Ngày 28/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai một số văn bản pháp luật hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tham dự và chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành Y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, trở thành một điểm sáng trong thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh việc đối phó với những bệnh truyền nhiễm, xử lý các vấn đề của những bệnh không lây nhiễm luôn là một khó khăn của ngành Y tế. Việc sử dụng rượu, bia là một trong những yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm và ngành Y tế cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khác đẩy mạnh việc thực hiện phòng chống tác hại của rượu, bia.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia đứng thứ 5 trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh mãn tính. Rượu, bia gây tác hại với cả người uống, người xung quanh đối tượng uống và với cả cộng đồng xã hội. Ngay sau khi uống bia, rượu, người uống có thể gặp tai nạn để lại thương tật cho bản thân, gây tai nạn giao thông ảnh hưởng đến mọi người, ngộ độc rượu, bia... Sử dụng rượu, bia cũng gây ra một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu, bia... Uống rượu, bia không kiểm soát được còn gây tổn hại đến các mối quan hệ trong gia đình, xã hội, làm suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội.
Tại Việt Nam, rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới ở độ tuổi từ 15 đến 49. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm khoảng 1% tổng thu nhập quốc dân GDP. Chi phí xử lý 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính (gồm ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung) là gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội. Thống kê thực tế cho thấy, mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người tại Việt Nam với các đối tượng trên 15 tuổi có xu hướng tăng. Tỷ lệ uống rượu, bia ở cả 2 giới nam và nữ ngày càng gia tăng. Tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên khoảng 80% đối với nam và 36% đối với nữ. Đặc biệt, có tới hơn 40% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại, tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên.
Trước những tác hại to lớn của rượu, bia sức đối với khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng. Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 với mục đích phòng, tránh, giảm thiểu các hậu quả về sức khỏe, xã hội và kinh tế do sử dụng rượu bia gây ra.
Để Luật này đi vào cuộc sống, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, trước hết cần có sự vào cuộc của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân như chúng ta đã quyết tâm chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua. Các địa phương cần thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của rượu, bia, sau đó phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng cấp, ngành và xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung của Luật, nghị định của Chính phủ. Hình thức triển khai của từng Bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo tính quyết liệt và phù hợp với thực tế. Đặc biệt lưu ý tập trung triển khai 3 Điều trong Luật về quy định những điều nghiêm cấm trong Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia về nghiêm cấm điểm kinh doanh, bán bia, rượu và nghiêm cấm địa điểm tổ chức uống bia, rượu. Sở Y tế các địa phương chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong quá trình thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch phòng chống tác hại của rượu, bia.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề xuất vấn đề đưa công tác phòng chống tác hại bia rượu vào trong nội quy, quy chế kèm chế tài xử lý ở các cơ quan, đơn vị như cấm uống bia, rượu trước, trong khi làm việc, cấm uống bia, rượu trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời cần ghi rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan nếu để cán bộ, công chức, viên chức của mình vi phạm cần phải có hình thức xử lý. Nếu có thể đưa nhiệm vụ phòng chống bia, rượu vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để thì sẽ gia tăng hiệu quả thực hiện Luật.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm triển khai phòng chống tác hại rượu, bia tại địa phương, đơn vị, đồng thời thảo luận về các mức xử phạt hành chính, xử lý vi phạm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật. Để Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia thực sự đi vào thực tế, phát huy hiệu quả, các địa phương, Bộ, ngành cần tuyên truyền để người dân hiểu về tác hại của rượu, bia và tự giác chấp hành như trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua. Việc tuyên truyền cần phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đối tượng cần tuyên truyền, trong đó cần chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số, tài liệu tuyên truyền cần ít chữ, nhiều hình ảnh sinh động, cụ thể. Đồng thời việc triển khai hành động phòng chống tác hại của rượu, bia phải đi kèm với công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, khen thưởng.
Ngọc Bích