Dự án 585 của Bộ Y tế: Giải bài toán nguồn nhân lực ở vùng cao Lào Cai

Khám và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viên Đa khoa huyện Bắc Hà. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Khám và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viên Đa khoa huyện Bắc Hà. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Nhiều kỹ thuật mới được triển khai, nhiều ca bệnh khó không phải chuyển tuyến, dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" theo Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/2/2013 của Bộ Y tế (Dự án 585) được đánh giá là có chất lượng tốt nhất trong các chương trình đào tạo hiện nay, phù hợp với tình hình khám chữa bệnh tại các địa bàn vùng khó khăn của Lào Cai sau 8 năm thực hiện (2013-2021). Từ đây, chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở của địa phương ngày càng khởi sắc, góp phần từng bước tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bền vững ở các địa bàn vùng cao.

Giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng thấp ở vùng cao

Nguồn nhân lực y tế chất lượng cao ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới luôn là bài toán khiến các nhà quản lý đau đầu. Nhiều đoàn bác sỹ tình nguyện theo các chương trình, đề án về bệnh viện tuyến huyện hỗ trợ chuyên môn và làm việc trực tiếp. Song trên thực tế, đây chỉ là những phương án thời vụ, thiếu tính bền vững.

Tại Lào Cai, Dự án 585 đã và đang từng bước giải quyết được bài toán khó này bằng cách cử bác sỹ tuyến trên tình nguyện về công tác và tạm thời thay thế các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa các huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa để họ có cơ hội được cử đi đào tạo trình độ bác sỹ chuyên khoa I các chuyên ngành. Sau đào tạo trở về, các bác sỹ trẻ người dân tộc thiểu số có nghiệp vụ vững vàng hơn và có thể làm việc độc lập, yên tâm công tác và cống hiến tại quê hương góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa, giảm chi phí xã hội của người bệnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến của đơn vị.

Năm 2019, bác sỹ Nhi khoa Vàng Seo Sào (dân tộc Mông), Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà được cử đi đào tạo theo Dự án 585 tại Trường Đại học Y Hà Nội. Kết thúc quá trình đào tạo, năm 2021, bác sỹ Vàng Seo Sào trở về phục vụ tại địa phương. Từ đây, các ca trẻ sinh non từ 1 - 1,2kg tại bệnh viện đã không còn phải chuyển tuyến như trước. Nhiều ca bệnh khó với kỹ thuật phức tạp khác đã được thực hiện ngay tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà.

Dự án 585 của Bộ Y tế: Giải bài toán nguồn nhân lực ở vùng cao Lào Cai ảnh 1Khám và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viên Đa khoa huyện Bắc Hà. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Việc không nói sõi và chưa hiểu hết tiếng dân tộc Kinh khiến chị Giàng Thị Xua, thôn Lèng Phàng, xã Nậm Mòn và gia đình ngại ngần khi lựa chọn đưa con đi khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Khi biết bác sỹ Vàng Seo Sào (người cùng quê) đã được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn trực tiếp điều trị cho con, chị Giàng Thị Xua cảm thấy rất yên tâm và vững tin. Chị cho biết, nhờ hiểu được tiếng Mông, được lối sống, phong tục tập quán địa phương, bác sỹ dễ dàng hiểu được tình trạng người bệnh.

Giai đoạn từ năm 2016 đến 2021, Dự án 585 đã hỗ trợ đào tạo 5 bác sỹ chuyên khoa I cho Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà. Các bác sỹ đều là người địa phương, trong đó 4/5 bác sỹ là người dân tộc thiểu số. Đánh giá về đội ngũ bác sỹ trẻ trở về sau đào tạo, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Như Tuấn cho biết, bác sỹ trẻ của Dự án đã triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật cao tại đơn vị như: phẫu thuật ổ bụng, phẫu thuật kết hợp xương, phẫu thuật sản khoa, phẫu thuật nội soi... cùng các phẫu thuật phức tạp trong các chuyên khoa Ngoại, Sản..; thực hiện các kỹ thuật khó trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Việc giải quyết được các ca bệnh khó ngay tại cơ sở đã tạo thuận lợi, giúp giảm khó khăn cho bệnh nhân và gia đình không phải chuyển lên tuyến trên, mang lại niềm tin trong nhân dân vào chất lượng khám, chữa bệnh của Bệnh viện.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai Phạm Bích Vân cho biết, giai đoạn 2013-2021, Dự án 585 đã đào tạo được 26 bác sỹ chuyên khoa I cho các bệnh viện tuyến huyện của Lào Cai theo hình thức kèm trực tiếp một thầy một trò. Nhờ vậy, các bác sỹ chuyên khoa I sau khi ra trường có chuyên môn rất vững vàng. Tuy vậy, đây mới chỉ là con số khiêm tốn so với nhu cầu khám, chữa bệnh tại các địa bàn vùng cao.

Dự án 585 của Bộ Y tế: Giải bài toán nguồn nhân lực ở vùng cao Lào Cai ảnh 2Bệnh viên Đa khoa huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai. Nguồn: laocaitv.vn

Đào tạo bác sỹ chuyên khoa - nhu cầu cấp thiết

Hiện tại, Lào Cai có 314 bác sỹ chuyên khoa I (chiếm 30% tổng số bác sỹ). Riêng tuyến huyện chỉ có 49 bác sỹ chuyên khoa I và 10 bác sỹ chuyên khoa II lâm sàng.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết, các bệnh viện tuyến huyện hiện đang thiếu trầm trọng các bác sỹ ở tất cả các chuyên khoa, đặc biệt là các chuyên khoa chính như Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Gây mê, Hồi sức cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh. Vì vậy, việc đào tạo bác sỹ chuyên khoa là nhu cầu rất cấp thiết tại các bệnh viện tuyến huyện thuộc vùng khó khăn của tỉnh.

Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 có 50% bác sỹ có trình độ sau đại học (chuyên khoa I, chuyên khoa II); tại các bệnh viện tuyến huyện đảm bảo có 2 bác sỹ chuyên khoa I/khoa lâm sàng. Như vậy, địa phương cần đào tạo bổ sung 213 bác sỹ sau đại học (trung bình 46 bác sỹ/năm). Song, với yêu cầu tiêu chuẩn đầu vào cao (bác sỹ tốt nghiệp loại Khá, Giỏi ở các trường Đại học Y), Lào Cai hiện không thể tìm được nguồn bác sỹ để đào tạo theo Dự án 585.

Dự án 585 của Bộ Y tế: Giải bài toán nguồn nhân lực ở vùng cao Lào Cai ảnh 3Bệnh viên Đa khoa huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Nguồn: bvdkmuongkhuong.gov.vn

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, sau 2 năm đi đào tạo theo Dự án 585 trở về, bác sĩ chuyên khoa I - Khoa Phụ sản Sùng Seo Tỏa (dân tộc Mông) đã tự tin triển khai một số mô hình kỹ thuật mới. Bác sỹ cho biết, sau khi được đào tạo, anh đã có thể thực hiện phẫu thuật cắt tử cung dưới, mổ nội soi tử cung, buồng trứng cũng như can thiệp nội soi trong mổ bụng. Một số kỹ thuật cấp cứu khó như cầm máu, băng huyết sau sinh cho người bệnh và một số thủ thuật nghiệp vụ trước đây anh chưa làm được thì giờ đã có thể thực hiện tốt.

Những bác sỹ như Sùng Seo Tỏa tại Mường Khương hiện không nhiều. Anh là một trong 11 bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Mường Khương được cử đi đào tạo theo Dự án 585. Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương Vũ Văn Bốn, các bác sỹ sau đào tạo đã thực hiện được nhiều kỹ thuật vượt tuyến ngay tại cơ sở, góp phần đưa dịch vụ y tế hiện đại đến gần dân hơn. Tuy vậy, so với nhu cầu khám chữa bệnh tại địa phương, Bệnh viện vẫn đang thiếu bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ chuyên khoa. Ông Vũ Văn Bốn mong Bộ Y tế tiếp tục Dự án đến năm 2025 và mở rộng đối tượng thụ hưởng cho các bác sỹ đào tạo theo hình thức chuyên tu cũng được tham gia đào tạo chuyên khoa.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà Nguyễn Như Tuấn chia sẻ, đội ngũ cán bộ y tế địa phương mong muốn Dự án 585 tiếp tục được duy trì theo hướng ưu tiên cho các tuyến huyện vùng cao như Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương - vốn là những huyện rất khó khăn trong công tác phát triển nhân lực đặc biệt là thu hút bác sĩ về công tác. Ngoài ra, nếu có thể có một dự án với hình thức đào tạo điều dưỡng các chuyên ngành để phục vụ cho Bệnh viện sẽ góp phần tạo nguồn nhân lực mang tính bền vững cho địa phương.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm