Đòn bẩy phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ (Bài 3)

Đòn bẩy phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ (Bài 3)

Bài 3: Xóa “vùng lõi nghèo” của cả nước

Được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương và sự nỗ lực cố gắng của Đảng, chính quyền, nhân dân, các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ đã có sự đổi thay, phát triển rõ nét. Tuy nhiên, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Trong thời gian tới, các địa phương trong vùng cần đột phá phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống người dân, xóa “vùng lõi nghèo” của cả nước.

Hỗ trợ sinh kế cho người dân

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã đề ra Chương trình hành động, phấn đấu để tỷ lệ nghèo đa chiều đến năm 2030 của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là 2-3%/năm. Để đạt được kết quả này, Chính phủ đề ra giải pháp tập trung nguồn lực và khuyến khích xã hội hóa thực hiện các cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội, chương trình hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ nhà ở gắn với thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian qua, việc giảm nghèo luôn được tỉnh Lai Châu quan tâm nhằm giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Tại huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) - vốn là “lõi” nghèo ở khu vực Tây Bắc, có 13 dân tộc sinh sống, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có dân tộc đặc biệt ít người là dân tộc Si La. Ngoài ra còn có các dân tộc đặc biệt khó khăn như: Cống, Mảng, La Hủ. Toàn huyện có 6 xã biên giới: Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ và 12/14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trình độ dân trí thấp, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo cao.

Đòn bẩy phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ (Bài 3) ảnh 1Bà con nhân dân huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu từng bước chuyển đổi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Trước thực trạng trên, Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Tè đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần giúp Mường Tè thay đổi diện mạo. Từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn vùng cao biên giới Mường Tè những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Số hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm. Giai đoạn 2016-2021, huyện Mường Tè giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 54,63% năm 2016 xuống còn 24,09% vào cuối năm 2021 (theo tiêu chí cũ); thu nhập bình quân năm 2021 đạt 24,5 triệu đồng/người/năm.

Ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, huyện Mường Tè đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo; khuyến khích, động viên hộ nghèo tự nguyện đăng ký cam kết vươn lên thoát nghèo. Mặt khác, huyện tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, từ tỉnh để ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế mới, tập trung đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông, trường học, trạm y tế.

Đòn bẩy phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ (Bài 3) ảnh 2 Người dân huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chăm sóc nghệ đen. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Cùng đó, huyện Mường Tè quan tâm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế, chuyển từ hình thức chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, với quy mô lớn. Các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cũng được huyện triển khai đầy đủ, kịp thời và đi vào cuộc sống.

Cách trung tâm huyện Mường Tè khoảng hơn 20 km, Pa Vệ Sủ - xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè, nay đã khoác lên mình một diện mạo mới. Toàn xã có hơn 30 km đường biên giới, 12 bản, 3 cụm dân cư và 9 dân tộc cùng sinh sống (hơn 90% dân số là người dân tộc La Hủ).

Đòn bẩy phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ (Bài 3) ảnh 3Bộ mặt nông thôn các xã huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã thay da đổi thịt với những ngôi nhà kiên cố đảm bảo tiêu chí “3 cứng”. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Ông Giàng Ha Cà, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ cho biết, được sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương về chương trình giảm nghèo bền vững, xã đã rà soát những hộ gia đình nằm trong chương trình để hỗ trợ về vốn, giống cây, con và vật tư nông nghiệp. Trong đó, xã xác định chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng và phát triển chăn nuôi là mũi nhọn về kinh tế để nâng cao năng suất, sản lượng. Hết năm 2022, Pa Vệ Sủ phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 88,5% (năm 2021) xuống còn 81,6% theo tiêu chí mới; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 86%..., qua đó giúp nhân dân cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Đơn cử gia đình bà Ly Mỳ Hừ, dân tộc La Hủ ở bản Seo Thèn, xã Pa Vệ Sủ trước đây thuộc diện hộ nghèo. Khi được Nhà nước hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, bà Hừ đã trồng 2 sào ruộng lúa và chăn nuôi lợn, chăm sóc bảo vệ rừng. Đến nay, kinh tế gia đình khá hơn, mỗi năm thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng và thoát nghèo.

Tại Lào Cai, tỉnh luôn xác định giảm nghèo bền vững là chương trình trọng tâm nhằm phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn. Tỉnh thực hiện tốt việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm cơ sở đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng nhóm hộ nghèo ở từng khu vực. Đặc biệt, với việc triển khai Nghị định của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, hàng vạn lượt hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vùng cao Lào Cai được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Đòn bẩy phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ (Bài 3) ảnh 4Nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Dao ở xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai được vay vốn giữ gìn nghề thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Cách đây hơn 10 năm, gia đình chị Trần Thị Ngời, dân tộc Giáy ở thôn 1 xã Bản Vược, huyện Bát Xát (Lào Cai) thuộc diện hộ nghèo trong xã. Năm 2011, gia đình chị Ngời được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ nghèo. Với nguồn vốn này gia đình chị đầu tư vào chăn nuôi, trồng rừng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình chị đã thoát nghèo và trả được hết nợ. “Năm 2019, gia đình tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng từ nguồn giải quyết việc làm để đầu tư vào trồng rừng, chăn nuôi lợn và thả cá. Hiện tại, gia đình tôi có hai ao thả cá, 30 con lợn và hơn 2ha rừng, thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi này mà gia đình tôi có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống”, chị Ngời chia sẻ.

Đòn bẩy phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ (Bài 3) ảnh 5Một buổi giao dịch cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn tại điểm giao dịch phường Sa Pả, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các giai đoạn đều ban hành các đề án thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chú trọng việc giảm nghèo bền vững. Tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân; khơi dậy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân.

Phát huy tinh thần tự lực, tự trọng

Công tác giảm nghèo của tỉnh Yên Bái đã đạt được kết quả rất ấn tượng, từ thực tiễn cho thấy nhiều bài học quý, nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo để thay đổi căn bản nhận thức, hành động, khơi dậy tinh thần thoát nghèo, khát vọng vươn lên làm giàu của người nghèo. Đặc biệt là giải phóng tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy tinh thần tự trọng, tự lực trong cuộc sống.

Đòn bẩy phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ (Bài 3) ảnh 6Mô hình nuôi trâu vỗ béo, quy mô 20 con mỗi lứa của hộ gia đình chị Định Thị Thìn, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho thấy, giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 4,58%/năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,01%/năm. Số xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giảm từ 81 xã còn 59 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 829 xuống còn 382 thôn, bản; toàn tỉnh còn 10.454 hộ nghèo theo chuẩn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn khẳng định, tỉnh sẽ tăng cường lồng ghép và xã hội hóa các nguồn lực để ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, như điện, đường, trường, trạm y tế, chợ... đối với khu vực đặc biệt khó khăn. Riêng năm 2021 tỉnh Yên Bái đã huy động trên 2.800 tỷ đồng để thực hiện công tác này; đồng thời thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm tạo sinh kế, thu nhập bền vững cho người dân; kết nối, giới thiệu, hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề cho người nghèo, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một thành viên có việc làm bền vững; nâng cao độ bao phủ của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người nghèo.

Ghi nhận tại tỉnh Tuyên Quang, theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, đầu năm 2022 có 50.033 hộ nghèo (chiếm 23,45%) và 16.749 hộ cận nghèo (chiếm 7,85%). Số hộ nghèo chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, trọng tâm là ở các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, khu vực nông thôn…

Đòn bẩy phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ (Bài 3) ảnh 7Chị Nguyễn Thị Tình (thứ hai, từ trái sang) tại thôn Làng Chiềng, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) nhờ vốn vay ưu đãi trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang thông tin: Tỉnh sẽ thực hiện đẩy mạnh việc đào tạo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với xây dựng phương án vay vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, chăn nuôi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân bảo quản sản phẩm nông nghiệp, cập nhật các thông tin về thị trường và giá cả các mặt hàng nông sản để có định hướng đầu tư sản xuất, tiếp cận trị trường, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số. Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4%/năm trở lên… (Xem tiếp Bài 4: Xây dựng hệ thống chính trị ở địa bàn đặc biệt khó khăn)

Nhóm phóng viên TTXVN

TTXVN

Có thể bạn quan tâm