Đưa nghệ thuật dân tộc đến gần hơn với giới trẻ Thành phố Hồ Chí Minh

Một tiết mục cải lương tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: Thu Hương - TTXVN
Một tiết mục cải lương tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Sau thời gian dài trầm lắng vì dịch COVID-19, nhiều đơn vị văn hóa, nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các dự án như biểu diễn cải lương trên phố, thành lập câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc trong trường học,... Đây không chỉ là dịp để các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật dân tộc truyền thống.

Từ cuối tháng 3/2022, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang khởi động chương trình “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương” bằng các buổi biểu diễn phục vụ miễn phí khán giả trước sảnh nhà hát này.

Ở góc độ quản lý, theo ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, đơn vị đang cơ cấu lại một số trích đoạn cải lương để nội dung gần gũi hơn với công chúng, đồng thời phù hợp khi diễn ở không gian ngoài trời. Chương trình diễn ra vào tối thứ Bảy hằng tuần với thời lượng 60 phút. Theo đó, các trích đoạn cải lương tuồng cổ, tâm lý xã hội, dân gian mà Nhà hát dự kiến sẽ ra mắt khán giả như “Phàn Lê Huê”, “Bên cầu dệt lụa”, “Bài ca tìm mẹ”, “Lưu Kim Đính”, “Ngai vàng và tội ác”... Bên cạnh đó, trong khuôn khổ buổi biểu diễn, khán giả đến xem có thể giao lưu, tương tác với các nghệ sỹ.

Đưa nghệ thuật dân tộc đến gần hơn với giới trẻ Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Một tiết mục cải lương tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Nghệ sỹ Nhân dân Thoại Miêu, người đã có hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sân khấu cho rằng, đây cũng là dịp để các tác phẩm nghệ thuật cải lương đến gần hơn với người xem, nhất là giới trẻ. Bên cạnh đó, việc đưa cải lương xuống phố là cách làm “lấy ngắn nuôi dài”. Cách làm này sẽ giúp thu hút khán giả, quảng bá để nhiều người biết về Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Qua đó, nhà hát sẽ lắng nghe được những góp ý từ khán giả để cải tiến việc dàn dựng, hình thức các vở diễn theo như mong mỏi của người xem.

Theo kế hoạch, khoảng hơn 50 suất diễn “cải lương xuống phố” sẽ tiếp tục được tổ chức tại sảnh Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang từ tháng 4/2022. Sau đó, chương trình sẽ được đưa tới phố đi bộ Bùi Viện, khu vực trước sảnh Nhà hát Thành phố và một số không gian ngoài trời khác để nhân rộng hiệu quả tiếp cận khán giả, nhất là đối tượng trẻ.

Không chỉ các nhà hát, sân khấu trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ về bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống mà các trường học như Đại học FPT, Trường Trung học Phổ thông Bình Chiểu và Trường Trung học Phổ thông Thủ Đức (thành phố Thủ Đức) cũng tổ chức nhiều chương trình giao lưu, biểu diễn và giới thiệu nhạc cụ dân tộc.

Trong đó, học sinh tại hai trường Trung học Phổ thông Bình Chiểu và Thủ Đức đã được nghệ sỹ đàn tranh Vũ Kim Yến giới thiệu khái quát về các nhạc cụ: tranh, nguyệt, sáo, bầu, tỳ bà... Nhiều học sinh đã xung phong lên sân khấu để thử tập đàn, nói lên suy nghĩ của mình về nhạc cụ dân tộc.

Tương tự, các thầy, cô giáo và học sinh Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh đã hòa tấu các bài dân ca quen thuộc như “Trống cơm”, “Lý cây đa”, “Long hổ hội”, “Lý cây bông”, “Dòng máu lạc hồng - Việt Nam ơi”... và cả các ca khúc hiện đại như “Hoa hải đường”, “Fly a way”..., tạo hiệu ứng tích cực cho hoạt động giới thiệu nhạc cụ dân tộc đến các trường. Chương trình cũng thông tin về những lớp dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí và tặng nhạc cụ cho các em học sinh.

Cùng với đó, đầu tháng 4, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp) cũng tổ chức chương trình ra mắt Câu lạc bộ Nhạc cụ dân tộc, đánh dấu sự thành công từ mô hình gieo mầm trong việc học và biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các trường phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh. Câu lạc bộ Nhạc cụ dân tộc của Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Công Trứ hiện thu hút khá đông học sinh đăng ký học các loại nhạc cụ: sáo trúc (16 học sinh), đàn tranh (37 học sinh), tỳ bà (6 học sinh) và đàn bầu (2 học sinh); một số trường khác, số lượng học sinh đăng ký học cũng đủ để mở lớp.

Theo nghệ sỹ đàn tranh Vũ Kim Yến, đây là chương trình thiết thực, giúp nâng cao nhận thức trong giới học sinh, sinh viên về văn hóa dân tộc nói chung và nhạc cụ dân tộc nói riêng. Ngoài việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chương trình còn góp phần ươm mầm, phát triển những tài năng âm nhạc trong tương lai, nhất là âm nhạc truyền thống, thông qua việc giảng dạy, truyền nghề.

Trước đó, Trung tâm Văn hóa Quận 1 đã phối hợp với Trường Trung học Cơ sở Văn Lang tổ chức chương trình giới thiệu nhạc cụ dân tộc tại các trường học trên địa bàn quận. Câu lạc bộ Sân khấu Lạc Long Quân cũng đã thực hiện nhiều chương trình giới thiệu nhạc cụ dân tộc với sự tham gia của các nghệ nhân như Út Tỵ, Duy Kim, Duy Khôi, Hoàng Thành…

Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ cho rằng, chương trình giới thiệu nhạc cụ dân tộc vào học đường là một việc làm chậm mà chắc. Qua mỗi chương trình, các bạn trẻ sẽ hiểu thêm và cảm nhận sâu sắc hơn về nhạc cụ dân tộc. “Những âm thanh của nhạc cụ dân tộc sẽ dần thấm sâu vào tâm hồn của các bạn trẻ. Lâu ngày, khi đã cảm nhận được, giới trẻ sẽ thêm yêu nhạc cụ dân tộc Việt Nam”, Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ nói.

Trong năm nay, câu lạc bộ Sân khấu Lạc Long Quân sẽ tiếp tục thực hiện chương trình sân khấu học đường (trong đó có phần giới thiệu về nhạc cụ dân tộc ứng dụng trong biểu diễn nghệ thuật cải lương) tại 40 trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Thu Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm