Ngày 22/10, Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng một số đơn vị khởi xướng chuỗi hội thảo "Đi tìm diện mạo du lịch an toàn". Đây là chuỗi hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong ngành Du lịch, nhằm tìm ra những giải pháp, sáng kiến có thể ứng dụng vào thực tế để phát triển du lịch an toàn trên khắp cả nước.
Tại hội thảo đầu tiên được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng Phòng Lữ hành, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây, các doanh nghiệp ngành Du lịch có khởi sắc và từng bước đẩy mạnh sản phẩm, dịch vụ du lịch nội địa.
Tuy nhiên, để vực dậy ngành Du lịch cần những giải pháp đổi mới sáng tạo, xác định điểm đến, sản phẩm, dịch vụ an toàn... Cụ thể, du khách có tâm lý thay đổi theo xu hướng bình thường mới, trong đó ưu tiên hàng đầu là tiêu chí an toàn chứ không phải giá cả.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần chú trọng truyền thông để thông tin, quảng bá du lịch đến du khách và làm mới thị trường. Điển hình, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu không chỉ là điểm trung chuyển du khách mà còn là địa phương hút khách đến du lịch; nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng trong kích cầu du lịch là sản phẩm, dịch vụ phải hấp dẫn, bởi nếu chỉ an toàn mà không hấp dẫn cũng không thể có du khách.
Ở góc nhìn của một đơn vị tư vấn và nghiên cứu về thị trường du lịch, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting cho hay, những lo lắng cốt lõi hiện nay của du khách khi đi du lịch vẫn là nhiễm bệnh và bị cách ly. Vậy làm sao để giảm thiểu sự lo lắng của du khách là vấn đề quan trọng và cũng là câu hỏi lớn cho ngành Du lịch toàn cầu, chứ không riêng tại thị trường Việt Nam.
Theo khảo sát của Outbox Consulting, số lượng du khách tham gia khảo sát lo lắng nhất khi chọn điểm lưu trú là yếu tố vệ sinh - an toàn chiếm 92%; sẽ không đi du lịch nếu họ bị tiến hành cách ly tại điểm đến (83%); cách ly có rủi ro ngang bằng với việc nhiễm virus gây COVID-19 (83%); việc công khai và làm theo tiêu chuẩn an toàn của Chính phủ là điều quan trọng (79%)...
Một số chuyên gia cho rằng, ngành Du lịch khó đảm bảo du khách không vướng phải những lo lắng này, nhưng có thể giảm thiểu bằng giải pháp xét nghiệm nhanh, thúc đẩy du lịch nội địa, hành lang du lịch... Đặc biệt, ngành Du lịch nên khẩn trương thiết lập Bộ tiêu chuẩn an toàn chung và công khai minh bạch để nâng cao năng lực cạnh tranh cho thị trường du lịch Việt Nam.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại Việt Nam, việc khống chế dịch bệnh đang tiến triển tốt. Do đó, đây là thời điểm tốt để ngành Du lịch Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng khi quay trở lại, dù biết rằng còn rất khó khăn. Mặt khác, doanh nghiệp không thể chờ dịch bệnh triệt tiêu hoàn toàn mà cần hành động để tồn tại./.
Mỹ Phương