Một góc xã Tỏa Tình trên cung đèo Pha Đin hôm nay. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN |
Trên cung đèo Pha Đin hơn 30 km thuộc địa phận các huyện Thuận Châu (Sơn La), huyện Tuần Giáo (Điện Biên), nhiều năm qua, người dân đã lựa chọn và phát triển nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Đã có gần 20 năm trên đèo Pha Đin, gia đình anh Vàng A Dính là một trong số 30 hộ người Mông hiện ở bản Pá Khôm (xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Anh Dính chia sẻ " Nhiều năm trở lại đây, đồng bào không còn thiếu đói những tháng giáp hạt nữa bởi đã biết trồng những cây cho giá trị kinh tế cao, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt hiệu quả". Gia đình anh Dính hiện chăn nuôi đàn dê gồm 7 con, đàn trâu gồm 6 con. Để tạo lập kinh tế bền vững, gia đình anh còn trồng gần 0,1ha cây y dĩ và dưa quả trên nương, cho thu hoạch gần 30 triệu đồng/năm. Đặc biệt, với hơn 1.000 cây táo mèo được trồng từ năm 2010, cho khai thác từ năm 2014, mỗi năm gia đình anh cũng thu được thêm hơn 10 triệu đồng.
Người dân xã Tỏa Tình trên đỉnh đèo Pha Đin tích cực chăn nuôi, lao động sản xuất. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN |
Trên khu vực đèo Pha Đin, các cháu nhỏ đến tuổi được ra trường, tới lớp. Nơi đây đã có trường Mầm non, Trung học Cơ sở và các điểm trường vệ tinh nằm ở các bản.
Khi đi ngược đường dốc lên các bản Hua Sa A, Hua Sa B, Chế Á (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), chúng ta sẽ bắt gặp những quả đồi rợp màu xanh của cây cà phê. Chị Mùa Thị Lầu, bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết "Hơn 10 năm trước, người dân trong bản vồn quen trồng ngô, nhưng thời tiết khắc nghiệt, cây ngô không cho năng suất cao. Khi chuyển sang trồng cây cà phê, đồng bào có thu nhập cao hơn, ổn định hơn". Gia đình chị Lầu trồng hơn 3 ha cây cà phê đã 10 năm nay, trừ mọi chi phí gia đình chị thu về khoảng 45 đến 50 triệu đồng/năm.
Cây cà phê đang trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân của xã Tỏa Tình (Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: Văn Dũng - TTXVN |
Theo ông Mùa A Dề, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, xã có hơn 500 hộ với hơn 2.100 nhân khẩu, đều là người dân tộc Mông. Những năm qua, ngoài cây cà phê, cây sa nhân, táo mèo cũng là loại cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cho người dân. Từ kinh nghiệm thực tế, người dân ở đây đã biết khoanh vùng quy hoạch, mở rộng trồng cà phê, sa nhân, táo mèo ở những vùng có độ cao khác nhau giúp cây trồng thích nghi, phát triển tốt. Ở những vùng có độ cao dưới 700 mét, cây cà phê được lựa chọn là cây trồng phù hợp; ở độ cao từ 800 -1.000m, người dân trồng cây táo mèo và ở độ cao trên 1.000m lại trồng cây sa nhân. Hiện tại, xã Tỏa Tình có 160 ha cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch là 100 ha từ nhiều năm nay với năng suất 70 tạ/ha; khoảng 120 ha sa nhân cho năng suất 12 tạ/ha và hơn 150 ha táo mèo.
Ngoài mở rộng diện tích nông nghiệp, người dân xã Tỏa Tình (Tuần Giáo, Điện Biên) cũng đã phát triển chăn nuôi tăng thêm thu nhập. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN |
Ở Tỏa Tình còn có hơn 80 ha lúa mùa, năng suất 48tạ/ha; hơn 600ha lúa nương, năng suất hơn 13tạ/ha; hơn 550ha ngô, năng suất hơn 27tạ/ha; hơn 30 ha diện tích ao nuôi cá; hơn 2.300 con gia súc, gần 8.400 con gia cầm.
Các cửa hàng kinh doanh của người dân xã Tỏa Tình nằm san sát nhau trên đỉnh đèo Pha Đin. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN |
Ông Mùa A Dề nhấn mạnh, những năm qua, chính quyền, nhân dân xã Tỏa Tình luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm với nhiều chương trình, dự án đầu tư thiết thực ở địa phương như Chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình 167, xây dựng nông thôn mới…Tất cả đã giúp người dân có điểm tựa vững vàng để phát triển kinh tế.