Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế. Ảnh : Lê Đức Hoảnh - TTXVN |
Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên cây lúa đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, 100% diện tích làm đất bằng cơ giới hóa; 70% diện tích được giao sạ bằng máy sạ hàng và máy cấy; 90% diện tích thu hoạch bằng máy, tưới tiêu bằng trạm bơm điện hoặc bơm dầu. Hiện có trên 40% diện tích lúa áp dụng các biện pháp “1 phải, 5 giảm” hay “3 giảm, 3 tăng”; 46% diện tích sử dụng giống lúa cấp xác nhận góp phần nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí cho người sản xuất. Điển hình có mô hình giảm giá thành sản xuất lúa do Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân hướng dẫn thực hiện ở huyện Tháp Mười với mức giá thành 2.683 đồng/kg, giảm 601 đồng/kg so với tập quán sản xuất cũ. Trên cây màu, toàn tỉnh có khoảng 183 ha với 24 hộ đủ điều kiện sản xuất an toàn và VietGAP, chủ yếu ở tập trung tại huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, và Lai Vung. Công ty Ecofarm thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu ứng dụng công nghệ cao với diện tích 8.000m2, tại huyện Thanh Bình. Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thực hiện xây dựng khu nghiên cứu rau màu ứng dụng công nghệ cao với diện tích 0,7 ha và đang từng bước đưa vào thử nghiệm giống và kỹ thuật canh tác công nghệ cao. Với hoa kiểng, hiện nay Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đã chủ động nhân giống bằng phương pháp cấy mô đối với một số loại hoa kiểng chính như đồng tiền, cúc Đài Loan… và hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới cung cấp phân bón. Trung tâm cũng hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản từng bước chuyển giao giống hoa kiểng mới, kỹ thuật sản xuất công nghệ cao để thúc đẩy phát triển làng hoa Sa Đéc. Trên cây ăn trái, thời gian qua ngành nông nghiệp đã khuyến khích nhà vườn sản xuất cây ăn trái theo hướng VietGAP, hỗ trợ các địa phương xây dựng thành công thương hiệu cây ăn trái như xoài Cao Lãnh, quýt Hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành... và chứng nhận cây đầu dòng trên xoài, nhãn. Ngành đã cấp chứng nhận xoài đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu sang New Zealand. Đối với sản xuất, nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa, bao trái làm tăng tỷ lệ xoài loại 1, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Điển hình là ngành hàng xoài của tỉnh từng bước phát triển bằng hình thức trồng xoài rải vụ theo hướng an toàn. Hiện tỉnh có hơn 400 ha và 2 mô hình đạt chuẩn GlobalGAP với tổng diện tích hơn 33 ha tập trung ở thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Đồng thời, liên kết với các nhà máy chế biến, hàng năm cho ra thị trường từ 6-7 nghìn tấn xoài chế biến và xoài tươi xuất khẩu ra thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Trung Quốc, Nga, bình quân lợi nhuận kinh tế cho sản xuất xoài hơn 100 triệu đồng/ha. Ở huyện Châu Thành đang thực hiện việc duy trì chất lượng nhãn Edor bảo quản 20-25 ngày sau thu hoạch - giải pháp kỹ thuật ứng dụng các công nghệ mới thích hợp sau thu hoạch giúp duy trì chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản. Huyện cũng xây dựng mô hình chuyển giao ứng dụng công nghệ quản lý chất lượng của chuỗi cung ứng nhãn tươi Edor sau thu hoạch cho nhà sơ chế nhãn Edor của Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa với quy mô 5 tấn/ngày cho thị trường nội địa… Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng tỉnh chưa hình thành các khu, vùng công nghệ cao nhưng trên thực tế, một số công nghệ cao đã được tiếp cận, chuyển giao và ứng dụng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Hiện nay tỉnh đã nhân rộng các mô hình giảm giá thành sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất lúa hữu cơ, mô hình áp dụng công nghệ 4.0, hệ thống thông minh...
Nguyễn Văn Trí