Thu hẹp khoảng cách phát triển (Bài 1)

Thu hẹp khoảng cách phát triển (Bài 1)

Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021. Mục tiêu của Chương trình nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, giữa đồng bào dân tộc thiểu số và đa số…

Phóng viên TTXVN thực thiện chùm 2 bài nêu rõ ý nghĩa, khó khăn cũng như kết quả bước đầu của Chương trình này.

Thu hẹp khoảng cách phát triển (Bài 1) ảnh 1Hộ dân tộc thiểu số tại xã Hơ Moong (Sa Thầy, Kon Tum) chuyển đổi từ cây kém hiệu quả sang trồng chanh dây mang lại thu nhập cao. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Bài 1: Ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang từng bước đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống được ưu tiên đầu tư tạo diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch... Đây là những kết quả đáng ghi nhận sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 - 2025).

Hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế

Tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, Chương trình đã tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Ngoài ra, Chương trình đã hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế, tạo động lực vươn lên cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thu hẹp khoảng cách phát triển (Bài 1) ảnh 2Với đồng bào dân tộc Mông thôn Sín Chải và Hấu Chua, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, chè Shan tuyết là tài sản vô giá mà nhờ đó nhiều gia đình đã phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Sau ba năm thực hiện Chương trình, các địa phương đã thực hiện 4.948 công trình trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ 489 hộ về đất ở, 14.760 hộ thiếu đất sản xuất; khởi công được 116 dự án bố trí ổn định dân cư, trong đó 29 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng; triển khai 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao…

Trao đổi về ý nghĩa của Chương trình, ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cho biết, đây là một trong 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia hiện nay của Chính phủ, dành nguồn lực rất lớn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau 3 năm triển khai mặc dù vẫn còn những hạn chế và khó khăn, thách thức nhưng về cơ bản, giai đoạn này Chương trình có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, ổn định kinh tế - xã hội và phát triển những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của khu vực này nói riêng. Đây là quyết sách rất quan trọng của Đảng và Nhà nước dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo ông Hà Việt Quân, thuận lợi đầu tiên trong quá trình triển khai Chương trình là định hướng và chủ trương rất rõ ràng của Đảng; từ đó có định hướng cụ thể nhằm ưu tiên nguồn lực cũng như đầu tư cho phát triển khu vực này để đảm bảo mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi. Thuận lợi tiếp theo là sự quyết tâm cũng như ưu tiên đặc biệt của Quốc hội và Chính phủ trong quá trình triển khai, từ việc bố trí nguồn lực cho đến chỉ đạo thực hiện trong thực tế. Bên cạnh đó, Chương trình có sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân cũng như chính quyền địa phương, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này cũng tạo được những thuận lợi rất quan trọng trong quá trình thực hiện.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương

Do đây là Chương trình mới, với nhiều nhiệm vụ và được triển khai trên địa bàn rộng nên quá trình thực hiện, các địa phương gặp không ít khó khăn, thách thức.

Về vấn đề này, ông Hà Việt Quân cho biết, Chương trình có độ bao phủ rất lớn, bao gồm rất nhiều lĩnh vực như: văn hóa, y tế, giáo dục, quốc phòng, nông nghiệp, giao thông… Vì vậy, thách thức đầu tiên là việc xác định đúng đối tượng để thụ hưởng các chính sách. Do địa bàn rộng lớn và bị chia cắt nên việc này mất nhiều thời gian.

Thu hẹp khoảng cách phát triển (Bài 1) ảnh 3Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tp Pleiku đã đầu tư phát triển sản xuất. Ảnh: TTXVN phát

Thách thức tiếp theo là do Chương trình có độ bao phủ rộng với 10 dự án khác nhau, 14 tiểu dự án là 36 nội dung chính sách rất lớn nên khó khăn trong việc các tìm hướng dẫn thực hiện; đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật, từ những nghị định của Chính phủ cho đến các quyết định của Thủ tướng, thông tư hướng dẫn, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành. Với sự tham gia của rất nhiều bộ, ngành nên khối lượng văn bản hướng dẫn rất đồ sộ. Vì vậy, chính quyền cơ sở gặp rất nhiều thách thức trong việc dẫn chiếu, tìm kiếm những hướng dẫn để thực hiện đúng quy định.

Bên cạnh đó, thực tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ máy chính quyền cơ sở tương đối mỏng, trong khi đó phải triển khai một khối lượng công việc lớn, giải ngân lượng ngân sách lớn. Do đó, chính quyền địa phương gặp áp lực trong quá trình thực hiện trong bối cảnh nhân sự, đội ngũ cán bộ cơ sở vừa yếu, vừa thiếu. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên địa phương triển khai một Chương trình lớn nên đã gặp một số khó khăn.

Tính đến tháng 6/2023, giải ngân vốn đầu tư công Trung ương đạt 22%, đến tháng 9/2023 đạt 52%, nhiều địa phương giải ngân trên 60%. Thực tế, tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến kết quả giải ngân chậm, khó thực hiện.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng cần phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương để tháo gỡ nút thắt.

Thu hẹp khoảng cách phát triển (Bài 1) ảnh 4Anh Vương Tấn Cảnh, thôn Gò Gạo, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) là hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính mở rộng chăn nuôi. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Đồng tình với quan điểm này, ông Hà Việt Quân nêu rõ, phân cấp nhiều hơn cho địa phương nhằm tạo điều kiện cho họ chủ động trong quá trình thực hiện để phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, tình hình thực tế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất khác nhau, miền núi phía Bắc khác với Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; thậm chí có những nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trên cùng địa bàn nhưng đặc điểm kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa cũng khác nhau. Do đó, việc phân cấp cần có kế hoạch và lộ trình để đảm bảo tất cả địa phương đều triển khai được.

Ông Hà Việt Quân nhấn mạnh, quá trình thực hiện phân cấp sẽ được Ủy ban Dân tộc thực hiện mạnh mẽ trong giai đoạn tới; nhất là sau Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chính phủ đang trình Quốc hội về cơ chế đặc thù trong quá trình phân cấp. Như vậy, năm 2024 và năm 2025 cũng như trong giai đoạn tới, sự phân cấp trong quá trình triển khai Chương trình sẽ đi vào thực chất, hiệu quả cũng như toàn diện hơn.

Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang bước vào giai đoạn “tăng tốc”. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm đạt mục tiêu đề ra, ông Hà Việt Quân cho biết, bên cạnh việc thực hiện đúng các chủ trương đã được phê duyệt từ các nghị quyết của Quốc hội, các quyết định và nghị định của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng kế hoạch chi tiết trong quá trình thực hiện việc phân cấp, hướng dẫn thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn. Đặc biệt, Ủy ban Dân tộc dành nguồn lực và sự quan tâm đáng kể tới công tác truyền thông. Bởi vì đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, truyền thông là một trong những biện pháp tạo sự đồng thuận; đồng thời nâng cao năng lực, tạo tiền đề huy động sự tham gia của người dân, cán bộ các cấp cũng như các cơ quan hữu quan. Ủy ban Dân tộc đã có kế hoạch cụ thể trong việc tăng cường phân cấp đi đôi với đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tổ chức và đẩy mạnh công tác truyền thông trong quá trình triển khai Chương trình. (Còn nữa-Bài 2: Thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi)

Dương Lan - Thu Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm