Bài 3 (bài cuối): Hoàn thiện cơ chế chính sách cho các mô hình
Đa dạng sinh học hiện là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng để phát triển du lịch, đồng thời du lịch chính là tiềm năng để hỗ trợ trở lại bảo vệ đa dạng sinh học tốt hơn. Do đó, các dự án phát triển du lịch phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến xây dựng các mô hình du lịch sinh thái đích thực tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên là việc làm cần thiết hiện nay.
Đa dạng sinh học hiện là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng để phát triển du lịch, đồng thời du lịch chính là tiềm năng để hỗ trợ trở lại bảo vệ đa dạng sinh học tốt hơn. Do đó, các dự án phát triển du lịch phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến xây dựng các mô hình du lịch sinh thái đích thực tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên là việc làm cần thiết hiện nay.
Cò, vạc và các loại chim nước về sống và kiếm ăn ở hệ sinh thái ngập nước Vân Long (Ninh Bình) vào mùa khô. Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
Những ảnh hưởng tiêu cực
Theo đánh giá của Hiệp hội các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VNPPA): Các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên được ghi nhận có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, hoạt động du lịch tại đây tuy đã có sự phát triển nhanh chóng trong thời gian vừa qua nhưng thành tựu đạt được còn rất hạn chế.
Việc khai thác du lịch tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên đã góp phần hỗ trợ thu nhập kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân địa phương; nâng cao hiểu biết, ý thức của cộng đồng và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Hoạt động này cũng đã tạo điều kiện mở rộng quan hệ, gắn kết giữa các vùng miền trên cả nước và quốc tế. Nguồn lợi thu được từ các dịch vụ du lịch được sử dụng để thực hiện các biện pháp bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tiêu biểu như Vườn quốc gia Cúc Phương.
Tuy vậy, sự phát triển của các hoạt động du lịch tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên trong một số trường hợp đã và đang gây ra các tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, giá trị văn hóa bản địa. Rõ rệt nhất là sự gia tăng mức độ sử dụng tài nguyên, tăng lượng rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động tham quan gây ảnh hưởng đến tập tính sinh hoạt của các loại động vật. Việc bẻ cành, hái hoa, dẫm đạp lên thảm thực vật ảnh hưởng đến cảnh quan tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên.
Đặc biệt, việc quản lý, kiểm soát quá trình triển khai các dự án khai thác, đầu tư du lịch thiếu chặt chẽ và nghiêm túc, không theo quy hoạch hoặc thiếu tầm nhìn dẫn đến việc đầu tư các công trình đã làm phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái, tác động tiêu cực tới tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học như tại Nha Trang (Khánh Hòa), Hà Tĩnh, Phú Yên… Ngoài ra, mâu thuẫn do việc chia sẻ lợi ích chưa hợp lý giữa các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch và cộng đồng địa phương, đã gây ra những tác động không nhỏ, giảm hiệu quả trong công tác bảo tồn.
Nhiều loại câyy nghìn năm tuổi và đặc biệt quý hiếm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (Đắk Nông) đang bị đốn hạ dần mòn nhiều năm nay. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN |
Qua kiểm tra của Tổng cục Lâm nghiệp, có 56/61 Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên tổ chức kinh doanh hoạt động du lịch sinh thái khi chưa có Đề án phát triển loại hình này. Có tới 60/61 Khu chưa có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. Sự phát triển du lịch thiếu quy hoạch một phần dẫn đến những hệ quả tiêu cực như chưa giảm thiểu các tác động đến tài nguyên và môi trường, chất lượng dịch vụ chưa cao và còn thiếu các sản phẩm du lịch sinh thái đích thực.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tồn tại và hạn chế của hoạt động du lịch sinh thái của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam, trong đó nguyên nhân đầu tiên là thiếu cơ chế chính sách và hướng dẫn để làm cơ sở triển khai hoạt động. Trong các văn bản pháp luật có liên quan đã có một số điều quy định về hoạt động, song vẫn còn thiếu các quy định và hướng dẫn chi tiết cụ thể để triển khai, như các quy định về cơ chế kết hợp kinh doanh du lịch, cho thuê môi trường rừng khi kết hợp với các công ty để triển khai du lịch, quy định về tài chính, các hướng dẫn về thu hút cộng đồng tham gia và các tiêu chí đánh giá loại hình du lịch sinh thái.
Việc thiếu các quy định và hướng dẫn chi tiết không những làm cho các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên lúng túng trong công tác triển khai, mà còn là lỗ hổng để các công ty du lịch phát triển loại hình du lịch phổ thông tại các điểm này lấy danh nghĩa là du lịch sinh thái.
Thực tế cho thấy các nhân viên, hướng dẫn viên du lịch sinh thái của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên còn thiếu và yếu về chuyên môn. Có tới 88% cán bộ chưa có đủ năng lực về xây dựng kế hoạch và triển khai du lịch sinh thái, 73% chưa có năng lực tốt về diễn giải môi trường.
Thạc sĩ Nguyễn Thùy Vân, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết: Số liệu từ Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam năm 2017 đã có bước cải thiện quan trọng, tăng 8 bậc, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017. Một số chỉ số được xếp hạng khá cao như nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có (thứ 34), tài nguyên văn hóa (thứ 30) và khả năng cạnh tranh giá cả (thứ 35)...
Tuy vậy, nhiều chỉ số liên quan đến môi trường lại đứng ở gần cuối bảng xếp hạng như mức độ bền vững về môi trường (hạng 129/136), các quy định lỏng lẻo về môi trường (hạng 115/136), mức độ chất thải (hạng 128/136), nạn phá rừng (hạng 103/136), hạn chế về xử lý nước (hạng 107/136)…Do đó, cần phải có các đánh giá cụ thể về những tác động của du lịch đến môi trường và đa dạng sinh học, trên cơ sở có những định hướng và giải pháp để phát triển du lịch hài hòa với công tác bảo tồn.
Đề xuất các giải pháp
Để thúc đẩy việc phát triển du lịch sinh thái bền vững tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) đề xuất, cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, áp dụng đồng thời từng bước các giải pháp như hoàn thiện các cơ chế chính sách, đào tạo nâng cao năng lực, tăng cường công tác phát triển sản phẩm đặc thù, đẩy mạnh hoạt động quảng bá và marketing.
Việc phát triển hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong một thời gian dài, bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp. Trước hết, việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái là rất cấp bách để không những đẩy mạnh sự phát triển, mà còn hạn chế các tác động tiêu cực từ các hoạt động du lịch phổ thông tại các các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên.
Bộ sưu tập tre là một trong những công trình thuộc Dự án “Khu bảo tồn tre gắn với Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng” tại ấp Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN |
Các cơ chế chính sách về du lịch sinh thái tại các các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên bao gồm các chính sách về định giá môi trường rừng, chính sách sử dụng nguồn thu, chính sách góp vốn liên doanh - liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái và bộ tiêu chí đánh giá loại hình du lịch sinh thái đích thực. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản để phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái của các các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên, như việc xây dựng các trung tâm du khách, nhà nghỉ sinh thái và các công trình phụ trợ khác theo hướng sinh thái.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng phải được thể hiện rõ trong dự án và đề án phát triển du lịch sinh thái, cần được cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt một cách nghiêm túc nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến tài nguyên và sinh cảnh khi thi công, cũng như trong quá trình vận hành. Các nghiên cứu cũng đưa ra sự cấp bách của việc nâng cao nghiệp vụ du lịch của các các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên để nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu chính đáng của các du khách. Việc đào tạo năng lực cho các cán bộ chuyên trách về du lịch, có thể kết hợp bài học kinh nghiệm phát triển du lịch tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên bằng nhiều giải pháp khác nhau, như cử đi đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ hoặc thông qua các chương trình tập huấn ngắn ngày.
Đồng thời tăng cường sự tham gia và hưởng lợi của cộng đồng địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, trong hoạt động du lịch sinh thái của các các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên. Để thực hiện được mục tiêu này, cần ban hành các cơ chế và hành động thiết thực nhằm khuyến khích sự tham gia và chia sẻ lợi ích trong hoạt động du lịch như làm việc cho các các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên, hoặc trực tiếp cung cấp các dịch vụ du lịch ăn. nghỉ, vận chuyển, hướng dẫn và bán nông sản địa phương cho du khách.
Một giải pháp hết sức quan trọng mà các các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên phải triển khai ngay, để phát huy các tiềm năng sẵn có và tăng cường sự cuốn hút với du khách, đó là phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù. Tùy theo tiềm năng và điều kiện thực tế, mỗi các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên nghiên cứu, phát triển và xây dựng các sản phẩm phù hợp. Chẳng hạn như các tour xem chim, xem thú, tham quan các hệ sinh thái và cảnh quan đặc trưng, các hoạt động tình nguyện gắn với công tác bảo tồn. Đây là điểm mấu chốt để làm nổi bật hoạt động du lịch sinh thái tại các các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên, song đến nay ngoài một vài Vườn như Cúc Phương, còn đa số vẫn chưa được thực hiện tốt.
Bên cạnh các hành động quan trọng nêu trên, các các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên của tăng cường công tác quảng bá du lịch, quy hoạch phát triển du lịch cho hệ thống, áp dụng các công nghệ xanh và giải pháp giảm thiểu tác động của hoạt động du lịch đến tài nguyên thiên nhiên, hoàn thiện các nội quy và quy định nghiêm ngặt trong hoạt động du lịch sinh thái... để tiến tới hình thành các mô hình du lịch sinh thái đích thực tại các các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.
Trong thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang và sẽ triển khai một số nghiên cứu và chương trình như: Tuyên truyền, triển khai ứng dụng mô hình bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường qua việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thải khí nhà kính; Nghiên cứu sức chịu tải môi trường tại các khu du lịch; Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (chương trình nghiên cứu trọng điểm của Bộ 2019-2020)…
Các chương trình và hoạt động nên trên sẽ đóng góp rất lớn trong việc quản lý hoạt động du lịch tại các các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên, theo hướng ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học và sự phát triển bền vững cho các hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu những tác động tiêu cực...
Văn Hào
TTXVN