Du lịch sinh thái - hướng bảo tồn bền vững các vườn chim tại Cà Mau

Du lịch sinh thái - hướng bảo tồn bền vững các vườn chim tại Cà Mau

Bên cạnh các khu bảo tồn tự nhiên, nhiều vườn chim tại Cà Mau được hình thành tự nhiên tại các hộ gia đình. Để công tác bảo tồn các vườn chim phát huy hiệu quả, tỉnh Cà Mau đã có nhiều giải pháp nhằm hài hòa lợi ích của người dân. Trong đó, phát triển mô hình du lịch sinh thái được xem là hướng đi bền vững và thực tế.

Công tác bảo tồn cần hài hòa lợi ích

Nằm trên tuyến đường Xuyên Á và cách thành phố Cà Mau khoảng 30km, những năm qua, vườn chim Tư Sự (thuộc ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) là điểm đến tham quan, du lịch ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.

Hiện, vườn chim Tư Sự được mở rộng với quy mô hơn 10ha có trên 300.000 cá thể thuộc 18 loài, trong đó có nhiều loại chim quý, nằm trong sách đỏ. Anh Trương Minh Thắng, chủ vườn chim Tư Sự chia sẻ, vườn được hình thành từ cách đây gần 20 năm, ban đầu chỉ có hơn 3ha. Thời điểm đó gia đình anh chỉ nghĩ “đất lành – chim đậu” rồi ra sức bảo vệ. Dần dần số lượng cá thể tăng lên nhanh chóng nên gia đình quyết định mở rộng diện tích vườn lên thành 6ha rồi hiện nay đã là 10ha.

Anh Thắng bộc bạch ý định làm du lịch sinh thái đã có từ rất lâu nhưng làm sao để vừa phát triển vừa không tác động tới vườn chim luôn là bài toán khó, trong khi gia đình chưa có kinh nghiệm. Gia đình luôn tâm niệm, không đánh đổi bất kỳ lợi ích kinh tế nào để thay đổi hiện trạng của vườn chim.

Để bảo tồn và phát huy có hiệu quả, huyện Thới Bình đã đề xuất tỉnh phát triển vườn chim này trở thành điểm du lịch sinh thái. Năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã tham mưu UBND tỉnh bổ sung điểm du lịch cộng đồng này vào quy hoạch du lịch của tỉnh. Sở đã tích cực phối hợp với UBND huyện Thới Bình hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ gia đình anh Trương Minh Thắng thực hiện mô hình du lịch này; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn các loài chim, hạn chế tối đa việc săn bắt, mua bán trên địa bàn; quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn xử lý môi trường, đảm bảo việc lưu trú lâu dài; tích cực thực hiện giải pháp phòng, chống dịch bệnh khi thời tiết bất thường có thể xảy ra.

Anh Trương Minh Thắng chia sẻ thêm, bên cạnh được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND huyện tạo điều kiện làm du lịch, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp làm du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện cho anh đi học hỏi kinh nghiệm ở những địa phương khác về cách làm du lịch sinh thái an toàn, thân thiện với tự nhiên. Ngành chuyên môn cũng hỗ trợ rất nhiều trong khâu cải tạo, khai thông kênh mương, vệ sinh môi trường...tạo điều kiện tốt nhất để bảo tồn, chăm sóc chim, cò của vườn.

Qua hơn 3 năm làm du lịch, mỗi năm điểm du lịch của gia đình đều thu hút hàng ngàn lượt du khách về đây tham quan, trải nghiệm. “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua lượng du khách đến vườn đã giảm khoảng 60% nhưng vẫn thu hút khoảng 1.000 lượt du khách tham quan, trải nghiệm”, anh Thắng nói, đồng thời cho biết trong năm nay gia đình sẽ xây dựng thêm khu vực homestay nhưng ở khu vực biệt lập, tách ra khỏi vườn chim. Nguồn thu từ các hoạt động du lịch không chỉ giúp đời sống kinh tế của gia đình ổn định mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Cần nhiều hơn những giải pháp quản lý, bảo vệ

Cà Mau có vị trí địa lý đặc biệt, điểm cực Nam của Tổ quốc cùng với hệ sinh thái đa dạng, hệ động thực vật phong phú và đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước. Vườn chim là một trong những mẫu đại diện cho sự đa dạng đó. Quá trình tự nhiên xưa đã hình thành nhiều vườn chim nổi tiếng trong tỉnh như vườn chim ở các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước… Các vườn chim này hình thành tự nhiên chủ yếu trên đất của dân và do hộ gia đình tự quản lý.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn thì trong những năm gần đây, diện tích rừng có phần thu hẹp, diện tích cây xanh nói chung bị giảm đáng kể do chuyển đổi sản xuất từ độc canh cây lúa sang nuôi tôm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa dược kiểm soát thật chặt chẽ, môi trường sống cho các loài chim bị suy giảm. Vì vậy, các sân chim trong tỉnh đã và đang có sự báo động về sự suy thoái cả về chất lượng và số lượng thành phần loài.

Điển hình như trường hợp xảy ra tại sân chim Đầm Dơi, một trong những sân chim lớn và nổi tiếng của vùng đất Cà Mau với diện tích trên 127 ha. Theo thống kê, trước kia, sân chim có 61 loài thực vật, 16 loài thú, 116 loài chim; trong đó, 15 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới nhưng hiện chỉ còn với số lượng rất ít. Năm 2012, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Khánh được UBND tỉnh Cà Mau cấp phép thực hiện dự án Đầu tư du lịch sinh thái kết hợp gây nuôi động vật hoang dã tại đây. Thế nhưng từ khi có giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư hầu như không thực hiện bất kỳ hạng mục, công trình nào như cam kết mà còn vi phạm nạo vét, xâm lấn diện tích rừng, với diện tích 7.350 m2... nhằm cải tạo sân chim thành đất nuôi tôm. Ngày 29/10/2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có quyết định chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với công ty.

Vườn chim nhân tạo “độc nhất vô nhị nằm” trong khuôn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phường 1, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau), được hình thành và duy trì hơn 20 năm. Tổng diện tích vườn trên 3ha, có 10.000 cá thể chim với khoảng 50 loài chim khác nhau. Đây là kết quả dẫn dụ nhân tạo để hàng ngàn cá thể chim trong tự nhiên về đây sinh sống.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển vườn. Bên cạnh mục tiêu bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái vườn chim thì công tác giữ gìn và bảo vệ môi trường tại vườn chim tránh bị ô nhiễm, không làm ảnh hưởng xấu đến dân cư đang sinh sống gần khu vực vườn luôn được đề cao. Theo đại diện Ban Quản lý Di tích tỉnh Cà Mau, đơn vị trực tiếp quản lý vườn chim, ngành chức năng đã thực hiện các giải pháp bảo tồn tại chỗ các loài hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng tại vườn chim; duy trì nuôi thuần dưỡng chim; phát triển đảm bảo cân bằng số lượng đàn chim so với sức tải của hệ thống; xây dựng vườn chim mini, tiểu cảnh, hệ thống giám sát (chòi quan sát, camera, ống nhòm hồng ngoại...) để phục vụ khách tham quan du lịch, học tập và nghiên cứu khoa học. Tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí đảm bảo các chỉ số nằm trong giới hạn cho phép, kiểm soát dịch bệnh cho đàn chim, ngăn ngừa động thực vật ngoại lai...Thực tế cho thấy, với các biện pháp bảo vệ cẩn thận, vườn chim nằm ngay giữa lòng thành phố vẫn tồn tại như là nét đặc thù quý giá. Hàng năm, nơi đây đều đón khoảng 50.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trong đó gần khoảng 50% lượt khách đến tham quan vườn chim.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau Lê Văn Hải cho biết, trước đây, địa phương có một số vườn chim lớn, quy tụ hàng trăm loài như vườn chim Chà Là (thuộc huyện Cái Nước), hay vườn chim Đầm Dơi... Hiện, các vườn chim chủ yếu thuộc sự quản lý của các hộ gia đình. Do đó, để bảo tồn đối với những vườn chim này phải có sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn cũng như cộng đồng. Để vườn chim tồn tại và phát triển tự nhiên, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai một số việc cụ thể. Trước hết là bảo vệ nghiêm ngặt bằng cách hạn chế người tiếp cận quá gần với chim, kế đến là cung cấp thức ăn, nước uống cho chim; quy hoạch bảo tồn theo hướng mở rộng thêm diện tích cho chim có môi trường sinh sôi nảy nở; đào tạo một đội ngũ nhân viên quản lý có chuyên môn; đồng thời áp dụng các phương pháp quản lý vườn chim của các nước trên thế giới.

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm