Bài 2: Đánh thức tiềm năng vùng bưng biền
Chiến tranh kết thúc, Đồng Tháp Mười là vùng trũng, phèn, bom cày đạn xới, vốn được đánh giá là “không làm gì được”. Chính sách cải tạo vùng Đồng Tháp Mười được Trung ương khởi xướng. Đảng bộ tỉnh Long An nhận định, Đồng Tháp Mười là vùng đất có nhiều tiềm năng và đề ra quyết tâm khai thác, đưa cây lúa, cây tràm trở thành cây trồng chủ lực.
Rửa phèn, mang nước ngọt về với ruộng đồng
Sinh ra và lớn lên ở vùng Đồng Tháp Mười, ông Lâm Văn Ra (ấp Hưng Trung, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) là nhân chứng sống cho những đổi thay đến mức khó tin của vùng đất này. Ông Ra nhớ lại: “Hồi đó vừa phèn vừa lũ lụt nên mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa, năng suất khoảng 2 tấn/ha. Nhà nước có chính sách khuyến khích khai hoang, tổ chức đào thêm kênh rạch để rửa phèn, mà hầu hết đào bằng tay vì chưa có máy móc”.
Sau ngày giải phóng, việc nạo vét, đào kênh được đặc biệt chú trọng và thực hiện theo phương châm “Nhà nước, nhân dân cùng làm”, chủ yếu dựa vào việc đóng góp công lao động. Kênh Măng Đa - Cái Môn là minh chứng cụ thể về sự phi thường của sức dân ở Đồng Tháp Mười. Ông Ra chia sẻ, khi kênh Măng Đa - Cái Môn được đào, ông ngoài 20 tuổi. Theo động viên của chính quyền, ông cùng các thanh niên địa phương tham gia đào kênh. Những thanh niên trẻ “ăn dầm nằm dề” tại công trình thủy lợi mang nước ngọt về với ruộng đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Bên cạnh kênh Hồng Ngự, kênh Măng Đa - Cái Môn là tuyến kênh đóng vai trò quan trọng trong việc “rửa phèn” cho Đồng Tháp Mười. Tuyến kênh này được đào khá sớm, bằng chính sức dân thời điểm đó.
Theo thống kê, từ năm 1975 – 1987, số kênh được đào mới, nạo vét phục vụ cho giao thông, thủy lợi trong tỉnh có tổng chiều dài khoảng 541,2km, trong đó một phần không nhỏ được đào đắp bằng tay.
Với sự đầu tư của Trung ương, khoảng năm 1985, kênh Hồng Ngự nối từ sông Tiền (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) với sông Vàm Cỏ Tây (ở thượng nguồn huyện Vĩnh Hưng) từng bước định hình. Với chiều dài hơn 40 km, đây là con kênh có quy mô nhất ở vùng Đồng Tháp Mười, hằng năm đưa một khối lượng lớn nước ngọt của sông Tiền chảy về Long An góp phần rửa phèn, đẩy lùi nước mặn, tạo thuận lợi cho trồng trọt. Ông Ra kể: “Khi tôi dời nhà về đây, vùng này còn hoang hóa lắm. Nhà tôi trước ở ngay chỗ mép kênh Hồng Ngự bây giờ. Khi Nhà nước có chủ trương đào kênh, gia đình mới lùi nhà về sau. Nhờ có con kênh Hồng Ngự nước ngọt được đưa về, chúng tôi xẻ kênh nhỏ dẫn vào ruộng. Việc sản xuất dễ dàng hơn, năng suất tăng dần. Nhờ vậy cuộc sống khá lên”. Đến nay, ông Ra có 20 ha đất trồng lúa tại Hưng Thạnh. Ngoài 70 tuổi, ông giao quyền canh tác lại cho các con để thảnh thơi an dưỡng.
Chuyện về con đường “có 1 không 2”
Song song với phát triển thủy lợi, giao thông cũng là lĩnh vực được đặc biệt chú trọng trong hành trình “tiến quân” về Đồng Tháp Mười. Ngoài củng cố và nâng cấp hệ thống giao thông cũ, tỉnh Long An tập trung xây dựng các tuyến đường mới phục vụ cho phát triển kinh tế và quốc phòng. Trong đó, nổi bật nhất là đường tỉnh 49 (Quốc lộ 62 ngày nay) xuyên Đồng Tháp Mười. Công trình được xem là niềm tự hào của Long An, là kết quả của quá trình lao động bền bỉ, kiên cường, dũng cảm của hàng vạn người dân trong tỉnh.
Với vai trò là Phó Bí thư Tỉnh đoàn lúc đó, bà Nguyễn Thị Bé (sinh năm 1950, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy) là người trực tiếp chỉ huy đội quân đắp đường tỉnh 49 năm bà 28 tuổi. “Trực chiến” tại Đồng Tháp Mười trong khoảng 2 năm, bà Bé trực tiếp giao việc, giám sát, động viên mọi người yên tâm lao động, góp sức mình đắp tuyến đường huyết mạch về Đồng Tháp Mười.
“Mỗi đơn vị nhận một quãng đường nhất định, hoàn thành thì được nghỉ. Các anh chị em làm việc rồi nghỉ ngơi ngay trong lán trại ngay bên đường. Muỗi nhiều như trấu, nước sinh hoạt lấy từ kênh rạch, lắng trong rồi dùng, đêm chỉ thắp đèn dầu, không dám đốt lửa vì sợ cháy lan ra rừng tràm. Khó khăn thì nhiều nhưng tinh thần anh chị em luôn lạc quan, cứ vài đêm là quây quần văn nghệ một lần. Giờ nhớ lại, tôi chỉ thấy vui! Nhìn đường về Đồng Tháp Mười thông suốt, tôi tự hào vì có công sức của anh em, đồng đội mình trong đó. Ước mong của tôi là Quốc lộ 62 sớm được nâng cấp, mở rộng”, bà Bé cho biết.
Bằng chính sức người, tuyến đường huyết mạch tiến thẳng vào Đồng Tháp Mười được Đảng bộ, chính quyền và người dân Long An bước đầu hình thành. Nền hạ đường đã có nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế của địa phương không “kham” nổi việc đầu tư nâng cấp, trải nhựa tuyến đường. Năm 1996, Long An cử đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Sửa làm Trưởng đoàn ra Hà Nội xin chủ trương nâng cấp đường tỉnh 49 thành quốc lộ.
“Tỉnh ủy thời điểm đó xác định, tuyến đường tỉnh 49 không chỉ giải quyết vấn đề phát triển kinh tế vùng Đồng Tháp Mười mà còn đóng vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ biên giới. Việc đầu tư hoàn thiện đường tỉnh 49 là bắt buộc nhưng tỉnh còn nghèo, sức dân có hạn nên tỉnh chủ trương đề xuất Trung ương đầu tư hoàn thiện đường. Đoàn công tác lên đường với tâm thế đến khi nào hoàn thành nhiệm vụ mới trở về. 20 ngày sau khi đoàn về tới Long An thì nhận được quyết định chính thức về việc nâng đường tỉnh 49 trở thành quốc lộ, đặt tên là Quốc lộ 62”, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Long An Trần Thị Sửa chia sẻ.
Năm 1997, tuyến đường được Trung ương đầu tư hoàn thiện, mở ra một giai đoạn mới trong việc khai thác vùng bưng biền những tưởng không thể nào thay đổi.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Trần Thị Kim Đính cho rằng, Quốc lộ 62 không chỉ có vai trò quan trọng trong giao thông, đi lại mà còn giúp kinh tế Đồng Tháp Mười phát triển khi khơi thông việc vận chuyển hàng hóa, lương thực. Nhờ có tuyến đường, giá nông sản tại Đồng Tháp Mười được nâng lên.
Thành tựu hôm nay
Từ những quyết sách táo bạo và đúng đắn về giao thông, thủy lợi, vùng Đồng Tháp Mười ngày càng phát triển. Từ vùng đất hoang vu với cỏ, năn, bàng, giờ đây Đồng Tháp Mười là ruộng lúa mênh mông “cò bay thẳng cánh”. Năng suất lúa tăng từ 5 tấn/ha/năm lên khoảng 14 tấn/ha/năm.
Từ năm 2015, Long An triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chỉ tiêu đề ra đến năm 2025, toàn tỉnh có 60.000 ha lúa ứng dụng công nghệ cao, tập trung ở Đồng Tháp Mười.
Thông qua các lớp tập huấn, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, nông dân tham gia chương trình từng bước ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm giống, giảm phân vô cơ, giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và lợi nhuận. Thấy được hiệu quả từ chương trình, nông dân ngày càng đồng thuận, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao dần mở rộng. Tính đến tháng 4/2024, toàn tỉnh có trên 56.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao, đạt 93,6% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2025.
Sau 2 năm tham gia sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, ông Nguyễn Văn Tám (xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh) vui mừng chia sẻ, nông dân giờ không còn chân lấm, tay bùn nữa, quy trình mới không chỉ giúp giảm chi phí đầu tư mà còn tăng năng suất. Cầm bông lúa vàng ươm, trĩu hạt, ông Tám nói: “Nhờ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, vụ lúa vừa rồi gia đình tôi đạt năng suất 8,5 tấn/ha. Lợi nhuận tăng khoảng 5 triệu đồng/ha so với trước khi tham gia mô hình. Bây giờ, cày ruộng, gieo giống, bón phân, xịt thuốc, thu hoạch đều có máy, nhanh hơn và chi phí rẻ hơn.
Nắm bắt xu thế phát triển chung, nông dân Đồng Tháp Mười từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển chuỗi sản xuất nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với vai trò kết nối nông dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã từng bước nhận được sự tin cậy của người dân. Hợp tác xã Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) là một điển hình. Với vai trò trung gian, Hợp tác xã kết nối cùng doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ, vật tư nông nghiệp với mức giá ưu đãi cho thành viên. Đồng thời, Hợp tác xã liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, sản lượng cao, thu hút sự quan tâm của các đơn vị thu mua.
“Hiện tại, ngoài việc xây dựng thành công thương hiệu gạo của Hợp tác xã, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra, mô hình hoạt động của Hợp tác xã Gò Gòn còn giúp thành viên tiết kiệm chi phí 3 - 5 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, Hợp tác xã Gò Gòn đang xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ, hướng đến chung tay thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao” – ông Trương Hữu Trí, Giám đốc Hợp tác xã Gò Gòn cho biết. (Xem tiếp Bài 3: Nông thôn mới nơi biên cương)
Đức Hạnh