Đồng chí Phạm Văn Đồng - nhà lãnh đạo, nhà văn hóa xuất sắc của Đảng

Đồng chí Phạm Văn Đồng - nhà lãnh đạo, nhà văn hóa xuất sắc của Đảng

Đồng chí Phạm Văn Đồng còn là người cộng sản kiên cường mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; nhà văn hóa lớn của dân tộc, con người rất mực trung thành, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đông đảo nhân dân Hà Nội lưu luyến tiễn Quốc trưởng Norodom Sihanouk (bên phải) và các vị khách quý Campuchia tại sân bay, ngày 5/3/1972. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đông đảo nhân dân Hà Nội lưu luyến tiễn Quốc trưởng Norodom Sihanouk (bên phải) và các vị khách quý Campuchia tại sân bay, ngày 5/3/1972. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đồng chí Phạm Văn Đồng, bí danh là Tô, sinh ngày 1/3/1906 trong một gia đình công chức tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chí mất ngày 29/4/2000, tại Thủ đô Hà Nội.

Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi còn là một thanh niên, đồng chí Phạm Văn Đồng đã sớm giác ngộ cách mạng, đã biết đến Nguyễn Ái Quốc và tìm hiểu tư tưởng cách mạng của Người thông qua sách báo được truyền bá vào Việt Nam lúc bấy giờ như: báo “Người cùng khổ”, “Nhân đạo”, “Tạp chí thư tín quốc tế”…

Năm 1924, đồng chí được xem tấm ảnh của Nguyễn Ái Quốc từ Pháp gửi về. Với trí thông minh, sự nhạy bén của tư duy, Phạm Văn Đồng vô cùng khâm phục, ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc. Hình ảnh Nguyễn Ái Quốc và những hoạt động của Người đã hấp dẫn và thuyết phục Phạm Văn Đồng tiếp cận với những tư tưởng cũng như con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra.

Năm 1926, đồng chí được sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng dạy. Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Văn Đồng. Đồng chí đã nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng mới-con đường cách mạng vô sản, và được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội.

Cũng từ đó, đồng chí có điều kiện gặp gỡ nhiều hơn với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ý chí cách mạng, lý tưởng cộng sản và tinh thần yêu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ảnh hưởng sâu sắc tới tình cảm và lý tưởng của Phạm Văn Đồng, biến đồng chí từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sĩ cách mạng chân chính.

Đầu năm 1940, khi Nguyễn Ái Quốc ở Côn Minh (Trung Quốc) chuẩn bị về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì đồng chí Phạm Văn Đồng được gặp Nguyễn Ái Quốc và được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao phó những nhiệm vụ quan trọng. Cũng từ đây, bắt đầu một thời kỳ dài gần 30 năm (cho tới khi Bác mất) đồng chí Phạm Văn Đồng được thường xuyên làm việc bên Bác, theo sự chỉ dẫn và phân công của Bác.

Là một trong những cán bộ tiền bối, được Bác Hồ trực tiếp giáo dục và rèn luyện, đồng chí Phạm Văn Đồng đã trở thành người học trò xuất sắc, một cộng sự gần gũi và thân thiết của Bác Hồ. Đồng chí thể hiện những phẩm chất cao quý của một người cộng sản trung kiên, mẫu mực, đó là đức tính: Tận tuỵ với nước, tận hiếu với dân; dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân; Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; chống quan liêu, tham ô, lãng phí; nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, nhân cách; có tấm lòng nhân ái, bao dung…

Đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết 4 tác phẩm xuất sắc về tư tưởng Hồ Chí Minh: “Hồ Chí Minh-Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp” (1990); “Hồ Chí Minh, quá khứ hiện tại và tương lai” (1991); “Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh” (1993); “Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh” (1998).

Người cộng sản kiên cường, mẫu mực, suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Trong suốt 15 năm đầu đi theo con đường cách mạng (1926-1940), lúc bị bắt, bị giam cầm tại ngục tù Côn Đảo cũng như lúc hoạt động bất hợp pháp, bán hợp pháp, hay hợp pháp, công khai, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn vượt qua mọi khó khăn, gian nguy, mang hết nhiệt tình, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho cách mạng với niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ đến tháng 1/1949, đồng chí Phạm Văn Đồng là Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ. Tại đây, đồng chí đã có những cống hiến và sáng tạo trong việc xây dựng vùng tự do Nam-Ngãi-Bình-Phú, xây dựng và củng cố căn cứ địa kháng chiến, thực hiện khẩu hiện tự lực cánh sinh, chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Đồng chí còn chỉ đạo việc thành lập và trực tiếp giảng dạy tại Trường Trung học Bình dân Nam Trung Bộ.

Đầu năm 1959, đồng chí được điều động trở lại công tác tại Việt Bắc được bổ sung làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, sau đó là Phó Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 1951 đến 1986, được bầu vào Bộ Chính trị. Từ năm 1955 đến 1987, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao trọng trách Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí còn kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng trong những năm 1954-1955. Trong thời gian từ 1986-1997, đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giữ cách sống mẫu mực của một đảng viên cộng sản chân chính theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm phòng ảnh của Phân xã nhiếp ảnh - Việt Nam Thông tấn xã (nay là Ban Biên tập Ảnh - Thông tấn xã Việt Nam). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm phòng ảnh của
Phân xã nhiếp ảnh - Việt Nam Thông tấn xã
(nay là Ban Biên tập Ảnh - Thông tấn xã Việt Nam). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Mấy chục năm đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành pháp, đồng chí luôn trăn trở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, xây dựng tiền đề, tạo lập và phát triển một chính quyền của dân, do dân, vì dân, xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa phù hợp với bản sắc của dân tộc Việt Nam. Trong đời sống riêng tư, đồng chí luôn là tấm gương mẫu mực về một người cán bộ lãnh đạo, tận tâm tận lực, vì dân, vì nước, liên khiết, khiêm tốn, giản dị, gần gũi với nhân dân.

Tháng 5/1999, dù tuổi cao, sức khoẻ không còn sung mãn, đồng chí Phạm Văn Đồng vẫn gửi đến Tạp chí Cộng sản bài viết "Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam". Với ngòi bút sắc sảo của mình, đồng chí Phạm Văn Đồng đã chỉ rõ những mặt yếu kém cần sửa chữa, khắc phục, với tinh thần thấy rõ sự thật, nói đúng sự thật, nói hết sự thật, nghiêm khắc và sắc bén làm nổi rõ những gì phải giải quyết, nêu lên những biện pháp giải quyết, thiết thực và hiệu quả.

Những lời tâm huyết từ đáy lòng của người chiến sĩ cách mạng lão thành đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh của Đảng của dân tộc, đã có sức lay động con tim độc giả. Bài viết đã gây được sự chú ý của dư luận trong những ngày đầu cuộc vận động triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương VI (lần 2). Đây là một trong những lời cuối cùng của đồng chí Phạm Văn Đồng để lại cho chúng ta trước khi đi xa.

Nhà lãnh đạo kinh tế giàu kinh nghiệm

Ngay từ khi đất nước giành được độc lập, ở cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của Chính phủ mới, đồng chí đã có nhiều chủ trương sáng suốt giải quyết những vấn đề khó khăn về tài chính lúc bấy giờ. Trong cương vị Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ trong hai cuộc kháng chiến, đồng chí đã lo tổ chức một bộ máy Nhà nước gọn nhẹ, ít tốn kém mà có hiệu quả, tích cực phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế; đảm bảo cuộc sống của nhân dân; huy động sức người, sức của cho kháng chiến; tăng cường sức mạnh và sự an toàn hậu phương của chiến tranh; tổ chức tốt công tác chi viện cho tiền tuyến.

Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất trăn trở trước những khó khăn của đất nước. Đồng chí đã chỉ đạo cho cán bộ đi khảo sát “khoán chui” trong nông nghiệp ở Hải Phòng. Đồng chí trực tiếp làm việc với cán bộ lãnh đạo Hải Phòng và kết luận cái được, cái chưa được trong cơ chế khoán này. Đó là tiền đề cho Chỉ thị của Đảng về khoán hộ trong nông nghiệp ở thời kỳ đổi mới, một cứu cánh cho nền nông nghiệp nước nhà.

Cũng thời gian này, đồng chí đã đồng ý cho Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng biện pháp mới trong cơ chế sản xuất công nghiệp và từng bước tổng kết. Từ đó đã ra đời các Quyết định 25/CP và 26/CP của Chính phủ, mở ra cơ chế mới trong sản xuất kinh doanh, từng bước xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp. Đó là những bước đầu của tư tưởng đổi mới.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đồng chí Phạm Văn Đồng khẳng định: Đổi mới là xây dựng đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, là dân giàu, là xây dựng một nền văn hóa mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Với phong cách làm việc biết gắn kết chặt chẽ giữa tư duy lý luận sắc bén với thực tiễn sinh động, đồng chí đã thể hiện là một người lãnh đạo kinh tế đổi mới, người quản lý thông thái, đầy năng động và sáng tạo.

Đồng chí rất nghiêm khắc đòi hỏi ở bản thân và mọi người phải làm việc thực sự có hiệu quả, năng suất, chất lượng; phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí. Những năm 1976-1985, ở cương vị lãnh đạo, xây dựng nền kinh tế trên phạm vi cả nước, đồng chí đã lo tập trung giải quyết những vấn đề trọng yếu, cấp thiết của đất nước ở tầm vĩ mô nhằm thực hiện tốt các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhà văn hóa lớn của dân tộc

Đồng chí Phạm Văn Đồng luôn luôn quan tâm sâu sắc đến văn hóa, có nhiều tác phẩm, bài viết, bài nói về lĩnh vực tư tưởng-văn hóa. Đồng chí luôn nhấn mạnh văn hóa là phải đổi mới, đổi mới là văn hóa. Tư tưởng của đồng chí về văn hóa và đổi mới được thể hiện trong cuốn sách “Văn hóa và đổi mới”.

Đó là tác phẩm có giá trị lớn cả về khoa học và thực tiễn, đặt ra hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết từ kinh tế đến xã hội, chính trị, tất cả đều gắn với văn hóa, mà quan điểm bao trùm và xuyên suốt là những quan điểm coi văn hóa là động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội. Đồng chí cũng chỉ ra những xu thế đổi mới, những ý tưởng sáng tạo trong chỉ đạo các hoạt động văn hóa. Những quan điểm của đồng chí về văn hóa chính là sự tiếp nối mang tính sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa.

Là người đứng đầu Chính phủ trong nhiều năm, là Chủ tịch Uỷ ban Cải cách giáo dục Trung ương, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn quan tâm sâu sắc tới sự nghiệp giáo dục đào tạo. Quán triệt sâu sắc quan điểm giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo con người “vừa hồng, vừa chuyên”, đồng chí Phạm Văn Đồng yêu cầu ngành giáo dục phải phấn đấu thực hiện phương châm giáo dục toàn diện, có đức dục và trí dục.

Đồng chí là người rất sâu sát, chí tình với giới tri thức, văn nghệ sĩ. Phương châm hoạt động của đồng chí nêu lên cho các nhà văn hóa là “hiểu biết, khám phá và sáng tạo”. Khẳng định vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Nhà ngoại giao xuất sắc

Trên lĩnh vực đối ngoại, đồng chí Phạm Văn Đồng là một nhà ngoại giao tài năng, có uy tín lớn trên thế giới; nhìn xa thấy rộng, tinh tế và linh hoạt, kiên cường và mềm dẻo, ứng xử nhanh nhạy, sáng tạo, luôn thể hiện lập trường chính trị sáng suốt trước mọi diễn biến của thời cuộc và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.

Đồng chí Phạm Văn Đồng là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự nhiều Hội nghị quốc tế, giải quyết những vấn đề không chỉ của Việt Nam mà còn liên quan đến nhiều nước, nhiều phong trào ở khu vực và quốc tế. Đó là Hội nghị Phôngtennơblô (1946), Hội nghị Geneva (1954), Hội nghị các nước Á-Phi họp ở Băngđung-Inđônêxia (1955), các Hội nghị cấp cao của Phong trào không liên kết…

Trong những năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng chí Phạm Văn Đồng là một trong những nhân vật chủ chốt tham gia vào việc hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi và phong phú của đồng chí Phạm Văn Đồng là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cộng sản về học tập và thực hiện tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng chí được nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới yêu mến và nể trọng. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng và của dân tộc gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước.

Có thể bạn quan tâm