Bài 5: Nuôi dưỡng chính sách
5 năm, quãng đường chưa dài để thử nghiệm một chính sách mới, nhưng cũng đủ để nhìn nhận những gì mà Dự án 600 Phó Chủ tịch xã mang lại cho 580 xã thuộc 64 huyện nghèo 30a và rút ra bài học cho quá trình tiếp theo.
Luồng gió mới về các xã nghèo
Điều không thể phủ nhận, đó là các trí thức trẻ đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ chính quyền cơ sở; thay đổi nhận thức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cũng như từng bước thay đổi lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức cấp xã; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, góp phần thay đổi phương thức điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan UBND xã. Các đội viên đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tham mưu, đề xuất thực hiện công tác khai hoang, phục hóa, mở rộng đất sản xuất, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác di dân tái định cư, sinh đẻ có kế hoạch; đấu tranh với tiêu cực, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, tập quán lạc hậu…
Được giao việc, được trao quyền, nhiều đội viên đã tạo được sức bật mạnh mẽ. Trong 5 năm qua, đã có 351 đội viên chủ động tham mưu, đề xuất và trực tiếp triển khai hiệu quả 822/834 chương trình, kế hoạch, đề án, mô hình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Điển hình như sáng kiến thay đổi phương thức canh tác trên đất dốc bằng tạo ruộng bậc thang cho người dân của đội viên Lò Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Từ việc năm 2012 trên địa bàn chưa có ruộng bậc thang, đến năm 2016, xã đã có 15 ha ruộng bậc thang sản xuất được lúa nước 2 vụ, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Hay Đề án đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học và giáo dục kỹ năng sống trong học sinh của Cháng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Đến nay, sáng kiến này đã được đưa vào giảng dạy trong trường Tiểu học và Trung học Cơ sở tại xã…
Thông qua việc triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, sáng kiến, mô hình, dự án, đã nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi nhận thức của người dân trong việc thay đổi phong tục, tập quán sản xuất, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Mùa A Vảng nhìn nhận, Dự án triển khai trong thời gian chưa phải là dài, không thể chuyển biến tích cực tất cả các mặt ở các xã khó khăn, điều dễ thấy là các trí thức trẻ không chỉ đem kiến thức của mình để hướng dẫn bà con trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, mà còn mang lại phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học hơn.
Nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, các trí thức trẻ như một luồng gió mới thổi về các địa bàn khó khăn. Với sức trẻ và sự năng động, các Phó Chủ tịch xã này đã làm giảm sức ỳ, tính ỷ lại, chậm chạp của đội ngũ cán bộ cơ sở, tạo sự nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
“Tôi đến xã Pá Hu (Trạm Tấu – Yên Bái), Bí thư Đảng ủy xã nói, xã tôi từ ngày có đội viên dự án về là xã lần đầu tiên cán bộ, công chức đi làm đúng giờ”, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban Quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, chia sẻ một thực tế.
Nếu như trước đây, cán bộ xã Pá Hu 9 giờ mới đến cơ quan, 10 – 10 giờ 30 đã về, chiều có việc mới đến, không thì ở nhà, nay, do Phó Chủ tịch xã gương mẫu đi làm đúng giờ, vận động, đôn đốc, nhắc nhở nên việc đi làm đúng giờ đã trở thành nề nếp, lề lối. Nhìn rộng ra, sau 5 năm, Dự án đã đào tạo được một lớp cán bộ trưởng thành năng động ở cơ sở.
Còn đó những băn khoăn
Cũng phải công tâm mà nói rằng khi Dự án ra đời, không phải mọi việc đều “xuôi chèo, mát mái”. Vẫn còn đó những băn khoăn về sức trẻ và khả năng cống hiến. “Lực cản” đầu tiên, đó là tính cục bộ ở một số địa phương và tư duy trì trệ vẫn còn mang nặng trong bộ máy ở cơ sở.
Theo ông Vũ Đăng Minh, rào cản lớn nhất trong việc đưa trí thức trẻ về, đó là địa phương không ủng hộ, cho rằng người trẻ không có kinh nghiệm, không có khả năng, chỉ về làm việc “phụ” nên có những đội viên khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ do không được ủng hộ, không được giao việc. “Cũng phải nói sòng phẳng cũng có một vài địa phương chưa thực sự tin tưởng lắm nên cũng có khó khăn”, ông Minh nói.
Thậm chí, cho đến thời điểm kết thúc Dự án (30/6), vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở, khi còn 148/580 đội viên chưa thể bố trí. Mặc dù chỉ đạo của Chính phủ, chủ trương của Bộ Chính trị, sau khi kết thúc dự án, địa phương nào còn biên chế sẽ ưu tiên bố trí đội viên chuyển tiếp vào các vị trí công tác. 9 tỉnh còn lúng túng trong bố trí, triển khai, đặc biệt là Hà Giang và Thanh Hóa, mà theo ông Vũ Đăng Minh, là do sự chỉ đạo của tỉnh tới huyện chưa đồng nhất.
Ở Hà Giang, có huyện còn biên chế nhưng không thực hiện bố trí cho đội viên mà lại tổ chức tuyển dụng chung trong biên chế công chức của tỉnh. Nhiều đội viên hiện không được hưởng lương, dù quỹ lương đã được Bộ Tài chính tính toán bố trí trả cho các đội viên đến hết tháng 12/2017 nếu chưa bố trí được vị trí công tác mới. “Giữa huyện và tỉnh đùn đẩy, đánh cờ với nhau, không mạch lạc”, ông Minh nói.
Vẫn còn đó những tư duy nhiệm kỳ, lãnh đạo địa phương nhiệm kỳ trước làm rất tốt, tâm huyết, nhưng khi chuyển công tác, người sau lên có tư tưởng không thừa nhận, như ông Minh nói, “sản phẩm của các bác trước, các bác đi mà dùng. Thậm chí còn sợ mang tiếng, ảnh hưởng đến mình”. Một số địa phương thực hiện chưa đúng tinh thần quy hoạch, có địa phương theo quy hoạch nhưng khi bố trí sử dụng lại chiếm tỷ lệ rất thấp.
Phải biết lắng nghe và chia sẻ
Song, nói đi cũng phải nói lại, việc được trao quyền hay không, có tồn tại, trụ vững và được ghi nhận ở địa phương hay không, phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của từng đội viên. Nếu như sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền xã đối với đội viên là yếu tố vô cùng quan trọng, là điều kiện “cần”, sự nỗ lực của đội viên là chính điều kiện “đủ”.
Nguyễn Thị Hằng, chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Sìn Hồ, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết, khi triển khai thực hiện một công việc, kế hoạch nào đó đừng cho là mình đúng mà hãy tham khảo ý kiến của mọi người, xin ý kiến của người dân và học hỏi từ dân, hãy “nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”. Không nên hứa trước một vấn đề gì với người dân để tránh việc mất lòng tin trong nhân dân; không nên nóng vội trong giải quyết công việc, cần kiên nhẫn, bình tĩnh và mềm dẻo, nhạy bén khi giải quyết công việc; tiếp xúc, trao đổi với người dân cần chân thành. Theo Hằng, là người từ nơi khác đến một môi trường mới, miền quê khác, cần hòa đồng với mọi người, chia sẻ những khó khăn nơi mình đến và hòa nhập với cuộc sống mới; lắng nghe ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; hiểu rõ về tính cách, quan điểm của từng cán bộ, công chức xã, đặc biệt là các lãnh đạo xã để tham mưu có hiệu quả các lĩnh vực được giao.
Còn Nguyễn Anh Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hạn chế của đội viên là kinh nghiệm còn non, có người mang “cái tôi” của mình, ra vẻ là có trình độ đại học trong khi cán bộ ở địa phương chỉ có trình độ trung cấp, nên rất khó tiếp cận và hòa đồng. Khoa thẳng thắn chỉ ra tính cục bộ địa phương “một số nơi có con em người địa phương, người ta không muốn mình chia một suất”. Điều quan trọng là đội viên phải biết cách dung hòa.
“Dù sao vẫn có cục bộ, họ biết mình làm được, có thể giúp họ nhưng đó là yếu tố công việc thôi, họ vẫn muốn người của họ, còn yếu tố tình cảm, địa phương, dân tộc nên về không hòa được với địa phương là chết”, Khoa bộc bạch.
Ông Vũ Đăng Minh cũng cho rằng không phải chỉ “đổ” cho xã mà bản thân một vài đội viên chưa thực sự cố gắng, quyết liệt, vào cuộc cũng chỉ mức độ nên địa phương cũng “tâm tư”.
Để chính sách đi tiếp
Có thể nói Dự án 600 Phó Chủ tich xã vừa là phép thử về niềm tin với lớp trí thức trẻ, vừa là phép thử về chính sách, để bước tiếp một chặng đường mới. Những bài học rút ra sau Dự án sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ. Rất nhiều lãnh đạo địa phương trong vùng dự án đều cho rằng cần tiếp tục thực hiện việc tăng cường nguồn nhân lực trẻ có trình độ về các xã nghèo, phải coi đây là việc làm thường xuyên, nhưng cần cho các em có giai đoạn tập sự, thử thách.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Dương Văn Tiến, các đội viên nên có thời gian thử thách 1 – 2 năm để học hỏi, xem năng lực lãnh đạo có vai trò đầu tàu không mới bầu, bổ nhiệm. Để đảm bảo tính bền vững, cần ưu tiên tuyển chọn bồi dưỡng, đào tạo người địa phương ngay từ khi trong trường phổ thông, phải có quy hoạch để đào tạo, định hướng bồi dưỡng trong 3-5 năm để bố trí.
Để thực hiện mô hình này một cách căn cơ, lâu dài, thường xuyên trong công tác cán bộ, nguyên tắc đặt ra là phải tuyển chọn đúng người, đúng việc. Người được tuyển ngoài tinh thần xung kích, tình nguyện, phải có chuyên ngành đúng với nhu cầu của địa phương để sau này có thể bố trí công tác tại các vị trí khác nhau trên địa bàn. Có thể bố trí làm công chức xã từ 2-3 năm, rồi quy hoạch tham gia cấp ủy ở các vị trí công tác cao hơn.
Ông Vũ Đăng Minh cho rằng nếu các xã thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn có nhu cầu tăng cường trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo lâu dài cho cơ sở, cần báo cáo để bổ sung thêm một Phó Chủ tịch xã ngoài Phó Chủ tịch theo cơ cấu Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cơ sở đầu tiên là phải có vị trí để bố trí, tiếp đến là phải tuyển chọn đúng chuyên ngành của địa phương và có thời gian thử thách nhất định để trải nghiệm, tập dượt, tránh bỡ ngỡ trong quá trình chỉ đạo ở địa phương. Ngay từ ban đầu, các địa phương phải chủ động trong quy hoạch, cam kết bố trí cho họ sau khi hết thời hạn, coi họ là người của mình, để đào tạo, phân công, giao nhiệm vụ ngay từ đầu.
Trong 2 năm thử thách, các trí thức trẻ sẽ theo cơ chế cạnh tranh và thải loại, nếu không có khả năng sẽ ra khỏi dự án, nếu được cấp ủy, chính quyền, công chức địa phương đánh giá tín nhiệm, sẽ được bầu bố trí chức danh. Bộ Nội vụ chỉ làm chức năng quản lý nhà nước là kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện và theo dõi thực hiện chính sách.
Từ góc độ của một Phó Chủ tịch đã 5 năm tham gia dự án, Nguyễn Anh Khoa cho rằng Dự án đã thành công trong việc tăng cường trí thức trẻ về các xã nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao trình độ cho người dân. Nếu để dự án bước tiếp, nên quy định chế độ đào tạo dự nguồn Phó Chủ tịch xã trong 2 năm và tốt nhất là bố trí công chức làm việc trong lĩnh vực văn phòng thống kê, đây là nơi bao trùm tất cả các hoạt động của UBND xã, tham mưu trực tiếp cho lãnh đạo ủy ban, như vậy, khi bổ nhiệm địa phương cũng ghi nhận quá trình phấn đấu từ công chức lên làm cán bộ. "Thực tiễn là trường đào tạo tốt nhất”- Khoa khẳng định.
5 năm, quãng đường chưa dài để thử nghiệm một chính sách mới, nhưng cũng đủ để nhìn nhận những gì mà Dự án 600 Phó Chủ tịch xã mang lại cho 580 xã thuộc 64 huyện nghèo 30a và rút ra bài học cho quá trình tiếp theo.
Luồng gió mới về các xã nghèo
Điều không thể phủ nhận, đó là các trí thức trẻ đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ chính quyền cơ sở; thay đổi nhận thức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cũng như từng bước thay đổi lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức cấp xã; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, góp phần thay đổi phương thức điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan UBND xã. Các đội viên đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tham mưu, đề xuất thực hiện công tác khai hoang, phục hóa, mở rộng đất sản xuất, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác di dân tái định cư, sinh đẻ có kế hoạch; đấu tranh với tiêu cực, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, tập quán lạc hậu…
Được giao việc, được trao quyền, nhiều đội viên đã tạo được sức bật mạnh mẽ. Trong 5 năm qua, đã có 351 đội viên chủ động tham mưu, đề xuất và trực tiếp triển khai hiệu quả 822/834 chương trình, kế hoạch, đề án, mô hình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Điển hình như sáng kiến thay đổi phương thức canh tác trên đất dốc bằng tạo ruộng bậc thang cho người dân của đội viên Lò Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Từ việc năm 2012 trên địa bàn chưa có ruộng bậc thang, đến năm 2016, xã đã có 15 ha ruộng bậc thang sản xuất được lúa nước 2 vụ, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Hay Đề án đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học và giáo dục kỹ năng sống trong học sinh của Cháng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Đến nay, sáng kiến này đã được đưa vào giảng dạy trong trường Tiểu học và Trung học Cơ sở tại xã…
Thông qua việc triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, sáng kiến, mô hình, dự án, đã nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi nhận thức của người dân trong việc thay đổi phong tục, tập quán sản xuất, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Mùa A Vảng nhìn nhận, Dự án triển khai trong thời gian chưa phải là dài, không thể chuyển biến tích cực tất cả các mặt ở các xã khó khăn, điều dễ thấy là các trí thức trẻ không chỉ đem kiến thức của mình để hướng dẫn bà con trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, mà còn mang lại phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học hơn.
Nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, các trí thức trẻ như một luồng gió mới thổi về các địa bàn khó khăn. Với sức trẻ và sự năng động, các Phó Chủ tịch xã này đã làm giảm sức ỳ, tính ỷ lại, chậm chạp của đội ngũ cán bộ cơ sở, tạo sự nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
“Tôi đến xã Pá Hu (Trạm Tấu – Yên Bái), Bí thư Đảng ủy xã nói, xã tôi từ ngày có đội viên dự án về là xã lần đầu tiên cán bộ, công chức đi làm đúng giờ”, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban Quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, chia sẻ một thực tế.
Nếu như trước đây, cán bộ xã Pá Hu 9 giờ mới đến cơ quan, 10 – 10 giờ 30 đã về, chiều có việc mới đến, không thì ở nhà, nay, do Phó Chủ tịch xã gương mẫu đi làm đúng giờ, vận động, đôn đốc, nhắc nhở nên việc đi làm đúng giờ đã trở thành nề nếp, lề lối. Nhìn rộng ra, sau 5 năm, Dự án đã đào tạo được một lớp cán bộ trưởng thành năng động ở cơ sở.
Còn đó những băn khoăn
Cũng phải công tâm mà nói rằng khi Dự án ra đời, không phải mọi việc đều “xuôi chèo, mát mái”. Vẫn còn đó những băn khoăn về sức trẻ và khả năng cống hiến. “Lực cản” đầu tiên, đó là tính cục bộ ở một số địa phương và tư duy trì trệ vẫn còn mang nặng trong bộ máy ở cơ sở.
Theo ông Vũ Đăng Minh, rào cản lớn nhất trong việc đưa trí thức trẻ về, đó là địa phương không ủng hộ, cho rằng người trẻ không có kinh nghiệm, không có khả năng, chỉ về làm việc “phụ” nên có những đội viên khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ do không được ủng hộ, không được giao việc. “Cũng phải nói sòng phẳng cũng có một vài địa phương chưa thực sự tin tưởng lắm nên cũng có khó khăn”, ông Minh nói.
Thậm chí, cho đến thời điểm kết thúc Dự án (30/6), vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở, khi còn 148/580 đội viên chưa thể bố trí. Mặc dù chỉ đạo của Chính phủ, chủ trương của Bộ Chính trị, sau khi kết thúc dự án, địa phương nào còn biên chế sẽ ưu tiên bố trí đội viên chuyển tiếp vào các vị trí công tác. 9 tỉnh còn lúng túng trong bố trí, triển khai, đặc biệt là Hà Giang và Thanh Hóa, mà theo ông Vũ Đăng Minh, là do sự chỉ đạo của tỉnh tới huyện chưa đồng nhất.
Ở Hà Giang, có huyện còn biên chế nhưng không thực hiện bố trí cho đội viên mà lại tổ chức tuyển dụng chung trong biên chế công chức của tỉnh. Nhiều đội viên hiện không được hưởng lương, dù quỹ lương đã được Bộ Tài chính tính toán bố trí trả cho các đội viên đến hết tháng 12/2017 nếu chưa bố trí được vị trí công tác mới. “Giữa huyện và tỉnh đùn đẩy, đánh cờ với nhau, không mạch lạc”, ông Minh nói.
Vẫn còn đó những tư duy nhiệm kỳ, lãnh đạo địa phương nhiệm kỳ trước làm rất tốt, tâm huyết, nhưng khi chuyển công tác, người sau lên có tư tưởng không thừa nhận, như ông Minh nói, “sản phẩm của các bác trước, các bác đi mà dùng. Thậm chí còn sợ mang tiếng, ảnh hưởng đến mình”. Một số địa phương thực hiện chưa đúng tinh thần quy hoạch, có địa phương theo quy hoạch nhưng khi bố trí sử dụng lại chiếm tỷ lệ rất thấp.
Phải biết lắng nghe và chia sẻ
Song, nói đi cũng phải nói lại, việc được trao quyền hay không, có tồn tại, trụ vững và được ghi nhận ở địa phương hay không, phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của từng đội viên. Nếu như sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền xã đối với đội viên là yếu tố vô cùng quan trọng, là điều kiện “cần”, sự nỗ lực của đội viên là chính điều kiện “đủ”.
Nguyễn Thị Hằng, chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Sìn Hồ, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết, khi triển khai thực hiện một công việc, kế hoạch nào đó đừng cho là mình đúng mà hãy tham khảo ý kiến của mọi người, xin ý kiến của người dân và học hỏi từ dân, hãy “nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”. Không nên hứa trước một vấn đề gì với người dân để tránh việc mất lòng tin trong nhân dân; không nên nóng vội trong giải quyết công việc, cần kiên nhẫn, bình tĩnh và mềm dẻo, nhạy bén khi giải quyết công việc; tiếp xúc, trao đổi với người dân cần chân thành. Theo Hằng, là người từ nơi khác đến một môi trường mới, miền quê khác, cần hòa đồng với mọi người, chia sẻ những khó khăn nơi mình đến và hòa nhập với cuộc sống mới; lắng nghe ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; hiểu rõ về tính cách, quan điểm của từng cán bộ, công chức xã, đặc biệt là các lãnh đạo xã để tham mưu có hiệu quả các lĩnh vực được giao.
Còn Nguyễn Anh Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hạn chế của đội viên là kinh nghiệm còn non, có người mang “cái tôi” của mình, ra vẻ là có trình độ đại học trong khi cán bộ ở địa phương chỉ có trình độ trung cấp, nên rất khó tiếp cận và hòa đồng. Khoa thẳng thắn chỉ ra tính cục bộ địa phương “một số nơi có con em người địa phương, người ta không muốn mình chia một suất”. Điều quan trọng là đội viên phải biết cách dung hòa.
“Dù sao vẫn có cục bộ, họ biết mình làm được, có thể giúp họ nhưng đó là yếu tố công việc thôi, họ vẫn muốn người của họ, còn yếu tố tình cảm, địa phương, dân tộc nên về không hòa được với địa phương là chết”, Khoa bộc bạch.
Ông Vũ Đăng Minh cũng cho rằng không phải chỉ “đổ” cho xã mà bản thân một vài đội viên chưa thực sự cố gắng, quyết liệt, vào cuộc cũng chỉ mức độ nên địa phương cũng “tâm tư”.
Để chính sách đi tiếp
Có thể nói Dự án 600 Phó Chủ tich xã vừa là phép thử về niềm tin với lớp trí thức trẻ, vừa là phép thử về chính sách, để bước tiếp một chặng đường mới. Những bài học rút ra sau Dự án sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ. Rất nhiều lãnh đạo địa phương trong vùng dự án đều cho rằng cần tiếp tục thực hiện việc tăng cường nguồn nhân lực trẻ có trình độ về các xã nghèo, phải coi đây là việc làm thường xuyên, nhưng cần cho các em có giai đoạn tập sự, thử thách.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Dương Văn Tiến, các đội viên nên có thời gian thử thách 1 – 2 năm để học hỏi, xem năng lực lãnh đạo có vai trò đầu tàu không mới bầu, bổ nhiệm. Để đảm bảo tính bền vững, cần ưu tiên tuyển chọn bồi dưỡng, đào tạo người địa phương ngay từ khi trong trường phổ thông, phải có quy hoạch để đào tạo, định hướng bồi dưỡng trong 3-5 năm để bố trí.
Để thực hiện mô hình này một cách căn cơ, lâu dài, thường xuyên trong công tác cán bộ, nguyên tắc đặt ra là phải tuyển chọn đúng người, đúng việc. Người được tuyển ngoài tinh thần xung kích, tình nguyện, phải có chuyên ngành đúng với nhu cầu của địa phương để sau này có thể bố trí công tác tại các vị trí khác nhau trên địa bàn. Có thể bố trí làm công chức xã từ 2-3 năm, rồi quy hoạch tham gia cấp ủy ở các vị trí công tác cao hơn.
Ông Vũ Đăng Minh cho rằng nếu các xã thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn có nhu cầu tăng cường trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo lâu dài cho cơ sở, cần báo cáo để bổ sung thêm một Phó Chủ tịch xã ngoài Phó Chủ tịch theo cơ cấu Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cơ sở đầu tiên là phải có vị trí để bố trí, tiếp đến là phải tuyển chọn đúng chuyên ngành của địa phương và có thời gian thử thách nhất định để trải nghiệm, tập dượt, tránh bỡ ngỡ trong quá trình chỉ đạo ở địa phương. Ngay từ ban đầu, các địa phương phải chủ động trong quy hoạch, cam kết bố trí cho họ sau khi hết thời hạn, coi họ là người của mình, để đào tạo, phân công, giao nhiệm vụ ngay từ đầu.
Trong 2 năm thử thách, các trí thức trẻ sẽ theo cơ chế cạnh tranh và thải loại, nếu không có khả năng sẽ ra khỏi dự án, nếu được cấp ủy, chính quyền, công chức địa phương đánh giá tín nhiệm, sẽ được bầu bố trí chức danh. Bộ Nội vụ chỉ làm chức năng quản lý nhà nước là kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện và theo dõi thực hiện chính sách.
Từ góc độ của một Phó Chủ tịch đã 5 năm tham gia dự án, Nguyễn Anh Khoa cho rằng Dự án đã thành công trong việc tăng cường trí thức trẻ về các xã nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao trình độ cho người dân. Nếu để dự án bước tiếp, nên quy định chế độ đào tạo dự nguồn Phó Chủ tịch xã trong 2 năm và tốt nhất là bố trí công chức làm việc trong lĩnh vực văn phòng thống kê, đây là nơi bao trùm tất cả các hoạt động của UBND xã, tham mưu trực tiếp cho lãnh đạo ủy ban, như vậy, khi bổ nhiệm địa phương cũng ghi nhận quá trình phấn đấu từ công chức lên làm cán bộ. "Thực tiễn là trường đào tạo tốt nhất”- Khoa khẳng định.
Chu Thanh Vân