Đổi mới sản xuất nông nghiệp qua ứng dụng chuyển đổi số ở Đồng Tháp

Chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa màu ở xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh. Ảnh: Nguyễn Văn Trí -TTXVN
Chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa màu ở xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh. Ảnh: Nguyễn Văn Trí -TTXVN

Ở tỉnh Đồng Tháp, việc chuyển đổi số vào nông nghiệp được thực hiện tốt về quản lý mạng lưới sâu rầy, mạng lưới quan trắc nước và đăng ký mã số vùng trồng. Đồng thời, tạo được biểu đồ thống kê về giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản; giá trị tăng thêm nông, lâm, thủy sản; sản phẩm OCOP; hợp tác xã, hội quán, nông thôn mới; thủy văn – phòng chống thiên tai…

Đổi mới sản xuất nông nghiệp qua ứng dụng chuyển đổi số ở Đồng Tháp ảnh 1 Chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa màu ở xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh. Ảnh: Nguyễn Văn Trí -TTXVN

Tỉnh Đồng Tháp cài đặt được mạng lưới giám sát sâu rầy với các số liệu thống kê của các trạm được lắp đặt trên địa bàn tỉnh. Qua đó, bản đồ vị trí phân bố trạm giám sát. Biểu đồ thống kê số lượng côn trùng như : sâu hại, thiên địch, vô hại tại các thời điểm đêm, ngày, tháng, năm được thông báo kịp thời.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 11 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh được lắp đặt và sử dụng tại các vùng sinh thái trồng lúa và cây ăn trái bố trí tại các huyện Tân Hồng, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò, Lai Vung và Châu Thành. Trong quản lý sản xuất, ngành nông nghiệp đã triển khai ứng dụng phần mềm PPDMS 2.0 vào việc báo cáo và tổng hợp số liệu tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng trên địa bàn tỉnh. Phần mềm này giúp cho việc tổng hợp số liệu được nhanh chóng, từ đó giúp quản lý và dự báo sâu bệnh được hiệu quả, kịp thời hơn.

Anh Sơn Hoàng Phương, nhân viên kỹ thuật của Công ty RYNAN TECNOLOGIES tại Trạm Giám sát sâu rầy thông minh xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười cho biết, Trạm giám sát sâu rầy thông minh có tính năng tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy, thiên địch vô hại và tự động đưa ra các cảnh báo, dự báo sâu rầy thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS.

Theo ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II, huyện Tháp Mười, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 có diện tích sản xuất 570 ha. Thông qua trạm Giám sát sâu rầy thông minh, người dân có thể theo dõi tình hình sau hại trên đồng ruộng qua điện thoại, thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ngay từ đầu vụ giúp bảo tồn nguồn thiên địch,…

Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp về mạng lưới quan trắc nước của tỉnh được thực hiện, qua đó giúp thống kê thông số môi trường nước tại các vị trí lắp đặt bao gồm: mực nước, độ mặn, độ PH, …vào các thời điểm ngày, tháng, năm. Bảng thống kê thông số môi trường nước tại các vị trí lắp đặt.

Đồng Tháp còn có nhiều mô hình hay sử dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp bằng biện pháp tưới nhỏ giọt có mô hình sản xuất trong hệ thống nhà màng, nhà lưới và ứng dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt kiểu Israel của ông Lê Vũ Hùng ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò. Ông Lê Vũ Hùng đã đầu tư mô hình nhà màng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất vụ dưa leo và dưa Pabi, và dưa lưới, với hệ thống công nghệ tưới nhỏ giọt kiểu Israel cho diện tích 4.000m2 đất và kinh phí đầu tư trên 1,2 tỷ đồng.

Ông Lê Vũ Hùng cho biết, với ưu điểm vượt trội từ việc áp dụng sản xuất trong nhà màng và tưới nhỏ giọt kiểu Israel đã giúp tiết kiệm nước, công chăm sóc và cho ra những sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, nhất là tăng lợi nhuận kinh tế cho người nông dân. Theo ông Hùng, áp dụng mô hình này có thể sản xuất được 4 vụ/năm. Sau khi trừ chi phí, với diện tích 4.000m2, ông Hùng thu về lợi nhuận từ 600 - 800 triệu đồng/năm.

Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp cũng đã hỗ trợ cho các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình xây dựng nhà màn và hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước cho các vùng dự án rau màu an toàn, với diện tích hơn 60 ha.

Cùng đó, hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước cho làng hoa kiểng thành phố Sa Đéc, với diện tích 110 ha; hỗ trợ cho các huyện Cao Lãnh, Lai Vung, Châu Thành xây dựng nhà màn và hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước trong vùng cây ăn trái, với diện tích 165 ha.

Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước cho cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, với diện tích 170 ha.

Về việc thực hiện đăng ký mã số vùng trồng, các thông tin từ mã vùng trồng đầy đủ, từ đó giúp các nước tiêu thụ sản phẩm có đầy đủ thông tin và yên tâm thu mua sản phẩm từ các cây trồng. Điển hình như các nhà vườn trồng xoài trong tỉnh Đồng Tháp được cấp 327 mã số vùng trồng xoài, qua đó đã kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩ . Tổng diện tích gần 6.000 ha cấp mã số vùng trồng xoài, nhiều nhất là ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh.

Nổi bật nhờ nâng cao chất lượng, mã vùng trồng xoài ở Đồng Tháp nên xuất khẩu xoài ra nước ngoài thuận lợi, vào năm 2019 tỉnh Đồng Tháp xuất 8 tấn xoài đầu tiên là xoài cát Hòa Lộc, cát chu, tượng da xanh xuất sang thị trường Mỹ bằng đường hàng không.

Toàn bộ xoài được lựa chọn kỹ lưỡng và đạt tiêu chuẩn VietGAP. Vừa qua tỉnh Đồng Tháp vừa xuất lô xoài đầu tiên vào ngày 19/2/2022, sang thị trường Hà Lan, với số lượng 3 tấn xoài Cát Chu. Đa số xoài xuất khẩu đều đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao.

Tỉnh Đồng Tháp đang kết nối với các doanh nghiệp Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cánh Cổng Vàng, Công ty Westemfarm... thu mua sản phẩm tại các mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU, Australia, Trung Quốc... Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức thực hành sản xuất an toàn, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm