở như thế.
Ngoài ra, Không gian Lễ hội Hoa làng nghề còn có không gian trưng bày hàng thủ công mây tre đan và đồ gốm sứ Hương Sa, được chế tác từ làng gốm Bát Tràng, Hà Nội. Đây lần đầu tiên các tác phẩm gốm Hương Sa được trưng bày ở Festival nghề truyền thống Huế...
Xây dựng thương hiệu cho lọng - đèn xứ Huế
Tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2019 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt", người xem rất thích thú sản phẩm lọng - đèn xứ Huế của Cơ sở Lọng - đèn Ngọc Tuyên.
Là một cơ sở nổi tiếng, có thâm niên hàng chục năm trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, chủ lực là lọng - đèn mang đặc trưng của Huế, cơ sở sản xuất Lọng - đèn Ngọc Tuyên của Nghệ nhân ưu tú Hoàng Ngọc Tuyên (75 tuổi), nằm tại địa chỉ số 14/289 đường Bùi Thị Xuân (P. Phường Đúc). Qua tìm hiểu, để hoàn thành một chiếc lọng hay tán, đèn phải trải qua hàng chục công đoạn đòi hỏi tính tỉ mỉ cao, sự kỳ công và lòng đam mê. Làm lọng, tán để không bị sệ, sụp là điều rất khó. Khung và thân lọng khi giăng hoặc gập phải nhẹ nhàng, đều đặn đẹp mắt. Nan lọng làm bằng tre, hoặc nứa tươi, được xử lý kỹ, rồi khoan lỗ, uốn cong bởi hơi lửa. Theo Nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên thì đây là khâu quan trọng nhất, người thợ phải kết hợp sự khéo léo của đôi bàn tay, uốn phải đúng kỹ thuật, cộng với “xử lý” độ nóng của lửa sao cho hợp lý để làm cong đoạn tre. Tất cả phải tính toán về kỹ thuật và khi chọn vật liệu tre, nứa, gỗ.
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề làm mõ của Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm vải thổ cẩm. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm làng nghề. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên chia sẻ: Ngày trước, các công đoạn để làm lọng, tán đều bằng tay, sản phẩm làm ra không nhiều. Nhưng sau nhiều năm mày mò, ông đã nghiên cứu và chế tạo ra một số máy như khoan, dập, bào, tách… đưa vào ứng dụng, hoạt động. Nhờ đó mà năng suất sản phẩm tăng rất nhiều lần so với trước đâ". Mỗi ngày, cơ sở Ngọc Tuyên sản xuất được hàng chục cặp đèn, các mặt hàng lưu niệm... nhưng lọng thì chỉ có trên 5 cặp/ngày, bởi đây là sản phẩm công phu, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Một cặp lọng tùy độ công phu có giá dao động từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng.
Tham gia Festival Nghề truyền thống Huế 2019, cơ sở sản xuất Lọng - đèn Ngọc Tuyên còn có 6 sản phẩm mới đều làm bằng tre là: Mô hình tháp Linh Mụ, xe đạp nước, cối giã gạo của dân tộc miền núi, guồng đưa nước, chùa Một Cột… nhằm đáp ứng thị hiếu, quà lưu niệm của khách hàng, cũng như quảng diễn, quảng bá cho lễ hội nghề. Thời gian qua, cơ sở có trên dưới 30 nhân công làm việc thường xuyên để kịp tiến độ công việc và có sản phẩm bán ra thị trường. Bên cạnh đó, các mẫu đèn như đèn hoa sen, đèn lồng, đèn kéo quân của cơ sở Ngọc Tuyên cũng đã nhiều lần tham gia những lễ hội lớn như Lễ Phật Đản, lễ Tế Nam Giao,… Hiện nay, cơ sở làm lọng và lồng đèn của nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng ở trong Nam, ngoài Bắc, các sản phẩm của ông đã có mặt ở nhiều hội chợ, triển lãm trong nước, quốc tế và được nhiều người biết đến.
Các loại đèn trang trí, những ngôi tháp, ngôi chùa và các mặt hàng lưu niệm bằng tre, nứa, gỗ rất tinh xảo, của cơ sở sản xuất Lọng - đèn Ngọc Tuyên có giá trị cao về nghệ thuật thẩm mỹ. Các sản phẩm này đã được đánh giá cao tại các cuộc thi, hội thi hàng thủ công mỹ nghệ ở Trung ương, địa phương và các tỉnh thành khác. Điển hình, sản phẩm Túi xách nữ - đạt Giải Khuyến khích trong Hội thi sản phẩm Thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm phục vụ du lịch Huế năm 2008; sản phẩm Cá chép lồng - đạt giải Xuất sắc tại Hội chợ Làng nghề truyền thống Việt Nam - ASEAN năm 2005. Các sản phẩm: Cối giã gạo dân tộc, Xe xích lô, Đèn ngủ có lọ hoa, Công cụ phân loại thóc, Xe đạp nước, Đèn chùm - là các sản phẩm tiêu biểu nhiều lần tham gia các Hội thi sản phẩm thủ công của địa phương và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Các sản phẩm làm từ tre luôn tạo cảm giác bình yên, gần gũi cho du khách. Những chiếc lọng - đèn mang hình ảnh về quê hương, đất nước vừa mang tính chất chất nghệ thuật, vừa tạo được sự độc đáo và nét riêng của các sản phẩm từ cây tre, hồn tre Việt Nam..
Quốc Việt
TTXVN