Đồng Tháp: Hai khu vực có nguy cơ cháy rừng ở mức cấp cực kỳ nguy hiểm

Đồng Tháp: Hai khu vực có nguy cơ cháy rừng ở mức cấp cực kỳ nguy hiểm

Ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, địa bàn tỉnh có hai khu vực dự báo nguy cơ cháy rừng ở mức cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh ở khu vực cặp lộ kênh Hội Kỳ Nhất thuộc Rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười, huyện Tháp Mười và Khu Di tích Xẻo Quít, huyện Cao Lãnh.

Ngoài ra, dự báo 6 khu vực khả năng cháy rừng cấp IV - cấp nguy hiểm, có khả năng cháy lớn, gồm các khu vực ở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959, Nghĩa trang Liệt sỹ Tam Nông, Rừng Phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười (các khu vực còn lại), Trại Động Cát (Lô 3 khoảnh 4), Khu Di tích Gò Tháp (Khu vực sau đền thờ, khu kêu gọi đầu tư) và Rừng tràm Gáo Giồng (Khu A1, Đội 1).

Tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 12.500 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích đất có rừng là gần 6.100ha; độ che phủ rừng là 1,61%. Rừng phân bố trên địa bàn 4 huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh.

Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp đề nghị các chủ rừng đưa nước vào rừng giữ ẩm, thường xuyên vận hành máy chữa cháy 2 lần/tuần; phân công trực 24/24 giờ tại Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cơ sở, trạm chốt, đài quan sát. Đồng thời, các chủ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, phát hiện cháy sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, gây cháy rừng; chủ động xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng theo phương châm "bốn tại chỗ".

Chi cục Kiểm lâm thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm 2023. Công tác kiểm tra tập trung vào phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng của chủ rừng; kiểm tra các dụng cụ, phương tiện chữa cháy và quy định hiệu lệnh khi có cháy xảy ra; việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng cháy như: tuyên truyền, gắn các bảng cấm lửa, cấm xâm nhập rừng; làm sạch thực bì để cản lửa; tổ chức tuần tra theo dõi ở những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao...

Mùa khô năm 2023, Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông có biện pháp chủ động phòng, chống cháy rừng, trong đó chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Vườn Quốc gia Tràm Chim có diện tích đất lâm nghiệp hơn 7.310 ha, trong đó, diện tích rừng trên 2.500 ha, chủ yếu là cây tràm và các loại thực bì dễ cháy. Do đặc điểm rừng tiếp giáp với diện tích đất nông nghiệp của người dân vùng đệm, việc đốt rơm rạ rất dễ gây cháy lan vào rừng. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim tiến hành phát dọn vệ sinh rừng, kênh, mương tạo thông thoáng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; điều tiết nước, giữ nước, bơm nước vào trong vườn để hạn chế cháy và đảm bảo phục vụ việc dập lửa khi xảy ra cháy; trục cắt băng tại các khu vực có nguy cơ cháy cao để cách ly, phòng cháy lan từ khu vực đồng cỏ sang khu vực rừng tràm. Ngoài ra, Ban Quản lý thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy theo phương châm “bốn tại chỗ” ; phân công cán bộ trực 24/24 giờ tại các trạm, lều trại, đài quan sát; lắp đặt các camera quan sát để hỗ trợ cho hoạt động giám sát, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Để hạn chế cháy rừng là do tác động từ con người, đơn vị đã thông báo nghiêm cấm việc xâm nhập vào rừng trái pháp luật; thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân vùng đệm trong việc chung tay bảo vệ phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Huỳnh Thanh Hiền, Trưởng Ban Quản lý Rừng tràm Gáo Giồng cho biết, Ban Quản lý đã có nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng hiệu quả, bằng biện pháp tạo đường băng trắng, đường băng xanh, đồng thời đưa máy bơm nước vào các chòi canh trong rừng để phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đồng Tháp có 10 đơn vị, chủ rừng thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm nhập rừng khai thác trái phép tài nguyên rừng. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được các chủ rừng triển khai thực hiện theo kế hoạch; chủ động trang bị phương tiện, thiết bị… phục vụ chữa cháy rừng, đảm bảo công tác chữa cháy rừng được triển khai kịp thời, hiệu quả khi xảy ra cháy rừng.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm