Du lịch đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 2)

Du lịch đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 2)
Bài 2: Đưa tuyến buýt sông thành kênh quảng bá du lịch đường thủy
 
Từ câu chuyện thực tế
Vào tháng 11/2017, tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) với tổng chiều dài gần 11 km, có 9 trạm lên xuống đón trả khách nằm ở các quận 1, 2, Bình Thạnh, Thủ Đức… đã được đưa vào hoạt động với 3 tàu chở khách.
Du khách trải nghiệm tham quan Thành phố Hồ Chí Minh bằng ca nô. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Du khách trải nghiệm tham quan Thành phố Hồ Chí Minh bằng ca nô. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Ngay thời điểm đó, tuyến buýt sông được một chuyên gia về lĩnh vực giao thông, du lịch và người dân đánh giá hoạt động này không chỉ là giải “phương thức vận tải mới” giúp giảm tải cho giao thông đường bộ, nâng cao năng lực vận tải hành khách mà còn là một “sản phẩm du lịch mới” của Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Việc xem là một “sản phẩm du lịch mới” là có cơ sở khi tuyến buýt sông được trang bị phương tiện mới, hiện đại, tiện nghi, an toàn, rút ngắn thời gian di chuyển…

Theo các chuyên gia ngành du lịch, đây được xem như là cách trang bị phương tiện mới nhằm khai thác tài nguyên vốn cũ để tạo ra sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn đối với du khách.
 
Tuy nhiên, sau thời gian đưa vào hoạt động tuyến buýt đường sông này, thực tế cho thấy nếu mục đích chính của buýt sông Sài Gòn là vận tải thì vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ, còn nếu mục đích là du lịch đường thủy cũng không đạt được sứ mệnh.
 
Thạc sĩ Trần Thị Bích Thủy, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trừ bến chính là bến Bạch Đằng (Quận 1) được đầu tư bài bản, khang trang, lịch sự, tiện nghi, những trạm dừng còn lại đều có hạ tầng chưa tốt và đặc biệt là thiếu tính kết nối để làm tròn các vai trò nói trên.
 
Hầu như khách đi đều chỉ với mục đích trải nghiệm một lần cho biết, còn nếu phục vụ cho việc dân sinh thì còn rất bất tiện, tốn nhiều thời gian. Vì sau khi mua vé đi tàu buýt sông phải đợi gần 2 giờ mới có thể lên tàu và trạm dừng khá xa những dịch vụ cần thiết”, Thạc sĩ Trần Thị Bích Thủy nhìn nhận.
 
Quả thật, trong chuyến đi thực tế trải nghiệm tuyến buýt sông vào giữa tháng 7 vừa qua, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi nhận được nhiều ý kiến của nhiều hành khách.

Du khách Nguyễn Văn Vương, 38 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, nhìn nhận ngoài một số hình ảnh tòa nhà cao tầng của thành phố, hầu hết cảnh quan đôi bờ dòng sông Sài Gòn đa phần còn nhếch nhác, không hấp dẫn, không tạo điểm nhấn cho người dân, du khách và tại hệ thống trạm bến không thuận lợi cho việc kết nối giao thông thủy - bộ.
 
Còn bà Trần Thu Diệu, 45 tuổi, ngụ ở Quận 10, đặt vấn đề là tại sao các nhà làm du lịch trên bộ lẫn đường thủy không kết hợp với nhau để làm một tour phục vụ du khách. Chẳng hạn như khu du lịch Bình Quới Thanh Đa (quận Bình Thạnh) phối hợp với buýt sông để đưa đón khách vào khu du lịch tham quan với nhiều chương trình đặc sắc.
 
Tôi chọn đi buýt sông là vì muốn trải nghiệm, khám phá sông nước Sài Gòn vì tôi biết Làng du lịch Bình Quới của đơn vị Saigontourist cũng đã khai thác du lịch đường sông từ năm 2017. Từ buýt sông sẽ có trải nghiệm riêng, sau đó du khách được đưa đón vào Làng du lịch Bình Quới như là một trạm dừng chân để nghỉ ngơi, tham gia các chương trình ẩm thực đặc sắc và tiếp tục khám phá tour du lịch đường sông khác nữa thì có phải hay hơn không?”, bà Trần Thu Diệu góp ý.
Ca nô đưa du khách tham quan Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu – TTXVN
Ca nô đưa du khách tham quan Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu – TTXVN

Định vị để phát triển
Hầu hết những hành khách trên chuyến buýt sông được hỏi đều có chung một câu trả lời là đi để trải nghiệm, tìm hiểu về con sông Sài Gòn, những biến đổi cảnh quan theo chiều dài kịch sử hơn 300 năm của Gia Định - Sài Gòn ra sao.

Với những chia sẻ của những hành khách nói trên đã cho thấy cần phải định vị cho đúng vai trò của buýt sông và những cái thiếu cần phải đầu tư để tuyến buýt sông này phát huy hiệu quả đa mục tiêu.
 
Về mục tiêu ban đầu, tuyến buýt sông ra đời là nhằm tạo ra phương thức vận tải hành khách mới, “chia lửa” cho vận tải đường bộ ngày càng quá tải và đây cần được xem là mục tiêu chính của loại hình vận tải này.

Tuy nhiên, từ thực tế nêu trên, những vấn đề kết nối các phương tiện, thời gian vận chuyển hành khách cần được nhà nước và doanh nghiệp khai thác tuyến buýt sông tiếp tục nghiên cứu để làm sao tăng tính tiện lợi, đáp ứng nhu cầu người dân để lựa chọn phương thức vận tải này thay thế cho đường bộ.
 
Còn ở góc độ xem tuyến buýt sông là một “sản phẩm du lịch mới” là chưa chính xác, gây nhầm lẫn và sẽ gây tác động xấu trong quá trình xây dựng loại hình du lịch đường thủy của Thành phố Hồ Chí Minh.

Bởi qua quá trình hoạt động của buýt sông có thể thấy được loại hình này nên xác định sẽ gánh vác thêm vai trò là một kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm du lịch của thành phố trong hiện tại và tương lai.
 
Chẳng hạn như tuyến buýt sông Bạch Đằng - Linh Đông nên cung cấp thông tin quảng bá về những sản phẩm du lịch tại bán đảo Thanh Đa.

Trong tương lai, thành phố sẽ có nhiều tuyến buýt sông nữa đi toàn bộ các lưu vực của sông Sài Gòn sẽ đóng vai trò quảng bá sản phẩm du lịch ở những nơi đi qua.
 
Điều này rất phù hợp với Kế hoạch số 3546/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy thành phố giai đoạn 2017 - 2020 sẽ tập trung một số tuyến đường thủy xuất phát từ bến Bạch Đằng, bến Cầu Mống và bến cảng Sài Gòn - Khánh Hội (quận 1) đi các tuyến du lịch trong thành phố và các tỉnh miền Đông như: Bình Dương, Đồng Nai và các tuyến miền Tây Nam Bộ.
 
Như vậy để từng bước thực hiện được vai trò tích hợp của phương thức vận tải buýt sông, dựa trên Kế hoạch 3546, thành phố cần sớm nghiên cứu và bổ sung vai trò của các tuyến buýt sông vào chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đường thủy đến năm 2030.
 
Ở góc độ khác, việc phát triển thành phố hiện đại nhưng vẫn bảo tồn không gian ven sông cũng như những di sản nằm ven lưu vực, chi lưu sông Sài Gòn cũng cần được nghiên cứu để không chỉ tuyến buýt sông hiện tại cũng như trong tương lai phát huy tốt các vai trò nêu trên mà góp phần đẩy mạnh các sản phẩm du lịch đường thủy của Thành phố Hồ Chí Minh./.
  Anh Đức - Việt Âu
  Bài cuối: Giữ gìn di sản ven sông để phát triển du lịch
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm