Đồng Nai bảo tồn nghề gốm truyền thống gắn với phát triển du lịch

Đồng Nai bảo tồn nghề gốm truyền thống gắn với phát triển du lịch
Theo ông Vi Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đồng Nai, đặc trưng nổi bật của sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa (Đồng Nai) là sự kết hợp của men tro và chất tạo màu từ hợp kim đồng, màu men đá đỏ, gốm đất đen. Các sản phẩm gốm Biên Hòa mang tính thẩm mỹ cao, các họa tiết trang trí cân đối, bố cục hài hòa được nhiều nước trên thế giới biết đến. Nhờ đó, gốm Biên Hòa ngoài việc cung ứng cho người tiêu dùng trong nước còn được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… 

Theo Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Lưu Văn Du, điều trước tiên phải khẳng định nghề gốm Biên Hòa là một ngành nghề truyền thống có từ lâu đời. Mặc dù hiện nay đã có nhiều công nghệ hiện đại nhưng các nghệ nhân gốm vẫn giữ cách làm gốm thủ công, sáng tạo ra những tác phẩm mang hồn cốt của gốm Biên Hòa xưa. Đặc biệt, mới đây nhất, họa sĩ Mai Văn Nhơn đã sử dụng chất liệu gốm để sáng tạo ra bộ tranh chân dung ghép gốm của 21 nguyên thủ quốc gia mang đến Hội nghị APEC tại Đà Nẵng vừa qua. Bộ tranh ghép gốm này đã vinh dự được Chính phủ Việt Nam chọn làm quà tặng chính thức cho lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC. 

Tuy nhiên, nghề gốm Đồng Nai đang đứng trước nguy cơ bị mai một do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có các nguyên nhân như: Nguồn nhân lực có tay nghề cao ngày càng thiếu hụt do thu nhập không ổn định, hình thức sản phẩm thiếu tính sáng tạo, đổi mới, thị trường không ổn định; khó khăn về cơ chế chính sách… 

Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú ý tới giải pháp kết nối du lịch với làng nghề truyền thống. Theo một số đại biểu, việc xây dựng điểm du lịch làng nghề sẽ mở ra thị trường tiêu thụ tại chỗ cho sản phẩm truyền thống, từ đó góp phần giáo dục ý thức giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng… Các du khách khi đến làng nghề sản xuất gốm có thể tự tay hoàn thiện một sản phẩm gốm. Do đó, việc gắn kết làng nghề sản xuất gốm với phát triển du lịch là một trong những giải pháp tích cực, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. 

Theo đại diện Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đồng Nai, hội thảo được tổ chức nhằm tìm những giải pháp bảo tồn, định hướng phát triển nghề gốm. Các giải pháp sẽ được tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, từ đó chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển bền vững nghề gốm truyền thống ở Biên Hòa, Đồng Nai. 
 
Lê Xuân 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm