Sự chung tay xây dựng quê hương của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Ảnh: soctrang.gov.vn |
Đặc biệt, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đã đáp ứng kịp thời nguyện vọng của nhân dân, tạo ra động lực mạnh mẽ, thu hút toàn xã hội cùng tham gia phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.
Đến xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, địa phương có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, không khó nhận ra những thay đổi toàn diện trong đời sống kinh tế của người dân nơi đây. Hiện hệ thống đường giao thông được bê tông rộng khắp, trường học khang trang, phum sóc sạch đẹp. Ông Trần Hoành ở ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ, chia sẻ: Trước đây, đường không được rộng rãi và đẹp như bây giờ. Để góp phần chung tay cùng các cấp chính quyền địa phương trong việc giữ gìn vệ sinh và tạo mỹ quan vùng nông thôn, gia đình ông và nhiều hộ dân trong xã đã cùng nhau trồng hoa trước nhà, ven đường liên xã.
Mỹ Thuận là một trong những xã nghèo, đang nỗ lực thực hiện đạt các tiêu chí của xã nông thôn mới. Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Mỹ Thuận, ông Phạm Gia Châu đã lãnh đạo thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các hoạt động giúp đỡ người nghèo. Nhiều hoàn cảnh không may, bệnh tật; thiếu vốn sản xuất được hỗ trợ, giúp đỡ. Thông qua các tổ chức tôn giáo, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc và việc kết nối với các “mạnh thường quân” trong và ngoài xã, ông Phạm Gia Châu đã vận động xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn xã.
Ngoài tấm gương của ông Phạm Gia Châu, nhiều cá nhân, gia đình trên địa bàn huyện Mỹ Tú đã tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng. Tiêu biểu như ông Phan Vũ Kiệt xây dựng cầu Tám Tổng ở ấp Phương Hòa 3, xã Hưng Phú, với kinh phí 50 triệu đồng; ông Hồ Văn Út ở ấp Tân Phước B, xã Long Hưng, hiến 1.000 m2 đất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, kinh phí khoảng 50 triệu đồng; ông Trần Văn Quân, ở ấp Mỹ Ninh, xã Mỹ Tú hiến 2.000 m2 đất xây trường tiểu học ở điểm lẻ Mỹ Tú C và nhà sinh hoạt cộng đồng ấp Mỹ Ninh, kinh phí khoảng 100 triệu đồng... Những việc thiết thực trên của người dân vùng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đã góp phần chung sức chung lòng cùng chính quyền các cấp xây dựng quê hương ngày càng ấm no, xanh- sạch- đẹp.
Xã Long Hưng, một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Mỹ Tú, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014. Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương này đã bắt tay ngay vào việc xây dựng nông thôn mới theo tiêu chuẩn nâng cao.
Để duy trì, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới đạt hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã Long Hưng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân địa phương. Nhờ vậy, người dân trong xã đã tích cực xây dựng đường giao thông nông thôn, trồng hoa, làm hàng rào, tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng… Từ năm 2015 đến nay, người dân địa phương đã hiến hàng chục nghìn m2 đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng nông thôn mới, giúp Long Hưng tiếp tục giữ vững các tiêu chí về giao thông, trường học, môi trường…
Theo UBND huyện Mỹ Tú, qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động tốt các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, trong đó mức độ tham gia của người dân đạt cao hơn các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Trong quá trình thực hiện, công tác tuyên truyền, vận động luôn được huyện Mỹ Tú coi trọng và đẩy mạnh để người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình.
Trong giai đoạn từ 2011-2019, huyện đã huy động được trên 1.078 tỷ đồng đầu tư cho chương trình. Trong đó, vốn trực tiếp cho chương trình là trên 133 tỷ đồng (gồm vốn Trung ương, ngân sách tỉnh và ngân sách huyện); vốn lồng ghép trên 517 tỷ đồng; vốn tín dụng trên 255 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp trên 31 tỷ đồng và vốn đóng góp từ cộng đồng dân cư gần 140 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng, qua 10 năm thực hiện đầu tư, phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn đã được gắn kết rộng khắp với đường huyện, tỉnh, quốc lộ, tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, nối liền và khai thông thị trường nông thôn với thị trường thành thị, thúc đẩy và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là động lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng, toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng nông thôn Mỹ Tú nói riêng và Sóc Trăng nói chung.
Chanh Đa