Gia Lai đang bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích rừng đứng trước nguy cơ bị cháy. Để chủ động phòng, chống cháy rừng, các địa phương và chủ rừng trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó chú trọng việc nâng cao trách nhiệm của các cộng đồng dân cư.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh hiện có hơn 41.000 ha rừng, trải dài trên địa bàn ba huyện Đăk Đoa, Mang Yang và Kbang. Trong đó, hơn 150 ha rừng trồng được xác định là những khu vực trọng điểm, nguy cơ cháy vào mùa khô. Để phòng ngừa cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô, Ban Quản lý Vườn đã phân công cán bộ, nhân viên phối hợp chặt chẽ cùng các cộng đồng dân cư thường xuyên tuần tra, bám nắm địa bàn và chủ động xây dựng phương án 4 tại chỗ.
Được nhận giao khoán quản lý 30 ha rừng từ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, những ngày này, thanh niên trong làng Đê Kjiêng (xã A Yun, huyện Mang Yang) thường xuyên phân công người đi kiểm tra rừng và lên phương án đốt dọn thực bì những vùng có nguy cơ cháy cao. Anh Măng (một trong những hộ dân được nhận giao khoán bảo vệ rừng nhiều năm nay) cho biết, vào mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Vì vậy, anh thường xuyên cùng mọi người trong làng đi tuần rừng để nắm bắt và ngăn chặn người dân sử dụng lửa ở những khu vực có nguy cơ cháy. Ngoài ra, anh còn theo dõi kỹ các điểm dễ cháy, nếu thấy bất thường sẽ thông báo ngay cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và lực lượng kiểm lâm để kịp thời xử lý. Hiện bà con trong làng đều hiểu và chung sức bảo vệ rừng.
Ông Lê Văn Vinh, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh chia sẻ, xác định nguy cơ cháy rừng mùa khô ở Vườn rất cao, đơn vị đã tập trung tuyên truyền, nhắc nhở bà con sử dụng lửa an toàn khi đi rừng và đốt nương làm rẫy; đồng thời tăng cường bố trí lực lượng phát, đốt thực bì; phối hợp chặt chẽ với các xã, chủ rừng giáp ranh để nắm bắt tình hình những điểm có nguy cơ cháy cao, từ đó có giải pháp xử lý kịp thời.
Chủ động phòng ngừa cháy rừng mùa khô, các địa phương trong tỉnh đã tập trung kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp; trong đó, ưu tiên tổ chức phương án 4 tại chỗ và kêu gọi người dân sống gần rừng cùng chung tay bảo vệ rừng. Ngoài ra, các địa phương còn xây dựng các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng với lực lượng lên tới hàng trăm người, nòng cốt là người dân địa phương nhận khoán bảo vệ rừng để ngăn ngừa cháy rừng ngay từ ban đầu.
Phó Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê (huyện Đăk Pơ) Lê Thái Hùng cho biết, đơn vị đang quản lý hơn 10.000 ha; trong đó diện tích rừng tự nhiên 3.600 ha, rừng trồng 1.000 ha. Diện tích rừng lớn, trong khi quân số lại mỏng nên ngay từ đầu năm, đơn vị đã củng cố lại Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cùng 4 tổ cộng đồng vừa nhận khoán vừa gắn với nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê còn tăng cường nhiệm vụ kiểm tra, cử cán bộ trực cùng các tổ nhận khoán thường xuyên ứng trực tại các chốt trọng điểm cháy nhằm kịp thời phát hiện và xử lý tình huống khi có cháy xảy ra.
Chia sẻ về công tác phòng, chống cháy rừng, ông Đào Duy Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Pơ cho hay, mùa khô Tây Nguyên nắng nóng cộng với khô hanh nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Do đó, đơn vị luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan; coi trọng nhiệm vụ phối hợp với các xã và các đơn vị chủ rừng tuyên truyền sâu rộng đến người dân; sẵn sàng phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ) để khi xảy ra cháy rừng sẽ kịp thời xử lý, dập tắt không để cháy lan. Trước mắt, đơn vị đang ưu tiên bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy để phòng ngừa ngay từ ban đầu.
Theo thông tin từ hệ thống cảnh báo cháy rừng, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang trong thời kỳ cao điểm của mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng thường xuyên ở cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng các địa phương, đơn vị chủ rừng cần tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy; hướng dẫn người dân xử lý thực bì trong canh tác nương rẫy; chuẩn bị sẵn sàng các phương án, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ để ứng phó kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Hoài Nam - Xuân Huy