Đời sống người dân tộc thiểu số tại Gia Lai tốt hơn nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia

Thu hoạch cà phê ở hộ nông dân Jat, thôn Brônngoai, xã Iapết, huyện Đắk Đoa. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Thu hoạch cà phê ở hộ nông dân Jat, thôn Brônngoai, xã Iapết, huyện Đắk Đoa. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Nhờ nỗ lực triển khai hiệu quả các chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (giai đoạn 1 từ 2021-2025), đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai ngày một nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa - xã hội chung của tỉnh.

Đời sống người dân tộc thiểu số tại Gia Lai tốt hơn nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1Thu hoạch cà phê ở hộ nông dân Jat, thôn Brônngoai, xã Iapết, huyện Đắk Đoa. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia trên, tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ xây dựng 28 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng kinh phí gần 3,9 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng và thực hiện mô hình tiêu thụ sản phẩm, tổ chức các phiên chợ, hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chị Niê H’Uyên, Tổ trưởng Tổ liên kết “đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng” huyện Chư Păh cho biết, trước đây, đồng bào trong làng chỉ dệt thổ cẩm để phục vụ cho gia đình. Từ khi thành lập tổ liên kết, nhiều du khách đã đến tham quan, mua sắm, giúp đưa sản phẩm dệt thổ cẩm ra thị trường, tăng thu nhập cho các hộ dân. Theo chị H'Uyên, thời gian tới, Tổ liên kết sẽ tiếp tục kết nối các nghệ nhân trên địa bàn, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm đan lát và dệt thổ cẩm.

Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh nhận định, việc tổ chức phiên chợ giao lưu, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 giúp giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương các sản phẩm nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và các mặt hàng chế biến từ sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP trên địa bàn huyện đến với người tiêu dùng. Nhờ hoạt động này, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trong 2 năm 2022 - 2023, tổng vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Gia Lai là gần 1.500 tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ 10 dự án phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, Gia Lai đã chú trọng đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện đi lại, thông thương cho người dân các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các địa phương trong tỉnh đã đầu tư cứng hoá 28 km đường liên xã, 76,7km đường giao thông các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng tái định cư, người dân hăng say sản xuất, phát triển kinh tế.

Đời sống người dân tộc thiểu số tại Gia Lai tốt hơn nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 2Mô hình nuôi bò được nhân rộng trong vùng dân tộc thiểu số để người dân có chỗ dựa vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hồng Điệp-TTXVN

Theo báo cáo từ Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, những năm gần đây, bình quân mỗi năm, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 4,21%. Hiện nay, số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa chiếm 99,43%; số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 97,7%; 75,43% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; 50% số thôn có đội văn hóa, văn nghệ hoạt động thường xuyên, có chất lượng; 100% hướng dẫn viên du lịch được đào tạo, tập huấn kiến thức về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn; 97,8% thôn, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng,...

Ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai nhận định, các chương trình, chính sách dân tộc có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực; trong đó ưu tiên đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với Gia Lai, các cấp, các ngành luôn tích cực, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện các chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án tại cơ sở; khắc phục kịp thời khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm các sai phạm trong tổ chức thực hiện.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm