Sau khi báo chí trong những ngay qua liên tục phản ánh dự án Xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít đang triển khai thi công đã xâm phạm nghiêm trọng đến di tích cấp quốc gia này, chiều 11/3, liên Sở Văn hóa và Thể thao - Sở Xây dựng Bình Định đã ra thông cáo báo chí giải thích, trả lời một số vấn đề liên quan. Tuy nhiên, nhiều nội dung báo chí phản ánh vẫn chưa được làm rõ.
Trả lời báo chí có ổn thỏa?
Thay vì mở cuộc họp báo để trả lời cụ thể những câu hỏi liên quan đến dự án Xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít thì liên Sở Văn hóa và Thể Thao - Sở Xây dựng Bình Định lại ra một thông cáo báo chí. Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí này có rất nhiều vấn đề chưa thật sự rõ ràng, ổn thỏa.
Thông cáo nêu ra việc nhà thầu đã sử dụng máy đào là để múc các bụi rậm hai bên Tháp Cổng nhằm phát quang bụi rậm, lùm cây xung quanh tháp để làm cho thông thoáng. Trong khi đó, tại Văn bản số 4014/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã lưu ý tại dự án này rằng: đối với cây xanh hiện có, chỉ cắt tỉa cành khô, không phát quang hạ thấp tán cây.
Đối chiếu hình ảnh Tháp Bánh Ít tại thời điểm trước Tết Nguyên Đán năm 2022 và hình ảnh Tháp Bánh Ít mới đây cho thấy, hai bên Tháp Cổng có nhiều cây xanh với tán cao chứ không phải là bụi rậm. Như vậy, nhà thầu thi công sử dụng máy đào để chặt phá các tán cây (không phải là bụi rậm như thông cáo báo chí) là vi phạm thỏa thuận với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Về việc đào bới, san lấp đã tạo nên một số hố rỗng ở chân Tháp Cổng, thông cáo báo chí nêu lý do rằng: có thể do nhiều lần tu bổ trước đây việc đầm lèn không kỹ, nên qua thời gian bị sụt đất, lộ chân tháp. Tuy nhiên tại hiện trường, phóng viên ghi nhận những hố rỗng xuất hiện ở chân Tháp Cổng với nhiều dấu tích rất mới do quá trình đào xới đất để lại.
Đối với bồn hoa xung quanh chân tháp, thông cáo báo chí cho biết, theo hồ sơ thiết kế thì vật liệu xây dựng hạng mục này là gạch không nung, đúng quy định công trình sử dụng vốn ngân sách. Nhà thầu triển khai đúng thiết kế, tuy nhiên nhà thầu thấy màu trắng xám của gạch không nung "sợ phản cảm", trong thời gian chờ đợi ốp đá ong đã sơn tạm màu gạch, khi nhìn vào dễ nhầm lẫn là đã hoàn thiện. Câu trả lời trên chỉ giải thích về màu gạch mà không nêu được lý do vì sao lại xây dựng bồn hoa quanh chân tháp; còn hạng mục công trình này có nằm trong thiết kế đã được phê duyệt hay do nhà thầu tự ý thi công thì chưa rõ.
Về việc tháo dỡ tấm đan bê tông trên sân Tháp Chính bằng máy đào, thông cáo báo chí giải thích vì tấm đan bê tông này rất dày nên nếu không dùng cơ giới sẽ không thực hiện được. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc phá bỏ tấm bê tông này hoàn toàn có thể sử dụng các dụng cụ khác không làm ảnh hưởng nếu có hiện vật nằm bên dưới.
Cũng trong thông cáo báo chí, Sở Văn hóa và Thể thao xin tiếp thu và rút kinh nghiệm sâu sắc, sẽ chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến việc xây dựng công trình của nhà thầu thi công mà báo chí đã phản ánh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, tổ chức, đặc biệt là trách nhiệm chủ đầu tư dự án này là Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định.
Ngoài những nội dung trên, báo chí cũng đã nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến dự án Xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít, như: Vì sao khi phát hiện hiện vật vẫn không cho dừng thi công để khai quật? Nhà thầu thi công có đủ năng lực thi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích này hay không? Dự án này có được lấy ý kiến tham vấn của chuyên gia trước khi triển khai thi công hay không, có được thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích theo Luật Di sản văn hóa hay không? Công trình thi công di tích này được đóng cổng từ ngày 5/3-5/4 tạm dừng đón khách tham quan, ngăn cản phóng viên vào tác nghiệp, không cho người dân vào giám sát là đúng quy định hay không?
Tuy nhiên, thông cáo báo chí được liên Sở Văn hóa và Thể thao - Sở Xây dựng đưa ra vào chiều 11/3 hoàn toàn không đề cập đến những vấn đề này.
Cần gìn giữ vẻ đẹp hoang sơ của Tháp Chăm
Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Bình Định cho biết, các công trình tháp Chăm tại Bình Định nói chung và Tháp Bánh Ít nói riêng không chỉ tạo ấn tượng cảm xúc cái đẹp ở biểu tượng hình thù, những chạm trổ điêu khắc trên nền tháp, cánh tháp, hay kỹ thuật xây dựng chất liệu gạch đá mà còn lôi cuốn ở cái rêu phong bào mòn thấm đẫm màu thời gian và cái sừng sững đã ngàn năm như từ lòng đất ngoi vút lên bầu trời.
“Cái đẹp của một tác phẩm hay công trình nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc không chỉ nằm ở khối hình tự thân mà cả phần đế, bục, bệ nâng đỡ chúng. Chất liệu, màu sắc từ tác phẩm đến đế, bục, bệ phải được xem xét giải quyết hài hòa, tôn bật các giá trị nội dung nghệ thuật. Giá trị nghệ thuật đặc biệt của Tháp Bánh Ít nằm ở chỗ ngọn đồi đơn sắc nâng đỡ cụm 4 tháp to nhỏ, cao thấp, vừa giống nhau vừa khác nhau tạo nên nhịp điệu duyên dáng quyến rũ giữa không gian bầu trời”, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa nói.
Thế nhưng, qua theo dõi hình ảnh trên báo chí trong những ngày qua về dự án Xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa nhận thấy có rất nhiều thứ chất liệu và sắc màu đã được phủ lên nền đồi và đế tháp tại cụm di tích Tháp Bánh Ít.
Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa cho rằng, việc can thiệp “thô bạo” vào ngọn đồi cụm Tháp Bánh Ít đã phá vỡ nhịp điệu quyến rũ tự nhiên vốn có ở tổng thể công trình tháp. Nếu nhìn từ trên cao xuống, ta thấy ngọn đồi như đang bị “xẻ thịt” ra từng mảng chuyển động vừa cứng nhắc vừa rối rắm.
“Chắc họ cho rằng việc cho xe múc san bằng lát nền, rải sỏi, sơn phết, trồng hoa lá sẽ tôn tạo nổi bật thêm di tích. Tôi cảm thấy có bóng dáng thẩm mĩ tôn tạo quảng trường bằng phẳng vuông vứt khô khan, thẩm mĩ công viên màu mè hoa lá, thẩm mĩ sơn trét vật liệu của các hàng quán đang áp lên bề mặt di tích. Quả thật việc khai thác, tôn tạo di sản nghệ thuật phát triển du lịch như cách họ đang làm rất có vấn đề, khó chấp nhận. Họ động vào cái nghìn năm linh thiêng thật mơ hồ chủ quan trong việc sử dụng, dẫn dắt cái đẹp nguyên vật liệu; không thấy có biểu hiện cảm xúc chất liệu khi tôn tạo, thiếu sự hiểu biết chuyên môn thị giác trong việc mổ xẻ tỉ lệ, chuyển động những hình mảng. Đây là sự tôn tạo cảm tính, rất không chuyên nghiệp”, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cho biết, trước đây khu vực đồi nơi có Tháp Bánh Ít mang vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí. Tuy nhiên, qua những lần trùng tu, tôn tạo, ngọn đồi bắt đầu được trồng cây, được xây dựng con đường chính lên tháp với các bậc thang bằng đá chẻ đã làm mất đi vẻ đẹp của tháp. Đến dự án Xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít triển khai thi công, toàn bộ cảnh quan nơi này đã bị phá vỡ. Nếu không kịp thời thay đổi phương thức, chất liệu xây dựng, tu bổ thì việc xâm hại đến di tích là khó tránh khỏi.
Tường Quân