Nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt với các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long, giúp người dân nông thôn tăng thu nhập, góp phần thay đổi mạnh mẽ bộ mặt vùng nông thôn, những năm gần đây, tỉnh Trà Vinh chủ trương phát triển nhiều mô hình du lịch "thuận thiên" gắn kết với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hai mô hình phát triển du lịch "thuận thiên" đã và đang được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ tỉnh Trà Vinh xây dựng là mô hình Cồn Chim và điểm du lịch "tự thân" Cồn Hô, được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm.
Điểm nhấn của những mô hình du lịch "thuận thiên"
Cồn Chim thuộc địa phận xã Hòa Minh, huyện Châu Thành - là một trong 6 xã đảo của tỉnh Trà Vinh. Cồn được bao bọc bởi dòng sông Cổ Chiên, có diện tích tự nhiên 62 ha, với 54 hộ dân, 202 nhân khẩu đang sinh sống. Người dân Cồn Chim sống chủ yếu dựa vào nghề nuôi thủy sản và trồng lúa theo mô hình "con tôm ôm cây lúa", không sử dụng phân thuốc hóa học để bảo vệ môi trường tự nhiên và sức khỏe cộng đồng. Dưới sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, tháng 9/2019, Cồn Chim chính thức có mặt trên bản đồ du lịch Trà Vinh. Sau hơn 2 năm ra mắt, sản phẩm du lịch Cồn Chim được các nhà nghiên cứu lĩnh vực văn hóa, du lịch khắp mọi miền đất nước và các công ty du lịch lữ hành trong nước đánh giá cao. Nhiều du khách đã đến Cồn Chim và quay trở lại cùng người thân, bạn bè.
Ông Phạm Văn Phú, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ Du lịch-Thương mại Chủ Đề (Theme Travel) ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, ông đến Cồn Chim đã 3 lần và mỗi lần đến ông lại có cảm xúc mới mẻ và thư thái. Sau những ngày làm việc bận rộn với nhịp sống hối hả tại đô thị, về Cồn Chim, ông được hòa mình với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành và không gian bình yên, đậm chất dân dã của miền quê sông nước miền Tây với những cánh rừng bần xanh cao vút uốn quanh những nhánh sông rạch êm ả. Hơn thế nữa ông được trò chuyện với những người dân bản địa chân chất, hiền hòa, hào sảng, luôn luôn mến khách. Tận hưởng không gian sống ấy, giúp ông có thêm nguồn năng lực tích cực để quay trở lại công việc và cuộc sống vốn hiệu quả hơn. Đối với ông Phú, ấn tượng không quên khi đến Cồn Chim là ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Vì vậy, Theme Travel đã chọn Cồn Chim là điểm đến cho các tour du lịch về Trà Vinh của công ty.
Hiện nay, tại Cồn Chim có 12 hộ dân làm du lịch, với nhiều dịch vụ, sản phẩm đặc trưng mang đậm nét văn hóa, ẩm thực vùng miền. Đến Cồn Chim, du khách được trải nghiệm đạp xe trên những con đường bê tông quanh co trồng đầy hoa hai bên đường; hòa mình vào các trò chơi dân gian, đua cua, câu cua, bắt tôm, bắt cá bống dừa...bằng những phương tiện truyền thống của người dân bản địa. Đặc biệt, du khách được thưởng thức những bữa ăn với nhiều món dân dã, đậm chất Nam bộ, tự tay xay bột, làm bánh... Cồn Chim còn có homestay với 7 phòng trang bị đẩy đủ tiện nghi để phục vụ du khách lưu trú.
Ông Lê Văn Trí, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Minh cho biết, từ khi tham gia làm du lịch, đời sống của nhiều hộ dân Cồn Chim được cải thiện đáng kể, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Sau hơn 2 năm hoạt động, điểm du lịch Cồn Chim đã đón hơn 22.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Doanh thu của các hộ dân làm du lịch đạt hơn 4,1 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của người dân ở Cồn Chim đạt 61 triệu đồng/người/năm, tăng 13 triệu đồng/người/năm so với năm 2019.
Tiếp bước thành công từ mô hình du lịch "thuận thiên" Cồn Chim, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch tiếp tục hỗ trợ tỉnh Trà Vinh xây dựng điểm du lịch "tự thân" Cồn Hô tại xã Đức Mỹ, huyện Càng Long hoạt động từ 26/10/2020.
Cồn Hô có diện tích tự nhiên hơn 22 ha, với 24 hộ dân, 49 nhân khẩu sinh sống. Cồn Hô cũng được bao bọc bởi dòng sông Cổ Chiên, được thiên nhiên tạo cho lợi thế về tài nguyên phù sa cùng hệ thực vật phong phú… Đến nay, Cồn Hô vẫn là địa phương "không điện, không đường, không trường, không trạm".
Điểm nhấn của điểm du lịch này là tinh thần "tự thân" của người dân địa phương với cuộc sống. Đến Cồn Hô, du khách được trải nghiệm tour ban đêm, đèn dầu soi lối nhỏ, thả bộ trên con đường đất dưới ánh trăng sao, trò chuyện bên bếp lửa hồng, thưởng thức những món quà quê thơm thảo, bình dị bên ngọn đèn dầu.
Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình, phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới là 2 nhiệm vụ trọng điểm của tỉnh hiện nay, tác động tích cực lẫn nhau. Chương trình xây dựng nông thôn mới giúp nếp sống, cảnh quan và cơ sở vật chất hạ tầng địa phương ngày càng hoàn thiện, góp phần hình thành và nâng cao chất lượng của các dịch vụ, sản phẩm và trải nghiệm du lịch tại địa phương. Ngược lại, phát triển du lịch góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc tăng thu nhập, tạo thêm sinh kế cho nông hộ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc sản, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch COVID-19, ngành du lịch Trà Vinh đã khởi sắc trở lại. Trong 4 tháng đầu năm, tỉnh đã đón hơn 145.000 lượt khách tham quan, tổng doanh thu đạt gần 62 tỷ đồng. Đặc biệt, các điểm du lịch Cồn Chim, Cồn Hô thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Trần Minh Thanh cho biết, để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch thuận thiên, tỉnh Trà Vinh thực thi nhiều chính sách ưu đãi. Các hộ dân tham gia làm du lịch được tiếp cận nhiều chương trình hỗ trợ trong đầu tư xây dựng phòng ở cho khách du lịch thuê (homestay), được hỗ trợ phương tiện thủy, bộ vận chuyển khách du lịch… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho người dân, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về du lịch để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.
Đơn vị cũng thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến và thương mại hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới, chủ động kết nối với các doanh nghiệp lữ hành thông qua các chương trình hội thảo, hội nghị, hội chợ liên quan để quảng bá, phát triển du lịch.
Ông Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch cho rằng, các chính sách phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh đang thực thi hiện nay là nền tảng quan trọng để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch Trà Vinh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Đây cũng là giá đỡ cho việc xây dựng quy hoạch, kêu gọi đầu tư và thương mại hóa các sản phẩm du lịch theo hướng bền vững. Thời gian tới, Viện tiếp tục phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, phát triển thêm một số mô hình du lịch gắn với triết lý "thuận thiên" trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022 này, tỉnh ra mắt thêm mô hình du lịch "Hợp điểm Cồn Trứng", xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải. Đây cũng là mô hình giới thiệu đến du khách sinh kế thích ứng linh hoạt của cư dân vùng ven biển Trà Vinh trước tác động của biến đổi khí hậu.
Thanh Hòa