|
Toàn cảnh thị trấn Thứ Ba, thị trấn huyện lỵ của huyện An Biên, địa bàn có hơn 11% đồng bào dân tộc Khmer cư trú |
Chuyển động ở vùng Bãi Ngang
Vùng Miệt Thứ có 10/12 xã ven biển Tây thuộc danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 gồm: Nam Thái, Nam Thái A, Nam Yên, Tây Yên (huyện An Biên), Thuận Hòa, Đông Hưng A, Vân Khánh, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây và Tân Thạnh (huyện An Minh).
|
Ngư dân Phạm Văn Còn hiện có gần 90 ha nuôi nghêu, vẹm xanh, sò huyết… trên vùng bãi bồi ven biển thuộc xã Nam Thái, huyện An Biên |
Kể từ khi triển khai chương trình bãi ngang ven biển và hải đảo, đến nay, các địa phương trong vùng đã được đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, kênh thủy lợi…
|
“Do nguồn kinh phí có hạn, khi triển khai các dự án đầu tư ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, chúng tôi chủ động lồng ghép nhiều nguồn vốn để tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, vừa góp phần nâng cao đời sống của đồng bào vừa hỗ trợ chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững…” Ông Nguyễn Việt Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện An Biên (Kiên Giang). |
Theo bà Trần Kim Tuyến, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Minh, các công trình hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường, trạm... đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất và lưu thông hàng hóa, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
|
Vùng bãi bồi ven biển thuộc huyện An Biên rộng trên 10.000 ha, tạo điều kiện thuận lợi để bà con nông dân vùng Miệt Thứ phát triển nuôi nhuyễn thể như: nghêu, vẹm xanh, sò huyết... |
Bên cạnh sự hỗ trợ của trung ương, các địa phương ở vùng Miệt Thứ còn chủ động lồng ghép nguồn vốn để xây dựng nhiều công trình khác như: Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở An Biên có tổng diện tích 22.000 m2 , tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng; hệ thống cấp nước liên xã tại xã Nam Yên, huyện An Biên công suất 3.000 m3 /ngày đêm, tổng kinh phí trên 85 tỷ đồng... Bà Lê Thị Tùng, ở ấp Đồng Giữa, xã Nam Thái A (huyện An Biên) hồ hởi: “Trước đây, nước vùng này bị nhiễm phèn, mặn, bà con phải sắm lu, khạp, chứa nước mưa để dùng quanh năm. Hết nước mưa phải mua nước ghe để dùng, một khối tới 50.000 đồng. Bây giờ, nước sạch vào tới nhà, một khối có 4.800 đồng, phấn khởi lắm!”...
Xây dựng mô hình kinh tế mới
Để cải thiện cuộc sống trên vùng đất nhiễm phèn mặn, các cấp chính quyền ở Miệt Thứ đã khuyến khích đồng bào khai hoang, cải tạo đồng đất, từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất, hướng tới các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững. Dựa trên điều kiện thực tế, Miệt Thứ cũng đẩy mạnh giao đất bãi bồi ven biển, khoán đất rừng phòng hộ, khoanh vùng chuyên nuôi trồng thủy sản; nhân rộng hình thức canh tác luân canh, xen canh tôm trên đất trồng lúa theo mô hình tôm - lúa...
|
Tuyến đường giao thông nông thôn dài 3 km vừa được đưa vào sử dụng ở ấp Xẻo Vẹt, xã Nam Thái A, huyện An Biên, có tổng kinh phí đầu tư hơn 1,9 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình bãi ngang ven biển |
Sau khoảng 10 năm chuyển đổi sản xuất, Miệt Thứ giờ đã có 58.000 ha sản xuất nông nghiệp theo mô hình tôm - lúa, chiếm gần 78% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn vùng. Khi xâm nhập mặn vào sâu nội đồng, cây lúa không sống được, đồng bào ở một số địa phương đã chủ động trồng cỏ để cải tạo đất, tái lập tính bền vững của mô hình.
Đến thăm gia đình anh thương binh người dân tộc Khmer Danh Ui, ở ấp Bào Trâm, xã Nam Yên (huyện An Biên), chúng tôi thực sự bất ngờ với phương thức chuyển đổi sản xuất hài hòa của cư dân nơi đây. Trên đường dẫn chúng tôi ra thăm vuông tôm rộng 3 ha, anh bộc bạch: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đất canh tác ít nên tôi suy nghĩ rất nhiều về những mô hình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2015, tôi quyết định chuyển đổi từ mô hình độc canh cây lúa sang mô hình tôm - lúa. Nhờ vậy, gia đình tôi giờ đã có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, vừa trả hết nợ, dựng được căn nhà khang trang, vừa tích lũy mua thêm được gần 1 ha đất canh tác”.
Cũng nhờ chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa nên giờ đây, các hộ xã viên Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bào Trâm, xã Nam Yên (huyện An Biên) đã có thu nhập trên 90 triệu đồng/ha, cao gấp 5 lần so với độc canh cây lúa. Ông Lương Văn Nhâm, Giám đốc HTX cho biết: HTX được thành lập từ năm 2005 với 102 thành viên nhưng lúc đầu chỉ trồng lúa, thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ha. Nhờ hiệu quả rõ rệt từ mô hình mới, bà con đã mở rộng mô hình tôm - lúa lên 82 ha, chiếm gần 1/2 tổng diện tích sản xuất của HTX. Hiện nay, HTX đang chuyển đổi diện tích canh tác còn lại theo tiến độ phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Công cuộc chuyển đổi mô hình sản xuất đã góp phần giúp giảm bình quân 3 - 4%/năm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng bãi ngang Miệt Thứ. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn vùng còn hơn 14%. Tất cả các xã ở Miệt Thứ đã có đường ô tô đến tận trung tâm; hệ thống giao thông nông thôn liên ấp đã và đang tiếp tục được đầu tư, xây dựng; các chỉ số về dịch vụ y tế, giáo dục, sử dụng nước sạch, điện sinh hoạt… không ngừng được nâng lên. Miệt Thứ bây giờ không còn là “xứ sở lạ lùng, con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng lo" như xưa nữa...
|
Giờ học giáo dục thể chất của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở An Biên |
|
Khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc tại Trạm y tế xã bãi ngang ven biển Vân Khánh Đông |
|
Miệt Thứ đang phát triển nhanh mô hình luân canh tôm - lúa, tạo bước ngoặt mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp
|
|
Các loại hoa quả của bà con nông dân vùng Miệt Thứ được bày bán ở chợ Thứ Mười Một, huyện An Minh |
|
Mô hình trồng cỏ trên đất nuôi tôm ở ấp Xẻo Nhàu A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh |
|
Trạm cấp nước khu vực 4 thuộc Hệ thống cấp nước liên xã huyện An Minh vừa được khánh thành đầu năm 2018, cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho người dân ở 5 xã ven biển: Tây Yên, Nam Yên, Tây Yên A, Nam Thái và Nam Thái A |
Nhu Giang - An Hiếu - Lê Sen