Du khách ấn tượng với sản phẩm du lịch đặc trưng của Đắk Lắk

Du khách cùng người dân bản địa giao lưu trong không gian cồng chiêng Tây Nguyên tại Khu du lịch sinh thái Ako-Ea. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Du khách cùng người dân bản địa giao lưu trong không gian cồng chiêng Tây Nguyên tại Khu du lịch sinh thái Ako-Ea. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Ngày thứ hai trong kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch (31/12), tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đón hàng ngàn lượt du khách tham quan. Đặc biệt, nhiều du khách ấn tượng, thích thú khi trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc trưng liên quan đến văn hóa cà phê và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên Cao nguyên Đắk Lắk.

Du khách ấn tượng với sản phẩm du lịch đặc trưng của Đắk Lắk ảnh 1Biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách tại Khu du lịch sinh thái Ako-Ea. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Ghi nhận tại Buôn du lịch cộng đồng Akŏ Dhông ở thành phố Buôn Ma Thuột, ngay từ sáng sớm, các đoàn khách trong và ngoài nước đã đến khám phá, tìm hiểu đời sống văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, thưởng thức cà phê… của đồng bào Êđê; trực tiếp trải nghiệm Lễ Cúng mừng sức khỏe tại Khu du lịch sinh thái Ako-Ea. Đây là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Êđê, thể hiện sự tôn kính, hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ; cầu mong các đấng thần linh, ông bà tổ tiên chở che, phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, thành đạt.

Bà Nguyễn Lâm Anh, du khách Hà Nội chia sẻ: Thời tiết nắng nhẹ kèm se lạnh trong ngày cuối năm ở Buôn Ma Thuột rất “chiều lòng” người. Trong khung cảnh mang đậm không gian văn hóa của đồng bào Êđê, du khách có dịp tìm hiểu những điều mới lạ, thú vị, như: tham quan kiến trúc nhà dài; dùng cà phê tại thủ phủ cà phê Việt Nam; thưởng thức các món ăn truyền thống… Đặc biệt, du khách được trực tiếp trải nghiệm Lễ Cúng mừng sức khỏe của người Êđê trong không gian văn hóa đậm chất Tây Nguyên, với âm vang cồng chiêng rộn rã, cùng những nghi thức cúng, uống rượu cần, nhảy múa và giao lưu với người dân bản địa.

Du khách ấn tượng với sản phẩm du lịch đặc trưng của Đắk Lắk ảnh 2Du khách cùng người dân bản địa giao lưu trong không gian cồng chiêng Tây Nguyên tại Khu du lịch sinh thái Ako-Ea. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Bảo tàng Thế giới Cà phê cũng là địa điểm được đông đảo người dân, du khách tìm đến để tham quan, tìm hiểu. Ngoài trưng bày hiện vật, giới thiệu tri thức cà phê của toàn cầu, bảo tàng đã chỉnh trang, bố trí thêm các khung cảnh mùa Xuân; tổ chức các hoạt động thể hiện đời sống văn hóa các dân tộc bản địa để phục vụ nhu cầu của người dân, du khách.

Thích thú với hiện vật liên quan đến lịch sử cà phê, ông Trương Văn Nam, du khách tỉnh Hậu Giang cho biết: Là một người rất đam mê tìm hiểu và thưởng thức cà phê, tới đây, ông được thỏa sức tìm hiểu về lịch sử cà phê thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, thưởng thức cà phê tại thủ phủ cà phê Việt Nam (thành phố Buôn Ma Thuột) đem lại cảm giác rất khác biệt. Ông Trương Văn Nam hy vọng tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quan tâm, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù liên quan đến văn hóa cà phê và quảng bá hình ảnh, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc anh em nhằm phát triển du lịch theo hướng hiện đại, mang màu sắc riêng của vùng đất.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, năm 2023, tỉnh đón khoảng 1,16 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch ước đạt 925 tỷ đồng. Năm 2024, Đắk Lắk phấn đấu thu hút 1,2 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tổng doanh thu du lịch ước đạt 950 tỷ đồng. Để phục vụ tốt nhất và để lại ấn tượng trong lòng nhân dân, du khách, ngành Du lịch đã đề nghị các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú trên địa bàn và các đơn vị lữ hành tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất, chỉnh trang, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm